Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

“Biểu giá điện hỗ trợ” (FIT) được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam

  |   Viết bởi : GreenID

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) được thành lập năm 2012 với các thành viên là 7 tổ chức xã hội và các chuyên gia năng lượng độc ...

Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) được thành lập năm 2012 với các thành viên là 7 tổ chức xã hội và các chuyên gia năng lượng độc lập tại Việt Nam. VSEA hoạt động nhằm tăng cường sự phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam và khu vực Mê Công bằng cách thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách năng lượng có sự tham gia của các bên liên quan, các giải pháp năng lượng tái tạo cho cộng đồng và vận động cho các chính sách năng lượng bền vững. VSEA cũng là một đối tác tích cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, nâng cao nhận thức và vận động chính sách, VSEA mong muốn đóng góp cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng xanh của đất nước.

VSEA trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ nhằm xây dựng khung pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Đại diện cho một nhóm các tổ chức xã hội, VSEA mong muốn bảy tỏ mối quan tâm và nhu cầu cần thiết của người dân tham gia vào quá trình tham vấn ý kiến các bên về các dự án phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

 VSEA hoàn toàn ủng hộ việc cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ cho việc phát điện từ pin năng lượng mặt trời, nhằm nâng cao tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện Việt Nam. Trong khi các cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích các nhà đầu tư hoặc hộ gia đình đầu tư tiền cho năng lượng mặt trời thì quyết định mới này có thể mở ra cho Việt Nam cơ hội đa dạng hóa nguồn cung cho năng lượng. VSEA tin rằng “biểu giá điện hỗ trợ” (FIT) được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh, tạo thêm nhiều công việc mới và các cơ hội tốt hơn cho sản xuất năng lượng sạch với chi phí phù hợp tại Việt Nam. VSEA ủng hộ cho FIT với sự bù giá công bằng cho các chi phí cao mà các nhà đầu tư đã phải bỏ ra khi đầu tư vào năng lượng mặt trời, ngoại trừ các khoản lợi nhuận không phù hợp, để khuyến khích năng lượng tái tạo cũng như các khoản đầu tư cá nhân.
 
Các hệ thống pin mặt trời trên mái nhà và dành cho hộ gia đình
Các dự án pin mặt trời quy mô nhỏ ở cấp tư nhân như hộ gia đình, nhà máy và các tòa nhà văn phòng, chính là công nghệ lý tưởng để lồng ghép các sản phẩm năng lượng xanh nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các nguồn năng lượng mới tại Việt Nam. Điều này cũng giúp giảm tổn thất điện lưới cũng như nhu cầu tăng công suất lưới điện. Bằng cách tích hợp sử dụng tấm pin mặt trời trên mái của các tòa nhà công nghiệp và các khu vực dân cư, Việt Nam sẽ tăng cường hiệu quả sử dụng mặt bằng - khắc phục được nhu cầu lớn về mặt không gian mà quá trình sản xuất năng lượng tái tạo thường đòi hỏi.

VSEA nhấn mạnh thêm rằng sự tách biệt về hệ thống pin mặt trời trên mái nhà giữa hộ gia đình và các công ty sẽ giúp tăng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời ở khu vực dân cư  và lan tỏa những lợi ích - lợi nhuận từ việc sử dụng năng lượng mặt trời trên cả nước, đồng thời góp phần tăng công suất phát điện. VSEA cũng đề xuất: tăng FIT cho các hệ thống pin mặt trời trên mái nhà quy mô nhỏ lên 25 US Cents/kWh cho việc sản xuất ra mỗi kWh cho 10 năm đầu tiên của dự án, và giảm FIT khoảng 10 đến 12 US Cent/kWh cho 10 năm tiếp theo. Điều này sẽ khuyến khích các hộ gia đình đầu tư cho hệ thống pin mặt trời quy mô nhỏ bởi có thể giảm thời gian hoàn vốn và những rủi ro về kinh tế. Biểu phí giá hỗ trợ như vậy sẽ giúp thị trường pin mặt trời sôi động hơn và phổ biến cơ hội cho mọi người tham gia dễ dàng hơn. Điều này cũng góp phần giúp tăng năng lực của quốc gia trong việc lắp đặt, bảo dưỡng và sản xuất hệ thống năng lượng mặt trời. Phong trào này sẽ hỗ trợ cho kinh tế địa phương và tạo ra nhiều việc làm xanh.

