Cần công khai, minh bạch giá điện; xem xét cơ sở của việc xây dựng giá điện là gì, đã sát thực tế chưa; bởi hiện nay giá điện vẫn ...
Cần công khai, minh bạch giá điện; xem xét cơ sở của việc xây dựng giá điện là gì, đã sát thực tế chưa; bởi hiện nay giá điện vẫn khiến dư luận bức xúc. Đây là ý kiến của hầu hết chuyên gia, nhà khoa học tại Diễn đàn Cơ sở khoa học của việc tính giá điện do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.
Sao không buộc ngành điện tiết kiệm?
Phân tích cơ sở tính giá thành điện, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công thương Ngô Đức Lâm cho rằng, chi phí cho phát điện có ảnh hưởng lớn nhất tới giá điện (trên 70%). Do đó, việc tính giá phát điện cần quan tâm tới các yếu tố như nhiên liệu (gồm khối lượng nhiên liệu cần dùng và giá mua), vận hành và sửa chữa, điện tự dùng. Nhiên liệu cần dùng phụ thuộc chủ yếu vào hiệu suất của thiết bị (lò và máy), phương thức huy động tối ưu của điều độ hệ thống A0. Mức tiêu hao nhiên liệu của loại lò công nghệ PC ở nước ta hiện từ 560 - 700g/kWh, trong khi của thế giới là 380g/kWh. Đối với nhà máy mới vận hành, mức tiêu hao này trên 450g/kWh. Về điện tự dùng nằm trong dải từ 8,32 - 12,82% tổng lượng điện. Như vậy, suất tiêu hao nhiên liệu và lượng tự dùng lớn hơn so với định mức do hiệu suất nhà máy nhiệt điện đã giảm nhanh. Hiệu suất thiết kế của nhà máy PC là 39% nhưng chỉ còn 32% đối với các nhà máy đã vận hành khoảng 10 năm; hiệu suất trung bình của toàn hệ thống còn 27,5%. Ngoài ra, công tác quản lý khoa học kỹ thuật, điều độ phương thức vận hành tối ưu chưa tốt cũng ảnh hưởng tới tiêu hao nhiên liệu, làm điện tự dùng lớn. Về chi phí vận hành và sửa chữa đều tăng so với định mức quy định.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá được tính vào giá điện theo quy định của Bộ Công thương. Tuy nhiên, ông Ngô Đức Lâm đặt vấn đề, liệu có sự bất bình đẳng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các đơn vị khác không và có nên tính toàn bộ yếu tố tỷ giá vào giá thành điện? Bởi 1kWh điện hiện gánh quá nhiều chi phí, từ sản xuất đến các khâu trung gian, trong khi lượng người được hưởng tính giá trên 1kWh rất lớn. Việc định biên số người trên do EVN thực hiện theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương. Thêm nữa, yếu tố tổn thất truyền tải hệ thống còn quá lớn. Năm 2013 là 8,8% (trong khi yêu cầu là 8%). Năm 2014 tăng lên hơn 9%, cứ tăng thêm 1% nghĩa là mất đi 1,1 tỷ kWh điện… Từ những phân tích trên, ông Ngô Đức Lâm nêu vấn đề, tại sao phải bảo đảm doanh thu của ngành điện có lãi, bảo đảm giá bán điện bình quân 1.747 đồng/kWh trong khi tính minh bạch chưa cao? Tại sao đặt vấn đề dùng biện pháp hạn chế sử dụng điện của người tiêu dùng mà không buộc ngành điện tiết kiệm như tiết kiệm điện tự dùng và tổn thất truyền tải?
Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp kết luận, cách tính giá điện chưa tạo sự đồng thuận cao trong xã hội do độc quyền còn lớn, giá điện chưa minh bạch, năng suất lao động của ngành điện còn thấp... Đồng thời đề xuất, cần làm rõ những yếu tố này có ảnh hưởng đến giá điện và buộc người tiêu dùng chịu không? Đồng quan điểm về cách tính giá điện hiện chưa được công khai, minh bạch, ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng Bùi Thị An xác nhận, dư luận nhiều năm qua “rất bức xúc” và không muốn dùng câu “khách hàng là thượng đế” trong ngành điện. Bà Bùi Thị An đặt vấn đề, ở các nước, khi chia biểu giá điện có tình trạng độc quyền như nước ta không hay cạnh tranh? Đầu vào để tính giá điện đã minh bạch chưa? Tuy ngành điện nói nhiều đến từ “minh bạch” nhưng ngay bản thân bà thấy còn băn khoăn về cách dùng từ này. Việc ngành điện kêu phải bù lỗ thì ai bù? EVN yêu cầu các hộ gia đình giám sát số đo điện sử dụng trong tháng nhưng nhiều nơi cư dân đi làm cả ngày khó có thể thực hiện việc giám sát.
Nghiên cứu thống nhất cách tính giá điện
Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam GS. Nguyễn Quang Thái thẳng thắn chỉ rõ, với nền kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh như nước ta hiện nay, việc đặt vấn đề “cơ sở khoa học của tính giá điện” là “ảo tưởng”. Theo ông, lâu nay dư luận bức xúc là do giá điện chưa được công khai, minh bạch. Do đó, “phải nhìn thẳng sự thật xem dân bức xúc như thế nào” để giải quyết chứ không phải bàn chuyện trên trời. Nghĩa là, cơ sở khoa học của việc tính giá điện sẽ không cấp thiết bằng việc phải minh bạch giá điện.
Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ nêu ý kiến, biểu giá điện hiện nay xây dựng chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán chưa đủ tin cậy, chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn, chưa xây dựng biểu giá 2 thành phần là công suất và điện năng. Điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí mà chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, giảm tổn thất, hạ giá thành của hệ thống… Do đó, theo ông, giải pháp tính giá bán điện hợp lý là phải thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng điện, khắc phục sự lãng phí trong sử dụng điện, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài tham gia sản xuất kinh doanh điện.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam Bùi Huy Phùng dẫn chứng, theo kinh nghiệm thế giới, việc định giá điện cần bảo đảm 4 nguyên tắc: phù hợp mức độ phát triển kinh tế quốc dân; phù hợp tiềm năng năng lượng và môi trường; hài hòa hiệu quả sản xuất, tài chính, công bằng xã hội; hài hòa thị trường trong và ngoài nước. Lâu nay, Bộ Công thương cho rằng điều chỉnh giá điện để bù đắp chi phí, giá bán thấp hơn giá thành… mà chưa đề cập đến việc quản lý hay giảm tổn thất như thế nào? Ông Bùi Huy Phùng kiến nghị, để giá điện minh bạch, cần xem xét và điều chỉnh lại Luật Điện lực. Bên cạnh đó, hướng tới sử dụng phương pháp tính chi phí biên của hệ thống, của từng nhà máy, từ đó sẽ tính được giá bán điện. Ngoài ra, Bộ Công thương phải tập hợp các chuyên gia nghiên cứu thống nhất phương pháp tính giá điện và có cơ quan thẩm định việc tính giá, sau đó đưa ra tham vấn cộng đồng trước khi công bố giá điện.
Trích dẫn: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=360491