Sáng nay 20/12/2014, hội thảo "Tham vấn các tổ chức chính trị - xã hội, khoa học và tổ chức phi chính phủ về Dự án thủy điện Don Sahong ...
Sáng nay 20/12/2014, hội thảo "Tham vấn các tổ chức chính trị - xã hội, khoa học và tổ chức phi chính phủ về Dự án thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mê Công" đã được Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Nhà khách quân đội, Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo
Buổi hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế và các đơn vị truyền thông. Hội thảo tập trung vào việc lấy ý kiến của các tổ chức nêu trên về đề xuất dự án đập Donsahong trên dòng chính sông Mê Công và kết quả tham vấn sẽ được tổng hợp cùng kết quả tham vấn người dân tại đồng bằng sông Cửu Long gửi tới Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các bên liên quan. Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện tham vấn công chúng do GreenID điều phối và phối hợp triển khai cùng các tổ chức thành viên và đối tác của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.
Mở đầu buổi hội thảo là 3 bài tham luận của bà Nguyễn Hồng Phượng (Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công), ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập nghiên cứu về sông Mê Công) và bà Ngụy Thị Khanh (Giám đốc GreenID kiêm Điều phối viên chính sách VRN) trình bày về Thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, lộ trình tham vấn trước (PNPCA), các lỗ hổng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Don Sahong và kết quả tham vấn cộng đồng về dự án thủy điện này trong thời gian vừa qua.
Sau 3 bài tham luận, các đại biểu thảo luận và đưa ra ý kiến xoay quanh các nội dung: 1) Tiếp cận thông tin về dự án này; 2) Ủng hộ hay không ủng hộ dự án này? Tại sao? 3) Những đề xuất kiến nghị với chính phủ và các bên liên quan.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều đã có thông tin về dự án này và bày tỏ băn khoăn, lo lắng về những lỗ hổng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án liên quan tới vấn đề lưu lượng nước, vấn đề đảm bảo cá di cư và các tác động xuyên biên giới cũng như tác động tích lũy. Hiện các giải pháp giảm thiểu tác động nhà đầu tư đưa ra chưa có đủ bằng chứng thuyết phục còn mang tính lý thuyết. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tổn thất đối với người dân và đất nước Lào cũng sẽ rất đáng kể nếu hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được xây dựng. Do vậy, các đại biểu đưa ra kiến nghị như sau: 1) cần kéo dài thời gian tham vấn để các bên liên quan có thêm các nghiên cứu bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra; 2) Lào trì hoãn việc xây đập Don Sahong để có thêm những nghiên cứu sâu hơn về cá và những tác động xuyên biên giới; 3) Mối quan ngại và ý kiến của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế tại đồng bằng sông Cửu Long cần phải được xem xét là một yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định; 4) Những tổn thất và lợi ích thực tế đối với người dân và nước bạn Lào cần phải được trao đổi rộng rãi và 5) Các cơ quan truyền thông ở Việt Nam cần tham gia tích cực và chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin sát thực về vấn đề này.