8:30 AM
(HanoiTV) - Sự thiếu vắng các chính sách cụ thể và minh bạch làm khó việc phát triển điện gió tại Việt Nam. Hiện nay, Nhà nước đang tháo gỡ khó khăn.
Tuy nước ta có các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) dồi dào cũng như nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhưng nhà đầu tư mới coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và chưa mặn mà khai phá. “Việc phát triển chưa mạnh mẽ do giá năng lượng (NL) hóa thạch vẫn thấp và đang theo lộ trình tiếp cận”, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết: “Đầu tư cho NLTT đang giảm dần”.
Sự giảm dần có thể nhìn thấy rõ ở điện gió. Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có gần 50 dự án điện gió đăng ký, tuy nhiên chỉ có khoảng 10% trong số đó được triển khai. Đến nay, mới có 4 dự án đang phát điện thương mại. Trong đó, 3 nhà máy ở Bình Thuận (Tuy Phong có công suất 30MW, Phú Quý - 6MW và Phú Lạc - 20MW) và 1 ở Bạc Liêu (BL) với công suất 99,2MW.
Tâm lý chờ giá thắng thế
Việc giảm này do khác biệt trong cách tính giá của Nhà nước và nhà đầu tư. Doanh nghiệp muốn Chính phủ (CP) đưa ra mức giá hấp dẫn cho mình. Trong khi đó, nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án và sau đó, mới điều chỉnh giá theo thực tế. Đơn cử, Nhà nước đề xuất mua điện gió với 7,8 US cent/1kWh (1 US cent =226,8 đồng). Song Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho rằng mức giá hấp dẫn phải là 9,8 US cent/kWh (cao hơn giá đề xuất gần 26%) trên đất liền và 11,2 cent/kWh (cao hơn gần 44%) trên biển.
Duy nhất Nhà máy điện gió Bạc Liêu bán điện với giá 9,8 US cent/kWh. Ba nhà máy Tuy Phong, Phú Quý và Phú Lạc bán giá 7,8 US cent/kWh. “Giá 9,8 US cent/kWh không nằm trong bất kỳ văn bản pháp lý nào.” TS. Quốc Khánh nhận định: “Ở góc độ nào đó, đây là lợi ích rất đặc thù dành cho dự án đặc thù. Liệu dự án khác có thể làm với giá đó không luôn là dấu chấm hỏi?”
Ngoài ra, việc tăng dần giá bán điện của Nhà máy điện gió Bạc Liêu thể hiện cơ chế xin cho và thiếu minh bạch trong giá cả, dẫn đến bất lợi cho Nhà nước, theo ông Phan Duy Tuyên - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Bạc Liêu. “Khi còn cơ chế xin cho, Chính phủ không nắm được giá thực chất, từ đó, không đưa ra giá có lợi cho nhà đầu tư và đất nước,” ông Tuyên cho biết.
Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu xây dựng ban đầu với giá 7,8 US cent/1kWh (năm 2012). Sau đó, Chính phủ chấp thuận mua toàn bộ điện với giá ưu đãi 9,8 US cent/kWh (năm 2014) vì các turbin gió trên biển, đẩy giá thành lên cao hơn so với đất liền. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã kiến nghị tăng giá lên 11,8 US cent/kWh để có lãi. UBND tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận đây là một trong những khó khăn chính của dự án. “Suất đầu tư tính trên mỗi MW phát điện là lớn, làm cho giá thành sản xuất cao nên rất khó cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác nếu không có chính sách hỗ trợ, ưu đãi của chính phủ”, ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Vì vậy, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bạc Liêu cho biết, các dự án đang triển khai đều chậm tiến độ. Việc có thêm dự án mới không dễ khi ít nhà đầu tư đến khảo sát mà quay trở lại. "Tỉnh Bạc Liêu từng có nhiều dự án điện gió từ các nhà đầu tư Ấn Độ, Hàn Quốc, ..... Đến nay, chưa ai quay lại", ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết.
“Vấn đề cốt lõi là sự hỗ trợ ban đầu của chính phủ trong việc đưa ra cơ chế và giá đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, TS. Nguyễn Quốc Khánh bình luận: “Đây cũng là vấn đề bức xúc mà chủ đầu tư nêu ra trong các hội thảo với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý khác.Tâm lý chung hiện nay là trông chờ xem như thế nào”. Nếu rào cản giá không được rỡ bỏ, khó đạt được các mục tiêu điện gió vào năm 2020 (2,5 tỷ kWh), năm 2030 (16 tỷ kWh) và năm 2050 (53 tỷ kWh) của chiến lược mới nhất.
