Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Phát triển năng lượng tái tạo trước nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái của nhiệt điện than ở Việt Nam

  |   Viết bởi : Lê Thành Ý

Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong top 10 điểm nóng của thế giới về phát triển nhiệt điện than (NĐT) với số lượng nhà máy mới xây dựng gia tăng nhanh chóng. Theo chủ trương “ ..khai thác tối đa nguồn than cho phát triển các nhà máy nhiệt điện…” tại Quyết định 428/QĐ-TTg (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, tổng công suất NĐT cả nước sẽ lên 45.152MW chiếm 49,5% công suất điện quốc gia. Từ xu thế đi ngược với thực tế toàn cầu và sự phát triển NĐT ồ ạt ở đồng bằng sông Cửu long, bài viết đè cập đến một số vấn đề cần được cân nhắc trong quy hoạch phát triển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. Nhu cầu năng lượng với xu thế phát triển nhiệt điện than toàn cầu

Từ sau cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, tiêu thụ năng lượng toàn cầu gia tăng rất nhanh. Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bình quân năng lượng tiêu dùng đầu người thế giới năm 2015 tới 1,86 TOE, riêng điện năng đã vượt qua 3.000KWh/người. Đi cùng tiêu thụ năng lượng gia tăng, lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu đã đến mức độ đáng quan ngại.

Mức tiêu dùng năng lượng trong nền kinh tế Việt Nam còn thấp  nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Tuy tiêu thụ năng lượng sơ cấp chỉ bằng 43% thế giới, 80% ASEAN và về điện năng chỉ bằng 50,3% bình quân chung toàn cầu; song để tạo ra 1$US giá trị GDP, mức tiêu hao năng lượng  lại cao gấp 3,7 lần thế giới, 1,92 lần so với ASEAN và giá trị phát thải khí CO2 bình quân đầu người (tính theo $US 2010) cao gấp 2,5 lần mức trung bình thế giới. Nhiều phân tích cho rằng, khí thải nhà kính tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ sử dụng quá nhiều nhiệt điện than.

Trong sản xuất điện toàn cầu, NĐT đóng góp tới 72% lượng phát thải khí nhà kính. Để sản xuất 1 kWh điện, nhà máy nhiệt điện than phát thải khoảng 0,8-1 kg khí CO2 (Endcoal 2017). Lượng khí carbon  phát thải của các loại hình công nghệ sản xuất điện được thể hiện trong bảng 1

Bảng 1 Lượng phát thải khí carbon trong các loại hình sản xuất điện năng

Đơn vị Gram CO/kWh

Loạihìnhnăng lượng

Gió

S.khối

Mtrời

Đnhiệt

PV

KhíTN

ThanUSC

Than SC

ThandươiSC

GramCO/kWh điện

12

18

22

45

48

469

838

863

1060

Nguồn Endcoal 2017

Ngoài khí  CO2, nhà máy NĐT còn thải ra nhiều chất có hại vào môi trường như SO2, thủy ngân, asen,…. gây ra mưa axit. Cùng với khí thải, tro xỉ do sản xuất điện cũng gây tác động môi trường hoặc chiếm dụng tài nguyên đất và phát sinh nhiều chi phí xử lý.

Từ những tác động bất lợi đến môi trường và đời sống xã hội, thập niên 2010 NĐT đã có xu hướng  suy giảm.  Báo cáo “Bùng nổ và Thoái trào điện than toàn cầu” công bố tháng 3 năm 2018 đã chỉ ra, 2017 là năm số nhà máy NĐT giảm mạnh. Công suất dự án NĐT mới hoàn thành giảm 28% so với năm trước; nhóm dự án khởi công xây dựng giảm tới 73% trong 2 năm 2016-2017. Báo cáo xác nhận, tổng công suất nhà máy điện than toàn cầu ngừng hoạt động đã lên tới 97GW, là kỷ lục chưa từng có trong những năm gần đây (REN 21  2018).  .

