Tháng 3 năm 2014, Hải Chính là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn Quốc gia Nông thôn mới (NTM). Phát huy ...
Tháng 3 năm 2014, Hải Chính là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn Quốc gia Nông thôn mới (NTM). Phát huy những kết quả đạt được, nhân dân trong xã đã có nhiều cách làm sáng tạo để phát huy sức mạnh cộng đồng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước; đặc biệt, rất quan tâm sử dụng năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thực hiện mục tiêu dân giầu, xã mạnh. Bài viết gợi ra đôi nét chuyển biến sau ngày xã Hải Chính đạt chuẩn xây dựng NTM Quốc gia..
Vùng đất giầu truyền thống với chiến công anh hùng trong chiến tranh giữ nước
Về Hải Chính vào một ngày thu; trên những đường làng còn lưu lại sắc màu rực rỡ của ngày lễ hội kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9 đã gợi cho chúng tôi những ấn tượng tốt lành về một xã công giáo toàn tòng đang vượt lên khó khăn để xây dựng đời sống an bình ở một miền quê ven biển nghèo.
Nằm trong vùng chắn sóng Biển Đông, Hải Chính có gần 5.000 dân sống trên diện tích tự nhiên 480 ha với hệ thống đê biển chạy dài trên 3,2 km. Trong 369 ha đất đai toàn xã, có 72 ha ngọt hóa, 24,4% là đất thổ cư; 56,1% còn lại là đất chua, mặn nặng. Gốc là dân từ nhiều nơi đến cộng cư lập nghiệp; người Hải Chính cần cù, khéo léo, chất phác và thuần hậu; đã chung sức khai thác, biến vùng bãi chua mặn thành đồng muối bạt ngàn và hun đúc nên truyền thống cộng đồng bền chặt với sắc thái riêng, đậm đà tình nghĩa.
Trong xây dựng NTM, lãnh đạo Hải Chính đã dựa vào sức dân để tạo tiền đề cơ bản cho phát triển bền vững ở một vùng còn nhiều khó khăn.Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Lân cho biết; triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; Hải Chính bắt đầu trong điều kiện các tiêu chí còn rất thấp. Với nhận thức, muốn thực hiện thành công trước hết phải thống nhất, tạo sự đồng thuận theo phương châm dung dị của Bác Hồ “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”; từ quan điểm “ lấy sức dân để lo cho dân” lãnh đạo địa phương đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để từng người dân hiểu rõ chủ trương; động viên phát huy nội lực để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong xây dựng quê hương.
Từ nhận thức đến hành động cụ thể, Hải Chính bắt đầu triển khai trên cơ sở thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 gắn với xây dựng NTM trên tinh thần công khai, minh bạch“ dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng “ người dân đã trở thành chủ thể thực sự trong phát triển sản xuất và xây dựng đời sồng lành mạnh trên từng địa bàn thôn, xóm.
Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần được coi là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Nhờ khơi dậy sức mạnh lòng dân, chỉ trong 3 năm (2010-2013), xã Hải Chính đã huy dộng được nguồn tài chính gần 113 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM. Trong đó, nhà ở dân cư và công trình nước sạch chiếm trên 33.6%; đầu tư thiết bị máy móc và phương tiện sản xuất 22,1%. Riêng các công trình công cộng, đường giao thông thôn, xã và các công trình văn hóa chiếm trên 25,2%. Đáng lưu ý trong đầu tư công ích là nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm 25,6%, nguồn của địa phương chiếm 74,4% với hơn 75,2% do dân tự đóng góp.
Bằng công sức của toàn dân, Hải Chính đã làm mới và nâng cấp được 118 tuyến đường với tổng chiều dài trên 16,1km. Trong đó, có 3,3 km dường nhựa tuyến trục xã, 2,8 km đường nhựa tuyến nội đồng; 1,3 km đường nhựa liên xóm. Cùng với quản lý, nâng cấp 10 kênh mương dài 7,23 km và nạo vét hàng năm trên 10.000 m3 bùn, cát; toàn xã đã xây dựng 74 tuyến mương thoát nước dài 9,4 km trong khu dân cư. Những cơ sở vật chất xây dựng đã tạo tiền đề quan trọng cho sản xuất, giao thương nông sản hàng hóa và cải tạo môi trường ở các khu dân cư. Trong sự đóng góp này, các hộ dân đã tự nguyện hiến trên 3.869m2 đất ở; thông qua dồn điền đổi thửa, các hộ dân còn hiến trên 2,5 ha đất ngoài đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từ quy hoạch xây dựng NTM, xã đã phối hợp cùng ngành điện di chuyển 52 cột điện ra ngoài hành lang để mở rộng đường giao thông và xây rãnh thoát nước trong khu dân cư; nâng cấp các trạm biến áp phân phối, đường dây cao và hạ thế; đảm bảo 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn và tiết kiệm.
Nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và văn hóa xã hội mở mang, Hải Chính đã phát huy được thế mạnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất kinh doanh. Sau 3 năm, HTX muối Hải Chính đã đưa 50 ha đất đồng muối sang trồng màu và nuôi trồng thủy sản; chuyển 490 lao động làm muối sang những ngành nghề khác, rút tỷ lệ lao động nghề muối xuống còn 27%. Xã đã thành lập 01 làng nghề nuôi trồng thủy sản, nâng số tầu đánh cá lên 52 với 250 lao động làm việc thường xuyên, đạt mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng /lao động/năm. Nhờ số lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90,7%, tổng giá trị sản xuất xã hội trong năm 2013 đạt 180 tỷ đồng, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 29,3 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,5% (năm 2010) xuống còn 2,9% (UBND xã Hải Chính tháng 4/ 2014).
Trao đổi cùng chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Hiển bộc bạch; quá trình xây dựng NTM tạo chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng xây dựng và hoàn thiện đã thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội; tư duy và hành động của cán bộ và người dân có nhiều đổi mới; năng động trong chuyển đổi việc làm, tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng. Nhờ thu nhập gia tăng, đời sống đang được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống cả về vật chất và văn hóa tinh thần của người dân đang còn nhiều hạn chế.
Nhận thức kinh tế ngày càng phát triển thì việc sử dụng năng lương hiệu quả sẽ là nội dung thiết thực để nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng đời sống; lãnh đạo và nhân dân Hải Chính đã có những tìm kiếm, nhằm tháo gỡ khó khăn trước hiện trạng cơ sở hạ tầng mở rộng; sử dụng năng lượng tăng nhanh, song kém hiệu quả và môi trường thôn xóm có nguy cơ ô nhiễm ngày một cao hơn.
Sử dụng năng lượng bền vững, giải pháp tích hợp khắc phục khó khăn
Từ những trăn trở chưa tìm được lối đi ra; Hải Chính được tiếp cận với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Và từ đây, kết hợp với chương trình toàn dân xây dựng NTM, xã đã xây dựng và thực hiện chương trình hành động “Người dân Hải Chính ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững” để tiếp tục phát huy kết quả xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Lân cho biết, tháng 3 năm 2013, xã Hải Chính đã phối hợp cùng Green ID triển khai chương trình này. Chương trình hướng vào nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường. Nội dung hoạt động tập trung vào giải pháp cải thiện sinh kế; nâng tỷ lệ dùng nước sạch lên 100%, người dân được uống nước tinh khiết; đặc biệt, chú trọng đến giải pháp năng lượng bền vững, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải và cải thiện môi trường.
Lập kế hoạch năng lượng địa phương (LEP) là quá trình người dân và chính quyền cùng xây dựng để giải quyết các vấn đề liên quan đến năng lượng trên địa bàn dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực của địa phương thông qua thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và các giải pháp phát triển bền vững. Sáng kiến này mang lại giá trị và lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn cả về xã hội và môi trường; góp phần giảm chi phí nhiên liệu cho hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh và tổ chức công. Đặc biệt, nâng cao hiểu biết về năng lượng,cũng là biện pháp thiết thực bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe, mang lại lợi ích cụ thể cho mỗi người dân (Green ID 2015).
Các giải pháp năng lượng bền vững đã được nhiều tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện với những nội dung và giải pháp phù hợp với hoạt động cộng đồng. Đi cùng nội dung kỹ thuật, cơ chế tài chính vận dụng cũng được lựa chọn để biên soạn thành tài liệu hướng dẫn. Thông qua hoạt động tại các cụm dân cư, trong những lớp tập huấn trong tững thôn,xóm; kiến thức về năng lượng, môi trường …đã được chuyển tải đến tận người dân.
Theo chân đoàn cán bộ Hội phụ nữ xã do Chủ tịch Nguyễn Thị Mơ dẫn đầu về sinh hoạt cùng cụm dân cư tại nhà văn hóa xóm 5, tôi rất xúc động và ngộ ra nhiều điều, khi hiểu được suy nghĩ của người dân về kiến thức năng lượng, môi trường và nhất là trao đổi kinh nghiệm sáng tạo trong sản xuất và đời sống thường ngày. Một khi hiểu được bản chất vấn đề và lợi ích đem lại, người dân luôn sẵn sàng hành động để mang lại lợi ích cho chính gia đình mình.
Chỉ bằng những bể sinh khí biogas trong khu chăn nuôi; nhiều gia đình đã đủ nguồn năng lượng khí đốt cho sinh hoạt, nấu chin thức ăn chăn nuôi và điều quan trọng là mọi chất thải hữu cơ bốc mùi, có khả năng ô nhiễm đều được xử lý trong những bể sinh khí Biogas.Từ mô hình giun quế và chăn nuôi gia đình của bà Phạm Thi Hoa, chúng tôi cũng rút ra bài học sâu sắc trước những sáng kiến tưởng chừng đơn giản, nhưng giầu ý nghĩa khoa học trong chuỗi giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại và nhất là gìn giữ được môi trường sống trong, sạch của khu dân cư.
