Đúng với tên gọi cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng" do Đoàn trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức, 312 ý tưởng gởi đến ban tổ ...
Đúng với tên gọi cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng" do Đoàn trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức, 312 ý tưởng gởi đến ban tổ chức cuộc thi là những trăn trở, ước mơ giúp cho bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường sống…
Góp ý tưởng bảo vệ môi trường
Nguyễn Thông Thả, sinh viên ngành Xây dựng công trình thủy khóa 37 Trường ĐHCT mang đến cuộc thi ý tưởng "Thiết kế nhà vệ sinh chi phí thấp cho người dân vùng nước nổi". Thông Thả cho biết ý tưởng này có từ năm 2011, khi em thấy bà con nông thôn ở nhiều nơi không có nhà vệ sinh(NVS), nhất là bà con sống ở trên sông. Tình cờ Thả làm quen với Lý Thu Trang (cựu sinh viên ngành Xã hội học Trường Đại học Xã hội và Nhân văn) và Huỳnh Quốc Tài (ở tỉnh Đồng Tháp) nên cả ba người quyết định cùng thực hiện ý tưởng. Mô hình NVS trên sông đã được một vài đơn vị nghiên cứu và ứng dụng. Tuy nhiên, các NVS này vẫn còn hạn chế, như: chưa đảm bảo sức khỏe người dân, không đủ tiêu chuẩn về kích thước, chi phí cao, quan trọng nhất chính là chưa có nghiên cứu tham vấn ý kiến của bà con nên chưa được nhiều người ủng hộ. "Thu Trang học ngành xã hội học nên phụ trách lấy ý kiến người dân các địa phương. Gia đình của Tài có cơ sở cơ khí nên cả nhóm chọn đặt làm nơi gia công sản phẩm" - Thông Thả cho biết.
Năm 2013, nhóm của Thả đem mô hình tham dự Giải thưởng Holcim Prize tổ chức tại Trường ĐHCT và đoạt giải Nhì. Sau khi nhận giải thưởng, cả nhóm dành toàn bộ số tiền thưởng làm hai NVS cho hai hộ dân ở Đồng Tháp và Tiền Giang để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về mô hình. Theo Thông Thả, điểm mới của mô hình này chính là sử dụng vật liệu có sẵn, kỹ thuật lắp ghép đơn giản, có tham vấn cộng đồng, bảo đảm sức khỏe cho người dân theo các tiêu chí của Bộ Y tế, giá cả tương đối phù hợp (khoảng 3 triệu đồng/NVS)… Đầu năm 2015, nhóm của Thả đã được một tổ chức phi chính phủ của Anh tài trợ 100 triệu đồng để thực hiện 15 NVS trên sông và triển khai dự án tuyên truyền về mô hình cũng như bảo vệ môi trường tại tỉnh An Giang. Đến với cuộc thi lần này, Thông Thả và các bạn đã cải tiến mô hình bằng cách thay bồn chứa thẳng đứng bằng bồn nằm ngang nhằm tạo độ cân bằng cho NVS.
Nhóm bạn chung lớp ngành Lâm sinh khóa 39 Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, gồm Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Tấn Đạt, Lý Minh Đăng và Trần Thanh Thắng đã quyết định thực hiện "Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt với chi phí thấp". Tại nhiều địa phương, do không có nơi xử lý, người dân đã vứt rác xuống sông gây ảnh hưởng đến nguồn nước, sản xuất. Nguyễn Tấn Đạt cho biết: "Mô hình của nhóm em chỉ đơn giản là thùng nhựa có khoan lỗ xung quanh và cửa để lấy phân compost (phân rác) sau khi đã xử lý. Các loại rác hữu cơ bỏ vô thùng thì khoảng 2 tháng có thể làm phân bón cho cây trồng. Muốn xử lý rác nhanh thì chúng ta dùng chế phẩm sinh học để rút ngắn thời gian phân hủy rác". Trần Thanh Thắng, một thành viên của nhóm thì cho biết giá của mỗi thùng nhựa trên thị trường hiện nay khoảng 300 ngàn đồng. Vì vậy, người dân có thể mua và thiết kế thùng xử lý rác tại gia đình một cách dễ dàng. Hiện nhóm của Thắng đang vận động tiền để thực hiện 247 thùng xử lý rác hữu cơ cho người dân ở tỉnh Bạc Liêu.
Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt với chi phí thấp của các sinh viên ngành Lâm sinh khóa 39 đạt giải
Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng”.