Động lực chuyển dịch ngành điện than đến từ nhiều phía, bao gồm sự giảm giá mạnh của năng lượng tái tạo, phong trào hợp lực của nhiều quốc gia, doanh nghiệp trong việc loại bỏ điện than và áp lực phải đối phó với chất lượng không khí đô thị ngày một suy thoái. Ngoài ra, còn do sự phân vân trong quyết định đầu tư của các ngân hàng và nhà tài trợ khi rủi ro lượng vốn lớn có thể trở thành tài sản ứ đọng. Thêm nữa, đó là sự phản kháng bền bỉ của nhiều cộng đồng trước tác động của các mỏ than, nhà máy, khu sản xuất và đường vận chuyển than. Có thể nói, những biến động diễn ra đang khép lại thời kỳ phát triển bùng nổ của NĐT và báo hiệu sự bắt đầu của giai đoạn đóng cửa các nhà máy điện than trên toàn thế giới (REN 21  2018)..   

 

2. Nhiệt điện than chủ trương trong Quy hoach phát triển điện lực quốc gia

Tại Quyết định 428/QĐ-TTg về  điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Thủ tướng Chính phủ  xác  định, đến năm 2030 tổng công suất NĐT cả nước sẽ lên 55.000MW, tiêu thụ hàng năm trên 105 triệu tấn than ( Thủ tướng Chính phủ  2016 ).Công suất, sản lượng và cơ cấu điện than từ nay đến năm 2030 được thể hiện trong bảng 2.

Bảng 2. Công suất và sản lượng nhiệt điện than đến 2030

Năm

CS(MW)

SL(TWh)

SốNMĐT

CSĐT(MW)

Tỷtrọng%/

SLĐT(TWh)

Tỷtrọng%

ThanTT(106T)

2015

40.500

165

20

1.3570

33,4

56,4

34,3

24

2020

60.000

265

31

25.787

42,7

130,9

49,3

35

2025

96.500

400

47

45.152

49,5

220,1

55,0

72

2030

129.500

572

52

55,252

42,7

304,5

53,3

105

Nguồn: Xử lý từ số liệu của Quyết định 428/QĐ-TTg (2016)

Từ mức phát thải khí nhà kính, thải xỉ và tro bay, các nhà khoa học đã dự báo được lượng phát thải carbon và tro-xỉ của NĐT cho cả giai đoạn 2015-2030. Theo đó, lượng khí CO2 và tro xỉ bình quân phát thải đã lên hàng chục triệu thậm chí hàng trăm triệu tấn mỗi năm (Bảng 3)

Bảng3 Lượng phát thải khí nhà kính và tro xỉ của nhiệt điện than giai đoạn 2015-2030

Đơn vị TWh, Triệu tấn

Năm

2015

2020

2025

2030

Tổng điện SX (TWh)

160

265

400

576

SL điện than-(TWh)

48,9

130

220

306

Phát thải CO2-(Triệu tấn)

54,5

123

148

245

Tổng lượng tro-xỉ-(Triệu tấn)

12

32

44

61

Nguồn Bùi huy Phùng Viện Hàn lâm Khoa học&Công nghệ việt Nam 2017

Do hàm lượng than chưa cháy hết còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghệ tái chế và thu gom nên lượng phế thải trong các nhà máy NĐT còn lớn. Những tổ máy công suất lớn với công nghệ siêu tới hạn, có thể nâng thêm 8-10% hiệu suất lò nung song phải dùng thiết bị khử bụi tỉnh điện, khử lưu huỳnh, NOx, và phụ gia cho quá trình cháy. Mặt khác, để lưu giữ  được lượng khí thải CO2 chi phí đầu tư phải tăng thêm khoảng 50-60% (Bùi Huy Phùng 2017).

