Hội thảo khoa học “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh” nhằm cung cấp cho các ...
Hội thảo khoa học “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh” nhằm cung cấp cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và đại biểu Quốc hội khóa XIV cái nhìn khoa học, đa chiều về những thuận lợi và bất lợi của Hiệp định TPP đối với sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh. Hội thảo là tiếng nói thức tỉnh cộng đồng về ý thức trách nhiệm trong sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Hội thảo do Liên minh vận động chính sách dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Mạng lưới vận động cấm sử dụng Amiang Việt Nam (Vn-BAN), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Hội Y tế công cộng Việt Nam (VPHA) phối hợp thực hiện chiều ngày 19/8/2016, tại Nhà khách Quốc hội, 27 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Tham dự buổi hội thảo có ông Hà Công Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của Ủy ban kiểm tra TƯ Đảng, ông Vũ Tuấn – Đại diện Ban Kinh tế TƯ Đảng; ông Nguyễn Bá Thanh – Bộ Khoa học Công nghệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Văn phòng Quốc hội; bà Marry Assunta – Cố vấn chính sách cao cấp Liên minh Kiểm soát Thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA); ông Trần Tuấn – Trưởng ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cùng các đại biểu các tỉnh thành trong cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí TƯ và địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn – Trưởng ban thường trực hành động cho rằng: “TPP bản chất là một Hiệp định tự do thương mại với mục tiêu loại bỏ dần các rào cản thuế, song song với sự gia tăng dòng chảy vốn TPP giữa các nước, kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp xuyên biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của 12 thành viên; đồng thời cũng tạo ra thách thức rất lớn cho lợi ích sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh cho các nước có nền kinh tế thấp và thiếu chính sách bảo vệ tác động xấu từ bên ngoài của môi trường tự do thương mại khu vực và toàn cầu”.
Hội thảo đã tập trung phân tích về bốn ngành công nghiệp có xung đột lợi ích với y tế công cộng như amiang, nhiệt điện than, thuốc lá và rượu bia.
Theo bà Marry Assunta cố vấn chính sách cao cấp Liên minh kiểm soát thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA): “Không có tiêu chuẩn cố định nào cho kỳ vọng chính đáng của nhà đầu tư. Nó tùy thuộc vào từng cách hiểu. Thế nhưng mọi người có quyền bảo vệ sức khỏe của mình, Chính phủ có quyền bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ... bởi trong Hiệp định TPP có đến 7 chương thách thức việc kiểm soát thuốc lá trong 4 nước ASEAN. Ngành thuốc lá có thể chống lại việc kiểm soát thuốc lá bằng quyền đòi nhà đầu tư: Quyền được bảo vệ, môi trường pháp lý “dễ tiên liệu”, “sân chơi bình đẳng”. Bà khuyến cáo “Các quốc gia Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei phải nên ký kết thỏa thuận bên lề cho phép loại bỏ các biện pháp kiểm soát thuốc lá khỏi cơ chế ISDS, thắt chặt các quy định pháp lý về kiểm soát thuốc lá càng sớm càng tốt bằng các chính sách và thỏa thuận ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Các đại biểu cũng đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về những tác hại của amiang đối với sức khỏe cộng đồng và con người cùng những kiến nghị về tuân thủ các điều khoản liên quan tới amiang của các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (đó là bộ 3 công ước Basel, Rotterdam và Stockholm).
Về tác động của đầu tư nhiệt điện than ở Việt Nam, ông Đỗ Văn Hạ - Chuyên gia về Năng lượng sạch (Clean Energy) nhấn mạnh: “Những hậu quả về ô nhiễm không khí, đất, nước từ khói thải, chất thải của Nhiệt điện than là rất lớn và vô cùng nguy hại. TPP phải đồng nghĩa với việc phát triển sạch và bền vững”.
Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia đã ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hội nhập quốc tế và mở cửa đầu tư mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhưng đi kèm với đó là những thách thức lớn đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội để đảm bảo mục tiêu phát triển vị nhân sinh và bền vững.
Hội thảo khoa học “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh” đã được tổ chức rất kịp thời, là tiếng nói thức tỉnh cộng đồng về ý thức trách nhiệm trong sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Theo Tamnhin.net