Dấn thân vì đam mê
Chưa hiểu sâu về tự động hóa nhưng Trần Tấn Tài, sinh viên ngành Tin học ứng dụng khóa 38 vẫn bắt tay xây dựng mô hình "Nghiên cứu thiết kế hệ thống tưới tự động chi phí thấp" sau khi được thầy cô gợi ý. Ước mơ của Tài là xây dựng hệ thống tưới có cảm
biến và vi điều khiển để đo đạc các thông số về nhi
ệt độ không khí, độ ẩm của đất rồi gởi về bộ điều khiển. Sau đó bộ điều khiển sẽ xử lý các thông số này rồi kích hoạt hệ thống bơm tùy theo điều kiện môi trường. "Hệ thống tưới tiêu tự động đã được áp dụng nhưng mới chỉ là bán tự động, còn phụ thuộc vào con người. Riêng ý tưởng của em thì ngoài tự động hoàn toàn, người nông dân cũng có thể tự điều chỉnh. Dự kiến chi phí đầu tư hệ thống trên diện tích 1.000m2 khoảng 10 triệu đồng" - Tấn Tài cho biết. Theo tính toán của Tài, nếu tưới tự động thì lượng nước cung cấp cho cây trồng sẽ giảm được một nửa. Việc tưới tiêu tự động sẽ giúp cho người dân đỡ vất vả và quản lý tốt khâu canh tác. Nếu việc tưới nước được tính toán hợp lý cũng giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên giảm được tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu; đồng thời qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Các sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (lớp Quản trị kinh doanh khóa 38) Trần Thị Thu Trang (lớp Hóa dược khóa 39), Đặng Khánh Huyền (lớp Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khóa 39) đã thuyết phục được Ban giám khảo và đạt giải Nhất với ý tưởng "Tập huấn thanh niên với biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện trên dòng sông Mê Công". Theo Khánh Huyền, hiện nay thanh niên rất năng động, tham gia nhiều chương trình tình nguyện vì cộng đồng, tuy nhiên việc giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các thành viên đã xây dựng mô hình giáo dục nhằm cung cấp kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng tư duy… "Phương pháp chúng em đưa ra trong mô hình tuyên truyền là thành viên làm việc nhóm với nhau, tham gia chơi trò chơi tư duy nhằm rút bài học về quản lý, bảo vệ môi trường. Sau các lớp tập huấn, các thành viên sẽ trở thành người thực hiện các phần việc để chung tay chống biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực bản thân" - Khánh Huyền cho biết. Thời gian qua, nhóm của Huyền đã tổ chức một số hoạt động tuyên truyền nhưng gặp nhiều khó khăn vì kinh phí hạn chế, nơi tổ chức các hoạt động không có… Mặc dù vậy, Huyền và các bạn vẫn kiên trì vận động tiền để duy trì chương trình và mong muốn được nhân rộng mô hình nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Do có nhiều thí sinh bỡ ngỡ với các ý tưởng nên Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các bạn giao lưu với các thầy cô, chuyên gia trong và ngoài trường để đúc kết thêm kiến thức, kinh nghiệm trên từng lĩnh vực. Qua đó, nhiều bạn đã tự tin và triển khai khá tốt các ý tưởng. Trần Tấn Tài, sinh viên ngành Tin học ứng dụng, cho biết: "Công việc nghiên cứu khá xa lạ nhưng em vẫn quyết tâm thực hiện để biến nó thành hiện thực. Em đang nghiên cứu lập trình trên bộ điều khiển và hy vọng sẽ có tiền để đưa ý tưởng hệ thống tưới nước tự động đến với bà con trong tương lai".
Anh Phạm Thanh Nhàn, Bí thư Đoàn khoa Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết dù vai trò của thầy cô, các chuyên gia khá quan trọng trong việc định hướng cho các thí sinh nhưng vấn đề chính vẫn là nỗ lực của từng bạn khi biến ý tưởng thành công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó sự đam mê là yếu tố quan trọng để các sinh viên đề xuất ý tưởng, tạo điều kiện cho nhiều người biết đến và cùng chung tay thực hiện. "Nhiều bạn nghĩ khoa học là điều gì đó cao siêu, vượt quá khả năng của cá nhân nhưng đó chỉ đơn giản là tự tin áp dụng kiến thức đã học vào đời sống. Sắp tới, chúng tôi sẽ họp với ban giám khảo, các chuyên gia trên các lĩnh vực có ý tưởng vào chung kết để tìm ra những mô hình thiết thực nhằm hỗ trợ các bạn hoàn thiện mô hình và đưa chúng đến với người dân" - anh Nhàn cho biết.
Trích dẫn tại: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=73&id=168458