Với nhu cầu than cho nhiệt điện vào năm 2030 lên tới 129 triệu tấn, sản xuất trong nước đạt 70,2 triệu tấn, chỉ đáp ứng được 54,4% nhu cầu. Chấp nhận than là nhiên liệu hóa thạch cho các nhà máy nhiệt điện sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường cùng với gia tăng diện tích đất xây dựng các cảng than, hệ thống cấp than và nhất là bãi chứa tro xỉ (Tô Quốc Trụ 2017)

Trong hệ thống nhà máy NĐT phân bổ ở 3 miền đất nước; những nhà máy cỡ công suất từ 600MW đến 2.000 MW sẽ tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Xây dựng trong một thời gian không dài 14 nhà máy NĐT có tổng công suất gần 20.000 MW có thể là một kịch bản thiếu bền vững trong bảo vệ môi trường sinh thái của một vùng đồng bằng rộng lớn.

Nhu cầu nước cho các nhà máy NĐT đòi hỏi rất cao; đây là lượng nước cần thiết để hấp thụ nhiệt thải từ hơi ngưng tụ của nhà máy nhiệt điện. Lượng nước sử dụng làm mát bình quân cho NĐT trên thế giới khoảng 142m3/MWh, ở Việt Nam, con số này dao động từ 124 m3/MWh đến 192 m3/MWh. Đáp ứng yêu cầu phát triển NĐT theo Quyết định số 428/QĐ-TTg, tổng lượng nước làm mát cần từ 7,3 tỷ m3 (2015) đến 19,5 tỷ m3 (2020), tăng lên 33 tỷm3 (2025) và năm 2030 phải đạt 46 tỷ m3. Đây là những con số đáng lo ngại, bởi không đủ nước làm mát và nhiệt độ nước sông hồ gia tăng có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (Bùi Huy Phùng 2017).

Việt Nam đang chịu áp lực lớn trong đáp ứng nhu cầu cả về năng lượng và nguồn nước. Trong khi an ninh nguồn nước phải đối mặt với những thách thức suy giảm cả về số lượng và chất lượng, chính sách năng lượng chủ yếu dựa vào nhiệt điện than với lượng nước tiêu tốn lớn trong cả vòng đời (từ khai thác, xử lý than đến sản xuất và hậu sản xuất điện) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và gây những hậu quả khó lường.

 

3. An ninh nguồn nước thách thức trong phát triển nhiệt điện than

Nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn nhưng lại là nguồn sống cần thiết cho mọi hệ sinh thái. Những bất hợp lý trong khai thác và phân phối nguồn nước khiến nhiều vùng và nhiều người lâm vào tình trạng khan hiếm nước. Trên trái đất hiện có khoảng 2 tỷ người đang đối mặt với thiếu nước. An ninh nguồn nước đang nổi lên và trở thành vấn đề cấp bách.

Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm của Việt Nam có khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng trên 63% ở ngoài biên giới, chỉ gần 310 tỷ m3 được sinh ra trên lãnh thổ quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2016).Cùng với nước mặt, nguồn nước ngầm ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm và được phân bổ rất thấp tại đồng bằng sông Cửu Long với bình quân đầu người 84 m3/năm (Kollogg Brown 2009).Lượng nước bình quân của Việt Nam ở mức trung bình thế giới, nhưng lượng nước được khai thác sử dụng chỉ đạt dưới 1.000m3/người/năm (FAO 2010).

Việt Nam là một trong 10 nước có chỉ số an ninh nguồn nước thấp nhất thế giới. Thách thức nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng hơn khi 2/3 dòng chảy từ bên ngoài với sự phân bổ không đều theo cả thời gian và không gian. Mặt khác, nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, BĐKH đe dọa, chất lượng nguồn nước suy giảm.... Cạnh tranh, mâu thuẫn sử dụng nước gia tăng khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn nước ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng (Green ID 2017).