Giá trị gia tăng của tấm pin năng lượng mặt trời
Mặc dù hệ thống pin năng lượng mặt trời không sản xuất năng lượng một cách liên tục, nhưng vẫn có tiềm năng lớn cho việc quản lý nhu cầu năng lượng đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Vào ban ngày, nhu cầu điện cho máy điều hòa tăng cao, đồng thời sản lượng điện từ hệ thống năng lượng mặt trời cũng tăng. Sự liên kết này sẽ giúp khắc phục nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm và cân bằng phụ tải ở Việt Nam. Công suất điện mặt trời sẽ làm tăng hiệu suất sử dụng các nhà máy nhiệt điện hiện có và giảm nhu cầu sản xuất công suất đỉnh (rất tốn kém) cho hệ thống. Tăng sử dụng các đơn vị phát điện tổng thể trong khi giảm nhu cầu sử dụng trong giờ cao điểm sẽ giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn, giảm giá thành, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng. Tiềm năng về sự cân bằng này nên được xem xét khi hình thành chính sách về FIT cho năng lượng mặt trời. Để tăng tỷ trọng đóng góp của phát điện từ pin mặt trời một cách phù hợp trong 10 năm tới, việc tiếp cận theo 2 hoặc 3 bước với các chính sách FIT cho nhà đầu tư và các ngành công nghiệp là điều cần thiết để tạo ra một thị trường nội địa. Các nhà đầu tư sẽ muốn thu lại các khoản đầu tư của họ trong thời gian ngắn và rút ngắn thời hạn vay nợ. Vì vậy, FIT cần tương đối cao trong 5 năm đầu tiên và giảm xuống một phần ba trong 7 năm tiếp theo, sau đó có thể tiếp tục giảm. VSEA ủng hộ cho một biểu giá điện hỗ trợ tối ưu hóa chi phí cho người tiêu dùng và cho người dân cả nước. FIT linh hoạt sẽ giúp giảm giá hệ thống pin mặt trời và chi phí bảo dưỡng trong tương lai, giảm các rủi ro khi chi phí quá cao trong khi cho phép người dân có thể tham gia thị trường và đạt được lợi nhuận hợp lý cho đầu tư của họ.

Những ưu đãi ban đầu
VSEA ủng hộ những ưu đãi ban đầu trong 3 năm đầu tiên áp dụng FIT nhằm đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị trường trong nước. Hỗ trợ ban đầu này sẽ giúp vượt qua những thách thức đối với các dự án sắp tới. Các hỗ trợ này chủ yếu dành cho các khoản chi phí cao của pin mặt trời cho đến khi chuỗi cung ứng và toàn bộ các ngành công nghiệp liên quan được xây dựng và hoàn thiện để Việt Nam có thể trở thành một nước có ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Do các thị trường mới cần một số cơ chế để có thể hoạt động, biểu giá cao hơn trong ba năm đầu tiên sẽ vừa đảm bảo thị trường có thể bắt đầu hoạt động vừa giảm nguy cơ trợ giá quá mức.

FIT cho các khu vực không nối lưới điện
GreenID đại diện cho VSEA đang thúc đẩy quy hoạch năng lượng địa phương (LEP) nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng chưa nối lưới cũng như các hộ gia đình nghèo cần hỗ trợ để giảm các chi phí cho năng lượng. Từ kinh nghiệm của GreenID, các nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung có thể là một lựa chọn thay thế hiệu quả cho việc mở rộng lưới điện ở vùng sâu vùng xa, như các khu vực miền núi và hải đảo. Những lợi ích hiện tại của pin năng lượng mặt trời mang điện đến vùng sâu vùng xa và vùng chưa nối lưới đã không được khai thác triệt để. VSEA đề xuất đưa những khu vưc chưa nối lưới điện vào cơ chế FIT bằng cách bù giá cho các hộ gia đình và các nhà đầu tư cho mỗi kWh sản xuất được. Điều này sẽ góp phần điện khí hóa các khu vực chưa nối lưới còn lại với chi phí hiệu quả trong thời gian ngắn.

GreenID

 


Các thành viên của VSEA bao gồm: Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID); Trung tâm tư vấn  Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi với Biến đổi Khí hậu (CEWAREC); Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường  và Cộng đồng (Live&Learn); Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (WWF-Vietnam); Trung tâm Phát triển Sáng kiến cộng đồng và Môi trường (C&E), Tổ chức phát triển Hà Lan SNV và khoảng 20 chuyên gia năng lượng độc lập