Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Khi sinh viên hiến kế bảo vệ dòng sông Mê Công

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151231/khi-sinh-vien-hien-ke-bao-ve-dong-mekong/1030144.html

TT - Trong hai ngày (29 và 30-12) tại hội thảo “Trách nhiệm của giới trẻ với thủy điện trên dòng chính sông Mekong” do Đoàn khoa phát triển nông thôn ...

TT - Trong hai ngày (29 và 30-12) tại hội thảo “Trách nhiệm của giới trẻ với thủy điện trên dòng chính sông Mekong” do Đoàn khoa phát triển nông thôn - Trường đại học Cần Thơ tổ chức, nhiều sinh viên của trường đã hiến kế các giải pháp sống chung với... thủy điện. 
Theo các sinh viên, việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong sẽ tác động tiêu cực đến môi trường sống ở hạ nguồn, mà ĐBSCL là nơi sẽ phải gánh chịu nặng nề nhất.



Sinh viên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: C. Quốc - Báo tuổi trẻ

Bạn Lý Thị Thanh Vân, sinh viên khoa thủy sản, cho rằng thông qua những buổi họp dân, phải để người dân biết được điều gì đã và đang xảy ra với chính họ, những ảnh hưởng, thiệt hại mà họ phải gánh chịu... do tác động môi trường gây ra.
“Hãy để người dân tự nói lên những bức xúc, khó khăn của mình đến chính quyền thì độ chính xác, bức thiết sẽ cao hơn” - Vân nói.

Còn bạn Trần Long Vi, sinh viên khoa quản trị, cũng cho rằng để người dân ĐBSCL nói lên tiếng nói của họ, bằng những hình ảnh thực tế được chính họ chụp lại.
“Chỉ có người dân mới thấy rõ những tác động của môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng từ các dòng sông bị ô nhiễm. Họ sẽ ghi lại những bức ảnh của quá khứ và hiện tại để mang đến cho mọi người những hình ảnh chân thật nhất” - Vi chia sẻ.

Còn bạn Ngô Bích Trâm, sinh viên khoa kinh tế, lại trình bày một ý tưởng khác hơn, thay vì tuyên truyền cho người dân thì nên có nghiên cứu cho vấn đề chăn nuôi, trồng trọt ở những vùng đất nhiễm mặn.
Những nơi này sẽ bị nhiễm mặn ngày càng gay gắt khi thiếu lũ, do ảnh hưởng của các đập thủy điện.
Theo Trâm, “thay vì chống lũ thì nay mình tìm cách để vừa hạn chế lũ vừa sống chung với lũ. Hiện nay xâm nhập mặn đang là vấn đề đáng lo ngại, chúng ta nên hướng nông dân mình trồng trọt, chăn nuôi sao cho phù hợp để mang lại hiệu quả cao nhất”.

Tương tự, nhiều sinh viên khác cũng cho rằng phải làm hết sức mình, phải là người mang thông tin chính thống để người dân có nhận thức đúng đắn về môi trường, cách bảo vệ môi trường sống của mình.

Anh Phạm Ngọc Nhàn, bí thư Đoàn khoa phát triển nông thôn - Trường đại học Cần Thơ, chia sẻ tại hội thảo rằng chính sinh viên phải là kênh thông tin tuyên truyền bảo vệ môi trường cho mọi người chứ không cần phải có những dự án tiền tỉ.
Tất cả phải được xuất phát từ trái tim để giúp đỡ những người nông dân ở quê hương mình.
Qua buổi nói chuyện với sinh viên tại hội thảo về câu chuyện xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, TS Dương Văn Ni cũng gửi gắm: “Tương lai đang nằm trong tay các em. Việc dễ dàng nhất sau buổi hội thảo này là các em hãy chia sẻ hiểu biết của mình với bạn bè, người thân, để họ hiểu được bối cảnh chung về sự thay đổi của môi trường...”.

Trích dẫn tại: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151231/khi-sinh-vien-hien-ke-bao-ve-dong-mekong/1030144.html