Trận lũ lụt vừa qua được coi là thảm họa với hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Một sự tê liệt chưa từng xảy ra với ngành ...
Trận lũ lụt vừa qua được coi là thảm họa với hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Một sự tê liệt chưa từng xảy ra với ngành công nghiệp mỏ.
LTS: Những ngày vừa qua, nhiều địa phương như Cao Bằng, Điện Biên, Thanh Hóa, đặc biệt là Quảng Ninh đã gánh chịu đợt lũ lụt nặng nề. Trong một bài viết, nhà báo Ngô Mai Phong (Báo Lao động) cho rằng những tổn thất Quảng Ninh đang gánh chịu, mà điển hình là hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả là hệ quả của một chuỗi sai lầm tích tụ từ hơn hai thập niên trở lại đây. Đó là sự không “cầm cương” được quy hoạch; không kiểm soát được tốc độ đô thị hóa; tàn phá trơ trụi rừng phòng hộ và rừng ngập mặn; các công trình công nghiệp chồng lấn, hủy hoại và thôn tính nhau... gói gọn trong cụm từ: “Tham vọng phát triển nóng”.
Thêm nữa, Quảng Ninh được biết tới là mỏ than lớn nhất nước và tập trung nhiều ngành kinh tế: du lịch, khoáng sản, kinh tế cửa biển… Tác động của trận thiên tai sẽ không dừng lại ở nhà đổ người mất, mà vấn đề môi trường, công nghiệp mỏ… sau lũ là rất lớn. Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh ngập lũ nói chung sẽ đối mặt và rút ra bài học gì sau sự việc này?
Tuần Việt Nam tổ chức tọa đàm với các chuyên gia ngành than, môi trường và hóa học nhằm phân tích tình hình và đưa ra các khuyến nghị: TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia kinh tế- kỹ thuật mỏ, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Vinacomin; TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công thương; ông Đỗ Thanh Bái, chuyên gia an toàn hóa chất và môi trường, giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa học Công nghiệp).
Tê liệt chưa từng xảy ra
Nhà báo Hoàng Hường: Thưa ông Lâm, trong tầm nhìn ngắn hạn, ông có thể đánh giá sơ bộ những thiệt hại mà trận lũ lụt vừa rồi gây ra cho Quảng Ninh và ngành công nghiệp mỏ?
Ông Ngô Đức Lâm: Trận lũ lụt vừa qua được coi là thảm họa với hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Về thiệt hại thì UBND tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn mỏ VN sẽ có đánh giá chi tiết. Số lượng ban đầu như tôi biết, riêng ở tỉnh này có 17 người chết, trong đó 13 người chết do bị vùi lấp, 8 vạn công nhân mỏ phải đình chỉ, và khoảng 3 vạn công nhân sẽ có khả năng không có việc làm. Một sự tê liệt chưa từng xảy ra với ngành công nghiệp mỏ. Còn có những đánh giá về lâu dài cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu.
Hoàng Hường: Thưa ông Chỉnh, như ông Lâm vừa nói đây là một sự việc chưa từng xảy ra cho ngành công nghiệp mỏ. Ông có thể nói sơ qua về tình trạng khai thác ở Quảng Ninh và ngành than nói chung?
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Sản lượng than khai thác ở Quảng Ninh chiếm trên 90% sản lượng than VN. Khai thác lộ thiên hiện có 5 mỏ lộ thiên lớn có công suất trên 2 triệu tấn, là các mỏ Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Hà Tu, Núi Béo, 15 mỏ lộ thiên trung bình có công suất 100 đến 700 ngàn tấn/năm và có một số lộ vỉa công suất dưới 100 ngàn tấn/năm. Khai thác hầm lò có khoảng 30 mỏ, trong đó có 9 mỏ có công suất trên một triệu tấn/năm.