Ai là người trả giá cao - EVN hay người mua điện?
Chuyên gia NLTT Nguyễn Đức Cường cho rằng mấu chốt giải quyết vấn đề giá là "Ai là người trả giá cao - EVN hay người mua điện?"
"Chúng tôi đang nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển NLTT. Dự kiến Quỹ sẽ do các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Tái thiết Đức quản lý," ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ NLTT, Bộ Công Thương cho biết. "Dự kiến, sẽ có Luật NLTT vào năm 2026".
Chính phủ đã ghi nhận bức xúc trên và đang xem xét điều chỉnh giá. Ngày 11/10, tại buổi họp bàn về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại VN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng giá điện gió và điện mặt trời áp dụng từ năm 2013 hiện không đáp ứng được thực tế do giá đầu vào đã thay đổi. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị Tổng cục Năng lượng đưa ra 3 phương án về giá điện gió, điện mặt trời; phân tích và đánh giá hiệu quả, từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất để báo cáo Thủ tướng vào giữa tháng 10/2016. Đến nay, chưa có thông tin thêm.
Châu Âu từng ban hành chính sách khuyến khích năng lượng mặt trời. Vì vậy, loại năng lượng này phát triển rất mạnh vào năm 2010-2012.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt trên khiến tiền tài trợ quá lớn so với ngân sách và sau đó, chính sách trên đã chấm dứt, theo TS Nguyễn Trịnh Hoàng Anh.
Theo TS. Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, Đại học Việt Pháp, việc đưa ra mức hấp dẫn rất khó. "Nếu giá cao hơn thực tế, các dự án ồ ạt thì nhà nước bù lỗ; giá thấp thì không kêu gọi được.Từ 7,8 US cent/kWh đến 11,2 US cent/kWh mà nhiều dự án kỳ vọng là một dải số rộng, khó có thể dễ dàng quyết định", TS. Hoàng Anh cho biết: "Để có con số đúng phải có sự phối hợp giữa lý thuyết và thực hành, cụ thể là giữa các nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và những người làm thực tế ở các nước khác. Nếu làm tích cực thì nhanh hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng là nhanh và có luôn là không thể có".
Hiện nay, Việt Nam đang xác định nguồn tài chính bù đắp khoản chênh lệch giữa giá điện gió (7,8 US cent/kWh) và giá điện thương mại (khoảng 7,58 US cent/kWh), trong bối cảnh nợ công cao.
Năm 2011, Chính phủ ban hành quyết định số 37/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN. Theo đó, mức giá mua điện đối với các dự án điện gió nối lưới là 7,8 US cent/kWh trong đó Tập đoàn điện lực VN (EVN) trả 6,8 US cent/kWh, nhà nước hỗ trợ EVN 1 US cent/kWh được lấy từ Quĩ Bảo vệ Môi trường VN. Tại thời điểm ban hành quyết định này, nhà đầu tư có thể thu thêm khoảng 0,8 US cent/kWh từ bán tín chỉ giảm phát thải theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM). Như vậy, giá điện có thế là 8,6 US cent/kWh. "Họ có thể làm được giá này ở vùng gió tốt. Bây giờ, công ước Kyoto không còn hiệu lực, không còn CDM, họ không thể làm với giá 7.8 US cent/kWh", TS. Khánh cho biết.
Khoản chênh lệch đang được kỳ vọng chuyển sang cho công ty mua điện bằng cách tính vào giá thành sản xuất điện. "Ví dụ, để sản xuất 800 MW điện gió, chúng ta cần bao nhiêu tiền? Số tiền này chia đều cho lượng điện bán ra. Như vậy, mỗi kWh điện bán ra chỉ thêm vài đồng", cố vấn của Green ID chia sẻ: "Cách làm này bền vững và hiệu quả khi EVN minh bạch giá điện".
Tuy nhiên, đơn vị độc quyền mua điện này luôn bị chỉ trích vì chưa công khai cơ cấu giá điện. Khả năng thanh toán cũng bị nghi ngờ khi EVN liên tục báo lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của EVN là âm 717 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ 930 tỉ đồng. "Đó là rủi ro. Điều gì sẽ xảy ra nếu EVN không có khả năng chi trả mua điện đối với các chủ đầu tư?", TS. Khánh đặt câu hỏi.