Để nuôi giun quế, bà Hoa đã thu gom phân lợn ủ cùng với chất thải hữu cơ,lá, cỏ, thân cây chuối, rau bèo… làm thức ăn. Giun thu hoạch được chế biến; phối trộn theo tỷ lệ 2 phần giun, 3 cám gạo và 10 bột ngô để tạo thành thức ăn giầu đạm; nuôi gia cầm tăng trọng nhanh hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp và chi phí giảm được trên 50% (100 kg thức ăn mua giá 1.240 nghìn đồng, tự sản xuất chỉ mất 800 nghìn đồng).
Tìm hiểu về mô hình này chúng tôi được biết, ở quy mô gia đình, mỗi năm có thể nuôi được 2-3 lứa gia cầm đan xen giữa các loài gà, ngan, vịt… thả trong các ao, vườn. Với giá bán 110 nghìn đồng/Kg gà hơi. người nuôi có thu nhập thuần trên 50%; tổng giá trị thu nhâp có thể đạt được hàng trăm triệu đồng hàng năm. Điều quan trọng của mô hình là diện tích nuôi giun không lớn; thiết bị chế biến thức ăn đơn giản; chỉ là công cụ phối trộn, đùn thức ăn thành viên. Bằng thiết bị này, bà Hoa đã có đủ thức ăn để nuôi hàng trăm gia cầm trong ngày.
Từ kế hoạch địa phương, các kịch bản với giải pháp năng lương bền vững đã được lựa chọn để ứng dụng trên địa bàn của cả 10 xóm. Theo đó, Ban chỉ đạo đã tập trung vào hỗ trợ xây dựng các hầm tạo khí biogas, dùng bếp đun cải tiến, sử dụng đèn LED tiết kiệm điện, bình nước nóng năng lượng mặt trời; phát triển mô hình nuôi giun quế, xử lý rác thả hữu cơ… Việc sử dung năng lượng bền vững đang được mở rộng; đã có hàng trăm hộ dùng đèn LED tiết kiệm điện, 150 hộ có bếp đun cải tiến; riêng UBND xã đã sử dụng trên 20 bóng đèn LED. Hải Chính đã có hệ thống lọc nước tinh khiết RO công suát 750l/giờ chạy bằng năng lượng mặt trời. Hệ thống này đủ để cung cấp nước uống tinh khiết cho các trường học, trạm y tế và trên 80% dân số trong xã với giá thấp, đủ để bù đắp chi phí lắp đặt, bảo dưỡng và vận hành.
Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình là chuyển biến của người dân về nhận thức ứng dụng các giải pháp xanh, sản xuất bền vững trong xây dựng và thực hiện quy chế thu gom, xử lý chất thải. Thông qua các Hội nghị, hội thảo phát huy tinh thần chủ động đóng góp của người dân, tháng 7 năm 2015, UBND Hải Chính đã ban hành Quy chế tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã.
Xuất phát từ bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và mỗi người dân; mọi tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn xã đều có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện việc phân loại, thu gom rác thải từ đầu nguồn và đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thu gom và xử lý tai khu thiêu đốt. Nhìn nhận về hoạt động này, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tuấn nhận xét “ Tình hình thu gom và xử lý rác thải đã được cải thiện hơn nhiều …Trong đó, công tác tuyên truyền và hướng dẫn đóng vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức của người dân; từ đó họ đã chủ động trong việc phân loại và xử lý rác thải ngay từ đầu nguồn, tại hộ gia đình và các khu vực công cộng …” Việc làm nhạy bén của Hải Chính đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp ban đầu của một vùng ven biển đang đà vận động đi lên.
Thay cho lời kết
Dựa vào sức mạnh cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp với nét riêng ở vùng ven biển khó khăn, người dân Hải Chính đã có nhiều cách làm sáng tạo trong vận dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống. Những mô hình thử nghiệm được hình thành đang có sự lan tỏa thông qua các sinh hoạt cộng đồng ở từng thôn xóm đã tạo thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Đặc biệt, chương trình hành động “Người dân Hải Chính ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững” đã phát huy tác động tích cực của cơ sở vật chất kỹ thuật tạo dựng được trong xây dựng NTM, góp phần đáng kể vào nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống và cảnh quan môi trường địa phương. Tuy nhiên, những hạn chế về an toàn sử dụng khi lượng khí mê tan không sử dụng hết phát thải ra môi trường hoặc khí thải độc hại từ lò thiêu đốt rác ở nhiệt độ thấp, có thể dẫn tới những hiểm họa quả khó lường; rất cần sự vào cuộc, làm rõ của cơ quan chuyên môn và các nhà quản lý để có giải pháp phòng ngừa trước khi phổ cập rộng rãi trong vùng./.
Lê Thành Ý