Phân tích quan hệ giữa nguồn nước với năng lương và lương thực thực phẩm cho thấy,đến năm 2030 nhân loại cần tăng thêm 50% nhu cầu lương thực thực phẩm, 40% nhu cầu năng lượng và trên 30% lượng nước. Nước được coi là nguồn cung các dịch vụ sinh thái quan trọng, giữ vai trò không gì thay thế được trong nền kinh tế . Dưới tác động của BĐKH và dân số gia tăng, việc cân đối phát triển và kiểm soát an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và năng lượng là những thách thức cần được giải quyết cả ở tầm quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Mọi hoạt động từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ và thải loại của nhà máy NĐT đều liên quan đến sử dụng nước. Mối giai đoạn trong vòng đời khai thác, sử dụng than đều tác động tiêu cực tới nguồn nước. Để khai thác 1 tấn than, cần bóc tách từ 8 đến 10m3 đất đá, thải ra 1,3 m3 nước thải mỏ và một trong những tác động nghiêm trọng là rò rỉ axit làm nhiễm độc cả hệ thống nước ngầm và nước mặt.

Các nhà máy NĐT hoạt động theo nguyên tắc đun sôi nước tạo hơi quay tua bin chạy máy phát điện. Một nhà máy NĐT công suất 1.200 MW tiêu thụ  4,7 triệu m3 nước/ngày đêm. Tuy  nguồn nước sau làm mát được trả về nơi cung cấp song nhiệt độ thường cao hơn trên 80 C, dễ gây sốc nhiệt đối với sinh vật cũng như phân rã chất độc trong nước, gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy, hải sản hoặc các hệ sinh thái nhạy cảm. Với kế hoạch mở rộng, tăng công suất NĐT lên gấp trên 4 lần, lượng chất thải phát tán cùng với mưa lũ bất thường làm gia tăng nguy cơ sự cố hồ, đập và bãi chứa chất thải. Những sự cố tràn bùn thải ra môi trường mang theo chất độc hại và chất ô nhiễm từ quá trình đốt than cũng gây tác hại cao đối với nguồn nước ( Lê Thành Ý 2018).

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là nơi đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và hơn 70% các loại trái cây của Việt Nam; vùng này còn tạo ra trên 95% lượng gạo và hơn 60% sản lượng cá xuất khẩu cả nước. Dễ dàng nhận thấy, trong phát triển bền vững, an ninh nguồn nước của ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thủy điện dòng chính Mekong.. Thách thức phát triển của vùng ĐBSCL càng được nhân lên khi tác động kép từ thủy điện nước ngoài và phát triển nhanh NĐT trên quy mô lớn toàn vùng.

Theo Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, từ nay đến 2030 ĐBSCL sẽ trở thành vùng tập trung NĐT lớn nhất cả nước với 14 nhà máy có tổng công suất gần 20.000MW. Với quy mô phát triển được phê duyệt, bình quân mỗi ngày tại ĐBSCL sẽ có 170 nghìn tấn than được vận chuyển bằng đường thủy. Trong khoảng đường sông từ Cần Thơ đến Trà Vinh tầu thuyền vận tải chuyển tiếp than vô cùng nhôn nhịp. Thực tế này sẽ gây tác động không nhỏ đến môi trường sông nước và hệ sinh thái dưới nước của cả khu vực.

Các nhà máy NĐT hoạt động là những cỗ máy tiêu tốn nước khổng lồ. Theo ước tính, lượng nước cần thiết để làm mát 14 nhà máy NĐT ở ĐBSCL sẽ lên đến 70 triệu m3/ngày đêm, gây ảnh hưởng bất lợi cho các ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô của vùng càng thêm nghiêm trọng (Green ID 2017).

