Các nước đang tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm việc khai thác quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việc khai thác và sử dụng quá ...
Các nước đang tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm việc khai thác quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch vào cuối thế kỷ XX đã khiến trữ lượng các nhiên liệu này giảm xuống mức báo động và góp phần làm trầm trọng thêm hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay đã đặt nguy cơ biến đổi khí hậu lên vị trí đầu bảng trong số 29 nguy cơ đối với toàn cầu dựa trên hai tiêu chí khả năng tác động và khả năng xảy ra.
Trước tình hình trên, năng lượng tái tạo đang dần khẳng định được tầm quan trọng của mình so với các nguồn năng lượng truyền thống khác như khí đốt, dầu mỏ, than đá và hạt nhân trong công cuộc giúp con người giảm thiểu tác động tiêu cực tới hành tinh quê hương.
Theo số liệu mới nhất của Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo thế kỷ 21 (REN21), tính đến cuối năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm 22,8% sản lượng điện toàn cầu, trong đó thủy điện chiếm 16,6%, phong điện đóng góp 3,1%, nhiên liệu sinh học 1,8%... Năm 2015 lần đầu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) tại các nước đang phát triển đã vượt các nước phát triển. Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cam kết đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo với tổng số vốn lên tới 156 tỷ USD năm 2015, tăng 19% so với một năm trước đó.
Năm 2015 cũng là năm ghi nhận lượng vốn đầu tư lớn kỷ lục trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo trên quy mô toàn cầu với 285,9 tỷ USD, tăng 5% so với một năm trước đó. Nguồn năng lượng tái tạo thời gian tới được dự đoán sẽ tăng mạnh, ước tính khoảng 6,4%/năm từ nay cho đến năm 2035. Mỗi quốc gia sẽ chọn cho mình một hướng phát triển năng lượng tái tạo riêng, dựa trên điều kiện kinh tế xã hội cụ thể.
Năng lượng gió là nguồn năng lượng tái tạo có chi phí rẻ nhất. Hiện quy mô phát triển các dự án năng lượng gió đang được mở rộng trên toàn thế giới. Các khu vực trước kia chưa từng “ngó ngàng” tới nguồn năng lượng này (bao gồm châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh) giờ cũng đã bắt đầu quan tâm đến phong điện.
Trong nhiều năm gần đây, châu Á vẫn luôn là thị trường lớn nhất đối với loại năng lượng này và Mỹ là quốc gia sản xuất năng lượng gió lớn nhất hành tinh.
Điện Mặt Trời đang có bước chuyển mình khi chi phí sản xuất năng lượng này sụt giảm. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ hiện là ba nước đóng góp nhiều nhất vào công suất phát điện Mặt Trời trên toàn thế giới. Thị trường Trung Đông hiện cũng bắt đầu tiếp cận với quang năng.
Một xu hướng không thể không kể đến là nhiên liệu sinh học. Trong số các loại nhiên liệu này, ethanol từ ngũ cốc, từ mía và diesel sinh học đang là các loại nhiên liệu sinh học chính hiện nay.
Theo Thế giới& Việt Nam