Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hội thảo Quốc tế: Thúc đẩy hợp tác đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

“Công bằng trong chuyển dịch không chỉ được thực hiện bởi một số ít người. Nguyên tắc là phải được đàm phán để từ đó định hướng tìm kiếm giải pháp”. Như vậy, chuyển dịch công bằng là để tối đa hóa hiệu quả bảo vệ khí hậu, nhằm giảm thiểu rủi ro cho người lao động và cộng đồng của họ.

Phát triển các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo công văn việc làm cho người lao động và những cộng đồng có liên quan để sự dịch chuyển diễn ra công bằng, không gây ra những bất ổn xã hội vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Ngày 18/9/2018, Friedrich Ebert Stiftung Việt Nam (FES Vietnam), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế: “Thúc đẩy hợp tác, đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng” tại Khách sạn Sheraton Hà Nội. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự - đại diện các cơ quan nhà nước, chuyên gia, viện nghiên cứu, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Trong đó có thể kể đến sự tham dự, những trao đổi của Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID, Ông Lê Duy Tiến – Phó Tổng Thư kí kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Bà Yvonne Blos – Giám đốc dự án khí hậu FES Việt Nam, Bà Mauela Matthess – FES Berlin, Ông Joachim Funfgelt – Bánh mỳ cho Thế giới, cùng bà Samantha Smith – Giám đốc Trung tâm Chuyển dịch Công bằng…Mỗi chuyên gia vừa là người điều hành hội thảo, vừa trở thành đại biểu tham luận sôi nổi về các nội dung xoay quanh chuyển dịch công bằng.

Đến với hội thảo kéo dài một ngày, mỗi người được chia sẻ kinh nghiệp quốc tê về nghiên cứu và xây dựng chiến lước thực hiện chuyển dịch công bằng, trao đổi kiến thức về chuyển dịch công bằng tại các nước ở Châu Á; đồng thời cập nhật những kết quả ban đầu của nghiên cứu chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam. Những câu hỏi dần mở ra, dẫn dắt được người tham dự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và tự tìm câu trả lời đích đáng cho bản thân mình:

  • Tiêu chí cho việc chuyển dịch năng lượng công bằng theo quan điểm chính trị xã hội là gì?
  • Làm thế nào để các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội đóng góp vào sự chuyển dịch công bằng trong lĩnh vực năng lượng?
  • Các cơ hội và thách thức liên quan đến việc chuyển dịch năng lượng công bằng là gì?

Tại phiên thảo luận sáng 18/9, sau màn phát biểu khai mạc của ông Lê Duy Tiến, Bà Ngụy Thị Khanh và Bà Yvonne Blos, Ông Nguyễn Quốc Khánh đại diện cho nhóm nghiên cứu báo cáo dự thảo với tên gọi “Đảm bảo công bằng trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam” đã trình bày kết quả của nghiên cứu, trong đó đưa ra các đánh giá tác động về việc làm, môi trường, kinh tế và xã hội của ba kịch bản phát triển nguồn điện; đồng thời phân tích cơ hội, thách thức và đưa ra đề xuất để hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Phiên hội thảo còn chia sẻ cho người tham dự những nguyên tắc và bài học kinh nghiệm cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở các quốc gia phát triển; những thách thức đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch đối với người lao động.

Đây có chăng là cơ hội để các tổ chức xã hội, các tổ chức công đoàn cùng tham vấn, trao đổi và cùng chung lòng chung sức hướng đến một mục tiêu chung: không bỏ ai lại phía sau? Như ông Joachum Funfgelt, Bánh mỳ cho Thế giới khẳng định: “Công bằng trong chuyển dịch không chỉ được thực hiện bởi một số ít người. Nguyên tắc là phải được đàm phán để từ đó định hướng tìm kiếm giải pháp”. Như vậy, chuyển dịch công bằng là để tối đa hóa hiệu quả bảo vệ khí hậu, nhằm giảm thiểu rủi ro cho người lao động và cộng đồng của họ. Song mọi nỗ lực của cá nhân hay tập thể không chỉ dừng lại ở nghiên cứu đưa ra đề xuất, mà còn nghiên cứu để tìm ra phương án đảm bảo rút ngắn khoảng cách về năng lượng, giải quyết câu chuyện về sinh kế, bình đẳng giới và tạo việc làm cho người dân địa phương. Trong quá trình đó, việc cần ưu tiên hơn hết là tăng quyền tham gia cho các đối tượng để khuyến khích sức sáng tạo từ nội lực cộng đồng địa phương, đối đa hóa lợi ích của đa đối tượng.

Nếu như phiên buổi sáng, các đại biểu có cơ hội hòa vào không gian chung của cả hội thảo để cùng trao đổi, lên tiếng nói; thì đến với phiên buổi chiều, hội thảo được chia thành các nhóm nhỏ hơn, chia sẻ cụ thể những kinh nghiệm và bài học về chuyển dịch công bằng ở một số quốc gia Châu Á như: Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…Mỗi đại biểu đều được tiếp cận và đồng hành cùng con đường vươn đến phát triển năng lượng phát thải thấp cacbon của từng quốc gia, từ đó mở ra cái nhìn nhiều chiều cho định hướng chung của quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng cho Việt Nam.

Một tiếng cuối của hội thảo đưa người tham dự trở về với không gian thảo luận bàn tròn, mà ở đó các diễn giả từ những phiên thảo luận nhóm, đại diện các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Nepal và Việt Nam cùng ngồi lại, đề xuất bản kế hoạch, chiến lược hợp tác để đạt được chuyển dịch công bằng ở Châu Á.

Chặng đường này là khó nhằn, là cần thời gian đủ dài, song luôn cần thiết và khẩn thiết, song là có thể và sẽ thực hiện được. Bởi những nỗ lực cho một nền kinh tế ngày mai bền vững hơn, nhân văn hơn, bởi mong cầu bảo vệ người lao động và cộng đồng của chính mình, bởi sự chung tay của các diễn đàn đa liên quan vì quyền con người trên hành trình thu hẹp khoảng cách nói chung.