4. Năng lượng tái tạo, giải pháp cần thiết trong phát triển nguồn điện quốc gia

Trước thách thức an ninh lương thực và nguồn nước, cần tạo nguồn năng lượng thay thế cho nhiệt điện than. Việc lựa chọn nguồn điện thay thế được nghiên cứu trên cơ sở tinh toán cả về kinh tế xã hội và môi trường nhằm lựa chọn loại hình năng lượng phù hợp. Với mong muốn xây dựng cơ cấu nguồn điện giảm sự phụ thuộc vào than, giới nghiên cứu đã tiến hành phân tích tiềm năng đáp ững nhu cầu năng lượng quốc gia theo cách tiếp cận giá thấp, có xét đến chi phí ngoại biên và giảm được lượng phát thải khí nhà kính. Theo đó, các phân tích đặc biệt quan tâm đến hiệu quả theo cả vòng đời hệ thống điện. Chi phí phát sinh được tính thành chi phí sản xuất quy dẫn (LCOE) và lấy đó làm cơ sở để so sánh, đánh giá khả năng cạnh tranh. Để khẳng định tính ưu việt của năng lượng lựa chọn, chi phí ngoại biên* là một nhân tố quan trọng .

*Chi phí ngoại biên là chi phí được xác định dựa trên ước tính chi phí phát sinh đối với xã hội và môi trường do chất ô nhiễm từ việc phát điện gây ra. Các chất gây ô nhiễm được xem xét chủ yếu là oxit lưu huỳnh (SOx), oxit nitơ (NOx) và dioxit cacbon (CO2)).

So với năng lượng truyền thống, năng lượng tái tạo (NLTT) ít chịu tác động bởi chi phí ngoại biên, đây là lợi thế quan trọng của năng lượng này trong cơ cấu nguồn điện tương lai. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chi phí xã hội và môi trường ở Việt Nam lên tới 2,26 USD/GJ đối với than, 0,12 USD/GJ cho khí đốt tự nhiên và CO2 được định giá ở mức 35 USD/tấn (IMF, 2014).

Lựa chọn nguồn năng lượng thay thế than còn được tiến hành trên cơ sở tính toán chi phí quy dẫn (Levelised Cost of Electricity - LCOE)  có tính đến tổn hại môi môi trường. Chi phí bảo vệ môi trường ở Việt Nam được tính  toán trên cơ sở khối lượng chất thải của các loại nhiên liệu và năng lượng sử dụng. Chi phí bảo vệ môi trường ngành  điện được xác định như với xăng dầu ở mức hiện hành tương đương 36,4 USD/tấn CO2 phát thải. Từ lượng khí CO2 bình quân 0,86 Kg/ KWh của NĐT, chi phí quy dẫn của loại năng lượng này phải cộng thêm 3,1 UScents/kWh phí bảo vệ môi trường. Với giá than từ  55 đến 60 USD/tấn, nếu có tính phí môi trường, chi phí quy dẫn của NĐT sẽ từ 8,9 đến 9,1 USc/kWh. Tương tự, khi than có giá từ 100 đến 120 USD/tấn, LCOE của NĐT sẽ từ 10,9 đến 11,6 USDc/kWh (Nguyễn Văn Vỵ 2017).

Khi chi phí ngoại biên được xem xét, tính cạnh tranh kinh tế của công nghệ phát điện thay đổi rõ rệt ngay với chi phí hiện tại và công nghệ điện NLTT trở nên cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Giá quy dẫn  có tính đến chi phí ngoại biên của công nghệ phát điện năm 2017 được thể hiện tại bảng 3

Bảng 3  Giá quy dẫn có tính đến chi phí ngoại biên của một số loại hình điện năng năm 2017

Đơn vị cent USD/kWh

Loại công nghệ phát điện

Giá quy dẫn

Chi phí ngoại biên

Tổng (cent USD/kWh)

Trang trại điện mặt trời

8,84

0

8,84

Điện mặt trời mái nhà

10,56

0

10,56

Địa nhiệt

9,62

0

9,62

Điện gió

8,77

0

8.77

Than dưới tới hạn (than nhập)

7,30

5,08

12,38

Than dưới tới hạn (than nội)

