Không nên áp dụng biểu giá điện một mức vì đây là cách tính có lợi cho người giàu, cần nâng khoảng cách tính giá điện bậc một để hỗ ...
Không nên áp dụng biểu giá điện một mức vì đây là cách tính có lợi cho người giàu, cần nâng khoảng cách tính giá điện bậc một để hỗ trợ người nghèo, có lợi cho người tiêu dùng... là ý kiến của nhiều chuyên gia về biểu giá điện bậc thang được EVN chủ trì lấy ý kiến.
Phát biểu tại Hội thảo dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 22/9, đại diện Cty TNHH tư vấn quản lý và Phát triển Việt Nam (CMD)- đơn vị xây dựng đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) thừa nhận: Biểu giá điện hiện hành gồm 6 bậc khá phức tạp. Hiện các nước đều áp dụng biểu giá phân biệt theo giờ trong ngày và tính theo bậc thang, từ 3 đến 7 bậc.
Toàn cảnh hội thảo
“Biểu giá điện hiện hành của Việt Nam cũng giống như một số nước, nhưng cách sắp xếp bậc thang khác nhau tùy điều kiện mỗi nước. Tuy nhiên, so với biểu giá điện của một số nước, biểu giá điện bậc thang của Việt Nam ở bậc một có khoảng cách thấp nhất (từ 0 đến 50kWh). Trong khi Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... áp dụng mức thấp nhất phổ biến ở mức 0 - 200kWh”, ông Thỏa nói.
Người nghèo, người thu nhập thấp sẽ bị thiệt thòi trong khi người giàu sẽ được hưởng lợi, được trợ giá… là quan điểm của nhiều chuyên gia cũng như của cả đại diện EVN xung quanh việc áp dụng biểu giá điện một giá.
Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, hiện trên thế giới, không nhiều nước áp dụng bán điện đồng giá. Úc, Philippines, Singapore áp dụng phương pháp này do đây là những nước đã có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. “Áp đồng giá, nhưng giá điện của họ rất cao, gần 4.000 đồng/kWh, nếu ta bán đồng giá mà cao, liệu người dân có chấp nhận? Biểu giá điện mới phải đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng được hưởng mức giá điện hợp lý và giá điện cho sản xuất cũng phải hợp lý. Quan điểm EVN là không nên bán điện đồng giá, cần theo bậc lũy tiến để người dùng điện quá cao phải chịu giá cao”, ông Tri nói.
Bất cập trong biểu giá điện hiện nay, theo PGS-TS Ngô Trí Long, Việt Nam đang áp dụng cách tính giá điện ngược với các nước khi để điện sinh hoạt đắt hơn điện công nghiệp. Chính điều này khiến cho từ năm 2009 đến nay, mỗi lần tăng giá điện đều không tạo được sự đồng thuận của người tiêu dùng.
Vị chuyên gia về giá này cũng cho rằng, biểu giá điện mới nên để giá bậc một, không thấp hơn nhiều so với giá điện bình quân. Từ bậc 2 đến bậc 6 nên tính bậc giãn ra. Cụ thể nên kéo khoảng cách bậc một từ 0 đến 100kWh (thay vì mức 0 đến 50kWh hiện nay), bậc hai từ 100 đến 250kWh và mỗi bậc sau cũng giãn cách nhau 150 số điện.
Với những hộ dùng trên 600 số điện/tháng nên áp dụng mức giá điện cao nhất. “Biểu giá điện bậc thang hiện nay không hài hòa. Trong 3 phương án, nên dùng phương án tính theo giá điện bậc thang lũy tiến. Mức chênh lệch của từng bậc cũng nên điều chỉnh xuống thay vì để như hiện nay”, ông Long nêu quan điểm.
Ngạc nhiên trước phương án một giá trung bình được đề xuất trong dự thảo, GS-TSKH Trần Đình Long-Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đề xuất này làm lùi lại thời kỳ tính giá của năm 1994. Phương án một giá điện trung bình không chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay do cách tính này chỉ làm lợi cho những người sử dụng điện nhiều, trong khi người sử dụng điện ít chịu giá cao.
“Nên áp dụng biểu giá điện bậc thang 5 bậc. Bậc thứ năm sẽ là gộp của hai bậc cuối cùng hiện nay. Đánh vào các hộ sử dụng điện nhiều là chính đáng. Những hộ dùng dưới 150 kWh cần được hưởng biểu giá điện thấp”, ông Trần Đình Long đề xuất.
