Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Lối thoát nào cho điện than?

  |   Viết bởi : Vũ Thủy

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, tổng lượng điện cần sản xuất đến năm 2030 ước đạt ...

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, tổng lượng điện cần sản xuất đến năm 2030 ước đạt 695 tỷ kWh, trong đó điện than chiếm tỷ trọng 51,6%. Các chuyên gia lo ngại, việc quá quan tâm đến phát triển điện than sẽ đẩy nước ta vào con đường nguy hiểm và không dễ gì để quay trở lại.
 

Những con số biết nói

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), đến năm 2030, nước ta cần sản lượng điện khoảng 695 tỷ kWh (tổng công suất 146.800MW). Cụ thể, thủy điện chiếm tỷ trọng 15,4% (hiện 40%), khí đốt 11,8%, điện than tăng lên 51,6%, năng lượng tái tạo 9,4% (bao gồm cả thủy điện nhỏ), còn lại là điện hạt nhân và điện nhập khẩu.
 

Dự báo thủy điện cơ bản khai thác hết tiềm năng (18.000MW) vào năm 2020. Đến năm 2030, lượng than trong nước có thể cung cấp cho phát điện khoảng 565 triệu tấn, chỉ đủ cho các nhà máy hiện tại và các nhà máy nhiệt điện khác ở miền Bắc, miền Trung, Duyên hải 1.
 

Như vậy, việc nhập khẩu than để phục vụ cho phát điện là tất yếu. Năm 2012, cả nước cần 14 triệu tấn than phục vụ cho phát điện. Đến năm 2030, con số này là 181 triệu tấn, trong đó dự kiến phải nhập khẩu từ 100 - 110 triệu tấn. Tuy nhiên, theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nhiệp, Bộ Công thương thì điều này là khó khả thi khi từ năm 2018, thế giới buộc tất cả các nước phải giảm phát thải CO2, do vậy các nước dùng nhiệt điện sẽ phải tính toán lại.
 

Cũng theo ông Lâm, để đầu tư cho Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn từ 2011 - 2020, cả nước cần khoảng 5 tỷ USD/năm cho các nhà máy nhiệt điện và 7,5 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021 - 2030. Đây thực sự là thách thức lớn với nước ta bởi hiện nay, vẫn còn hơn 10 nhà máy chưa có kinh phí xây dựng.
 

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí                 Nguồn: buildviet.info

Cần điều chỉnh lại quy hoạch

TS. Ngô Đức Lâm chỉ ra rằng, điện than đang đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu sản xuất điện trên thế giới cũng như từng quốc gia, ngay cả các nước phát triển. Hiện, lượng điện than chiếm khoảng 40% toàn thế giới; ở một số nước như Nam Phi là 93%, Trung Quốc 79%, Ấn Độ 69%, Mỹ 49%... Như vậy, xu thế dùng nhiệt điện đốt than là tất yếu, tính khả thi cao hơn so với dùng khí đốt hoặc dầu. “Với nước ta, nếu không dùng than để phát điện là hoàn toàn phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa an ninh năng lượng”, ông Lâm nhấn mạnh.
 

Tuy nhiên, theo ông Lâm, hiện nay, ngay chính bản Quy hoạch điện VII không thực tế. Cụ thể, quy hoạch đưa ra dự báo phụ tải vào năm 2030 vào khoảng 695 tỷ kWh nhưng theo nghiên cứu mức này chỉ khoảng 464 tỷ kWh. Sở dĩ có sự chênh lệch con số này là do sự chủ quan áp đặt lên tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%, trong khi đó con số thực chỉ vào khoảng 6%. Ông Lâm nêu dẫn chứng: Năm 2013, Quy hoạch điện VII đưa ra nhu cầu điện là 131 tỷ kWh nhưng thực tế chỉ có 115 tỷ kWh (!). Thêm nữa, hiện nay chỉ tiêu tiết kiệm điện năng quá thấp (1 - 3%, trong khi cần 6 - 8%). Theo tính toán của chuyên gia này, đến năm 2030 sẽ tiết kiệm được khoảng 10,1% điện sinh hoạt, 13,45% điện công nghiệp. Như vậy, khả năng sẽ tiết kiệm được 57 tỷ kWh tương đương 10.000MW công suất, giảm 25 triệu tấn than/năm.
 

Cũng theo ông Lâm, chúng ta hoàn toàn có thể thay thế năng lượng mới cho năng lượng hóa thạch là than đá. Trước đây, khi giá than được bao cấp nên giá điện than còn khoảng 45% giá thành, do đó nếu dùng điện gió hay năng lượng mặt trời là không thuyết phục vì chi phí cao. Tuy nhiên, từ tháng 7.2014, khi giá than cung cấp cho điện được tính theo giá thị trường, giá điện đã tăng lên, với một số nhà máy đã vận hành như Mạo Khê, Cẩm Phả, giá điện trước đây chỉ khoảng 3,7 - 4,2cent/kWh, thì hiện nay vào khoảng 5,5 - 6,8cent/kWh. Khi nhập khẩu than, giá sẽ chịu tác động của thị trường thế giới và nếu tính cả thuế cacbon thì giá điện sẽ là 10 - 11cent, đủ khả năng cạnh tranh với điện gió. Từ phân tích trên, ông Lâm cho rằng điện gió là điều hoàn toàn làm được trong tương lai để giảm tỷ trọng điện than. “Vấn đề ở chỗ, cần phải đưa tiết kiệm năng lượng và dùng năng lượng tái tạo vào kế hoạch để buộc phải thực hiện, chứ không thể chỉ nằm ở sự khuyến khích của Nhà nước”, ông Lâm nhấn mạnh.
 

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh cho rằng, sự phụ thuộc vào than là vô cùng nguy hiểm, đi ngược với xu thế thời đại, mâu thuẫn với các chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy chúng ta vào một con đường không dễ gì để quay đầu trở lại bởi những hệ lụy mà nó gây ra”.

Vũ Thủy

Trích dẫn: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=355767