6,71

5,20

11,91

Tua bin khí nội địa

7,89

1,66

9,55

Nguồn  Green ID 2018

Chi phí quy dẫn điện năng lượng tái tạo được xác định dựa vào tổng chi phí vốn, chi phí bảo trì, vận hành, hệ số công suất và đời sống kinh tế. Theo đó, điện mặt trời sẽ phụ thuộc vào các yếu tố của nguồn bức xạ, số giờ nắng trong năm; vốn đầu tư cho hệ thống; chi  phí vốn bình quân gia quyền và chi phí vận hành &bảo trì khoảng 0,2%-0,3% vốn đầu tư trong 25 năm khai thác.Từ kết quả nghiên cứu, các nhà phân tích đã rút ra; điện mặt trời có thể cạnh tranh được nhiệt điện than tại các khu vực có số giờ nắng từ 1.800 đến 2.000 giờ trong năm.

So sánh chi phí quy dẫn của  điện gió thay đổi theo hệ số công suất và của nhiệt điện thay đổi theo giá than, cũng cho thấy, với giá than bình quân trên thị trường từ 60 đến 80 USD/tấn; điện gió đạt hệ số công suất trên 24,5% kinh tế hơn nhiều so với NĐT (Nguyễn Văn Vỵ 2017).

Xem xét tổng hòa tác động kinh tế-xã hội và từ những kết quả nghiên cứu đạt được, các nhà phân tích cho rằng, thay thế NĐT bằng năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết. Chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng giảm thiểu NĐT, gia tăng nhanh điện năng lượng tái tạo, tập trung vào phát triển năng lượng điện mặt trời và điện gió sẽ tạo nền tảng để đất nước vượt qua những thách thức trong ứng phó với BĐKH.

 

5. Năng lượng điện cho tương lai, đề xuất từ các nhà nghiên cứu

Nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn điện giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo lộ trình phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững SDGs 2030, mới đây, các nhà nghiên cứu đã công bố một thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.Theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí ngoại biên, thiết kế này đã rút ra: Nếu Chính phủ sớm định hình, có kế hoạch cụ thể xây dựng một hệ thống năng lượng hiện đại cung cấp năng lượng an toàn, sau năm 2020, chưa cần xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới, Việt Nam vẫn đủ điện dùng, đảm bảo được môi trường và sức khỏe cho người dân (VUSTA &Green ID 2018).

Phương án cắt giảm 30 GW công suất điện than, tương đương với đưa ra khỏi quy hoạch 25 nhà máy điện than chưa xây dựng thiết kế đưa ra  được đánh giá an toàn, có thể chấp nhận để đáp ứng nhu cầu tương lai và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững SDGs 2030 .

 Giải pháp thay thế 30  GW công suất điện than bằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời với nâng cao tỷ trọng NLTT là đề xuất có giá trị. Với đề xuất này, tỷ trọng điện NLTT sẽ từ 21% tăng lên 30%; nhiệt điện khí sẽ từ 14,7% lên 22,8%;và nhiệt điện than giảm từ 42,6% xuống còn 24,4%. Theo đó, cơ cấu nguồn điện năm 2030 sẽ thay đổi cơ bản với tỷ trọng NLTT (bao gồm cả thủy điện) chiếm 52,2%, nhiệt điện than còn 24,4% và khí tự nhiên chiếm 22,8%

(Nguyễn Quốc Khánh 2017). 

Từ những nội dung cụ thể trong các kịch bản phân tích, bản thiết kế Năng lượng sạch cho tương lai của Việt Nam có thể mang lại lợi ích cụ thể trên các mặt:

Tránh được việc phải xây dựng thêm 25 nhà máy nhiệt điện than lớn, giảm đáng kể lượng than phải nhập khẩu, góp phần quan trọng vào đảm bảo tăng cường an ninh năng lượng.

Giảm được áp lực phải huy động thêm 60 tỷ USD đầu tư xây dựng những dự án điện than mới và hàng năm không phải chi thêm 7 tỷ USD để nhập khẩu than.