Tỏ ra khá ngạc nhiên khi EVN đứng ra làm giá cho ngành điện, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng: EVN đứng ra tổ chức hội thảo là không phù hợp. Về mặt chức năng và thẩm quyền, EVN là đơn vị kinh doanh, còn lấy ý kiến thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Nếu không người dân sẽ hiểu nhầm, quy vào EVN làm giá điện cho chính mình. Với đề án hiện nay, cần công bố rõ các phần chi phí của giá điện, chỗ nào hợp lý, chỗ nào không. Trên cơ sở đó mới làm rõ được biểu giá điện và các chuyên gia mới góp ý được. Còn công bố một cục như thế này rất khó.
Về việc đứng ra tổ chức hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, EVN đã kiến nghị với Cục Điều tiết Điện lực về việc giá điện do Chính phủ quyết định và EVN thực hiện theo. Tuy nhiên, Cục yêu cầu EVN báo cáo và đứng ra làm.
“Đứng ở góc độ sản xuất, tôi bán đủ chi phí là được. Nhưng với trách nhiệm người đứng ra mua điện, đầu tư lưới điện nên chúng tôi phải đứng ra đề xuất. Sau đó Bộ duyệt thế nào, chúng tôi sẽ thực hiện. Chiều mai, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các chuyên gia thảo luận ở Đà Nẵng, ngày 30/9 làm hội thảo ở TPHCM”, ông Tri giãi bày.
Chia sẻ ý kiến với TS Nguyễn Đình Cung, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Xây dựng một biểu giá điện chung cho ngành điện là rất nhạy cảm và Cục Điều tiết Điện lực cần đứng ra. Ở Việt Nam, giá điện luôn bị phản ứng do liên quan đến vấn đề lương thấp. Cần gắn cải cách tiền lương với câu chuyện giá điện.
“Biểu giá 6 bậc đang áp dụng là quá nhiều, nên đưa về 3-4 bậc. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100-150 kWh; mức tiền phải trả sẽ giảm xuống. Không nên đổ dồn hết nhiệm vụ cho ngành điện. Không nên xây dựng biểu giá điện quá phức tạp”, ông Thiên nói.
Nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội ở một tỉnh nghèo, ông Nguyễn Đức Kiên-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giá điện chia thế nào cũng phải đảm bảo quyền lợi của số đông người nghèo.
“Người tiêu dùng điện đòi hỏi EVN cải tổ hơn nữa công tác quản trị. Người dân đề nghị EVN nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn. Về biểu giá, cơ quan tư vấn cần ưu tiên số đông. Những người có điều kiện không cần ưu đãi, cần tập trung cho người nghèo”, ông Kiên nói.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế, Cục Điều tiết Điện lực phải đứng ra xây dựng biểu giá điện chứ không được giao EVN tổ chức lấy ý kiến. Cục có thể yêu cầu EVN báo cáo ở một số điểm.
“Nếu tổ chức thành công thì không sao, nhưng nếu không thành công, Cục có lý do để né. Khoảng cách giữa các bậc cần phù hợp để khi chuyển hạng sử dụng bậc điện không bị giật cục, tăng sốc. Với người nghèo, người dùng dưới 100 kWh nên để thấp.
Bậc tiếp theo, là các hộ trung bình cũng nên có độ chênh lệch tính giá vừa phải để không bị quá cao. Trong khi người dùng trên 400 kWh mới là đối tượng phải trả giá cao. Bậc thang nếu cải tiến chỉ cần 3-4 bậc thôi. Một, hai bậc đầu tiên không cần thay đổi”, ông Thái nói.
TS Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội: “Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể thực hiện đồng nhất một giá điện. Từ năm 2000 đến nay, số hộ nghèo đã giảm từ 54% xuống còn 14%, hộ cận nghèo còn 7%.
Ngành điện cũng như xã hội phải có chính sách ưu tiên với 21% hộ nghèo và cận nghèo, cộng với hộ chính sách xã hội ưu tiên. Đến thời điểm này, không có phương án nào đảm bảo được sự hài lòng của người sử dụng điện.
Vấn đề là các phương án phải đảm bảo về lợi ích của số đông, mà nếu dựa theo lợi ích của số đông thì phải dựa trên thống kê liên tục đối với người sử dụng điện nhiều năm qua.
Tuy nhiên, dù chọn phương án nào cũng không nên làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người thu nhập trung bình và người làm công ăn lương. Hơn nữa, phương án giá điện chọn ra phải khuyến khích người tiết kiệm điện”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, dù còn rất nhiều ý kiến trái chiều về từng phương án điều chỉnh giá điện mới song phần lớn ý kiến tại hội thảo đều thống nhất cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến. EVN sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ đưa ra ý kiến chung nhất trong thời gian quy định.
Trích dẫn tại: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30538&cn_id=735182