Hong Kong, 29/10/2018 - Những phân tích đột phá trên dữ liệu vệ tinh mới từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 31 tháng 8 trong năm nay chỉ các điểm nóng ô nhiễm không khí do NO2 lớn nhất thế giới trên khắp sáu lục địa. Đồng thời phân tích này cũng cho thấy than và giao thông vận tải là hai nguồn phát thải chính gây ra tình trạng này.
NO2 là một chất ô nhiễm nguy hiểm và đóng góp vào sự hình thành của PM2.5 và ozone, là hai trong số các chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất. Chỉ riêng tại EU, việc làm sạch ô nhiễm NO2 có thể cứu được tới 75.000 người mỗi năm.
Với các điểm nóng trên khắp sáu châu lục, hình ảnh vệ tinh cho thấy phạm vi toàn cầu và tính chất xuyên biên giới của cuộc khủng hoảng này. Các chính phủ phải khẩn trương đẩy mạnh hành động để đảm bảo bầu không khí sạch sẽ và trong lành cho tất cả mọi người.
“Ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng đe dọa sức khỏe toàn cầu: có tới 95% dân số thế giới đang hít thở bầu không khí không an toàn. Với các điểm nóng ô nhiễm trên sáu lục địa, từ thành phố đến các cụm công nghiệp và khu vực nông nghiệp. Phân tích mới này cho thấy một bức tranh rất rõ ràng về tình trạng ô nhiễm NO2”, theo Lauri Myllyvirta, nhà vận động về ô nhiễm không khí Bắc Âu của Greenpeace cho biết.
“Chúng ta không thể che giấu được tình trạng không khí bẩn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cũng như những chất gây ô nhiễm cũng không có nơi nào để trốn. Báo cáo mới từ vệ tinh này chính là “thiên nhãn” phát hiện ra thủ phạm gây ô nhiễm là ngành công nghiệp đốt than và vận chuyển dầu mỏ. Các chính phủ sẽ phải hành động, với tất cả các biện pháp chính sách và công nghệ mà chúng ta có để làm sạch không khí và cứu cuộc sống của chúng ta.”
Danh sách các điểm nóng NO2 lớn nhất thế giới từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 31 tháng 8 năm nay bao gồm các nhà máy nhiệt điện than nổi tiếng ở Nam Phi, Đức và Ấn Độ và nhiều cụm công nghiệp đốt than ở Trung Quốc. Các thành phố như Santiago de Chile, London, Dubai và Tehran cũng nổi bật trong danh sách 50 điểm nóng NO2 do phát thải liên quan đến giao thông.
Điểm nóng lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian ba tháng này là tại khu vực Mpumalanga ở Nam Phi, nơi có một cụm nhà máy điện than do Eskom sở hữu và điều hành với tổng công suất trên 32 gigawatt.
Điểm nóng lớn nhất châu Âu được tìm thấy xung quanh nhà máy than Niederaussem ở Đức và điểm phát thải do giao thông vận tải tại London.
Phân tích dựa trên dữ liệu mới được công khai từ vệ tinh Sentinel 5P của Cơ Quan Vũ trụ Châu Âu từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 31 tháng 8 năm 2018. Greenpeace là tổ chức đầu tiên xử lý dữ liệu thành các mức NO2 trung bình và lập thành bản đồ. Dữ liệu kiểm kê khí thải toàn cầu của EDGAR 2012 cũng được kết hợp với dữ liệu của vệ tinh để chỉ ra các nguồn phát thải NO2 chính ở mỗi điểm nóng.
Hiện đã có những giải pháp rõ ràng cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí toàn cầu. Điều tiên quyết, than chính là nguồn quan trọng nhất gây phát thải NO2, các chính phủ cần phải nhanh chóng chuyển dịch các hệ thống năng lượng khỏi sự phụ thuộc vào than và thay bằng các công nghệ tái tạo. Đối với những khu vực và thành phố có nguồn ô nhiễm không khí chính là giao thông vận tải, kế hoạch toàn diện là thay thế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu diesel, bằng hệ thống giao thông công cộng chạy bằng điện để giúp đảm bảo không khí sạch cho tất cả cư dân thành phố.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn khí thải cho các nhà máy điện than phải được thực thi một cách nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn khí thải nhà máy điện than ở Nam Phi và EU, nơi các điểm nóng liên quan đến than có chỉ số khá cao trong danh sách các điểm nóng NO2 (vÍ dụ các nhà máy điện than Mpumalanga và Niederaussem) đang tụt hậu so với cái tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất.
Dịch từ: https://www.greenpeace.org/international/press-release/19072/greenpeace-analysis-of-new-satellite-data-reveals-worlds-biggest-no2-emissions-hotspots/