Vấn đề quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDGs 2030 của LHQ và Kế hoạch hành động Quốc gia trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là không phải đốt 70 triệu tấn than/năm, giảm phát thải hàng năm 116 triệu tấn CO2; giảm được lượng bụi siêu nhỏ và chất gây ô nhiễm; giúp Việt Nam thực hiện thuận lợi những cam kết theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris (GeenID 2018).

 

6.Thay lời kết luận

Ngược với xu thế phát triển năng lượng toàn cầu, thời gian qua Việt Nam đã phát triển mạnh năng lượng hóa thạch. Theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, NĐT  chiếm tới 55% trong cơ cấu điện sản xuất. Cơ cấu này lớn hơn rất  nhiều so với mức bình quân toàn cầu đã giảm xuống, chỉ còn 39% trong năm 2015.

NLTT là nguồn năng lượng được tạo ra từ tài nguyên thiên nhiên bền vững và nguồn phi hóa thạch  có thể khai thác không gây tổn hại đến các hệ sinh thái.  So với năng lượng truyển thống, NLTT không tạo ra thách thức liên quan đến xử lý đầu vào đồng thời tiêu thụ ít nước hơn rất nhiều trong sản xuất điện năng.

Là đất nước có tiềm năng NLTT dồi dào, song Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió là việc làm cần thiết.

Những quyết sách của Chính phủ đối với phát triển hệ thống năng lượng hôm nay có tác động và hệ lụy lâu dài đến các thế hệ tương lai. Hy vọng đề xuất từ tâm huyết của giới nghiên cứu sẽ được tổ chức quản lý và các nhà hoạch định chính sách quan tâm trong lựa chọn, xây dựng thành những giải pháp thiết thực để phát triển năng lượng bền vững ở nước ta./.

Tài liệu tham khảo

Thủ tướng Chính phủ (2016)    Phê duyệt  điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn

2011-2020 có xét đến năm 2030                 Quyết định  Số: 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03

BộTàinguyên&Môi trường (2016)  Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015

ADB (2016)                    Asian Water Development Outlook 2016

Endcoal (2017).     Than sạch-sự thật?   Tờ Thông tin về than 3 tháng 11 năm 2017.

REN 21(2018).  Chuyển dịch năng lượng đang tăng tốc trong ngành điện nhưng cần hành động

khẩn trương trong lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải

http://www.ren21.net/wp-content/uploads/2018/05/GSR2018_PressRelease_VN1.pdf

VUSTA &Green ID(2018)      Con đường phát triển điện không đánh đổi môi trường và sức khỏe

của người dân Việt Nam

Hội thảo “ Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển  bền vững”. Hà Nội 05 tháng 6

Green ID (2017)          Khuyến nghị chính sách phát triển hài hòa năng lượng và nguồn nước

trong bối cảnh BĐKH ở Việt Nam; Hà nội tháng 12

Green ID (2018).       Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam

Tài liệu lưu hành tại Hội thảo “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển  bền vững

Việt Nam”. Hà Nội ngày 05 tháng 6

Bùi Huy Phùng (2017)   Nhiệt điện than chất thải và nước làm mát;      Nội tháng 01 năm 2017

Kollogg Brown (2009)      Socialist Republic of Vietnam: Water Sector Review .

ADB Technical Assistance Consultant’s Report. TA4903-Vie Water Sector Review Project

Lê Thành Ý (2018)      Phát triển nhiệt điện than qua góc nhìn chuyển gia

Thời báo kinh tế Việt Nam  số 28 ngày 01 tháng 02 năm 2018

Nguyễn Quốc Khánh (2017)  Báo cáo nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID); Hà Nội tháng 10 năm 2017

Nguyễn Văn Vỵ (2017). Sự cần thiết của NĐT trong chiến lược phát triển nguồn điện Việt Nam

Hà nội ngày 06 tháng 3

Tô QuốcTrụ (2017) Vai trò nhiệt điện than trong hệ thống điện Việt Nam ; Hà nội tháng 2/2017