Sản lượng khai thác trong năm 2014 khoảng 44 triệu tấn than nguyên khai, tương đương 39 triệu tấn than thương phẩm, tiêu thụ khoảng 39 triệu tấn, trong đó chủ yếu là tiêu thụ trong nước 33 triệu tấn, xuất khẩu năm 2014 chỉ 6 triệu tấn.
Công nghệ khai thác than có hai phương pháp chủ yếu: lộ thiên và hầm lò. Trong khai thác hầm lò hiện nay ở độ sâu âm 350m. Khai thác hầm lò trước kia chủ yếu chống bằng gỗ. Trong 10 năm gần trở lại đây ngành than chuyển sang cột chống thủy lực, giá thủy lực di động, giá khung thủy lực và một số lò chợ đã áp dụng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ với dàn chống và combai khai thác than.
Tuy năng suất lò cơ giới hóa đồng bộ chưa đạt như mong muốn, nhưng đối với các lò chợ giá khung thủy lực đã nâng được công suất lò chợ và công suất mỏ. Trước kia công suất lò chợ chỉ có 4 -5 vạn tấn/năm, đến nay đã đạt 20 vạn tấn/năm. Năng suất của người lao động đạt từ 5 đến 8 tấn/công. Điều kiện lao động được cải thiện và đảm bảo an toàn.
Các khách mời trong buổi tọa đàm (từ phải sang): ông Nguyễn Tiến Chỉnh, ông Ngô Đức Lâm, ông Đỗ Thanh Bái và nhà báo Hoàng Hường
Về khai thác than lộ thiên, muốn khai thác than phải phải bóc lớp đất đá, hiện nay hệ số bóc là 10 m3/tấn than. Có nghĩa là để lấy được một tấn than nguyên khai ta phải bóc 10m khối đất đá nguyên khối đưa ra khỏi mỏ. Để bóc đất đá theo quy trình công nghệ phải khoan nổ mìn, xúc bốc và vận chuyển đất đá ra bãi thải.
Công nghệ khai thác lộ thiên hiện nay được trang bị cơ giới hóa cao với máy khoan thủy lực đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3, ô tô trọng tải 95 tấn. Hiện nay đổ thải đất đá chủ yếu là dùng bãi thải ngoài. Đây là vấn đề nóng hiện nay.
Tỉ trọng sản lượng lộ thiên khoảng 48%. Với sản lượng hiện khoảng 20 triệu tấn than nguyên khai/năm, phải bóc vận chuyển, đổ thải 200 triệu mét khối đất đá nguyên khối/năm và diện tích bãi thải để chứa đất đá là rất lớn.
Hoàng Hường:Đấy có phải là một trong những nguyên nhân chính trong thảm hoạ vừa qua, người dân Quảng Ninh không chỉ chịu lũ lụt mà còn bị đất đá và bùn than ụp xuống. Có phải từ những bãi thải đó không?
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Quy trình sản xuất than lộ thiên phải có thiết kế bãi thải. Độ cao ở mức cho phép là +300. Nguyên tắc thiết kế bãi thải an toàn là phân tầng, có đê kè chắn và rãnh thoát nước.
Tuy nhiên trận lũ vừa qua vượt quá tầm tính toán thiết kế và dự báo. Nguyên tắc là trong thiết kế đã tính đến lượng mưa hàng năm khoảng 300, 400mm, nhưng đợt mưa vừa rồi phải 500 đến 800 thậm chí trên 1000mm. Những thiên tai như vậy không lường được hết.
"Rất nhiều nguy cơ"
Hoàng Hường: Khi nhắc đến công nghiệp mỏ, người ta cũng nói nhiều tới vấn đề ô nhiễm, đặc biệt lũ lụt sẽ cuốn theo những hóa chất công nghiệp. Nó tác động thế nào tới môi trường và sức khỏe con người?
Ông Đỗ Thanh Bái: Công nghệ khai thác mỏ nói chung, và khai thác than nói riêng là một trong những nguồn gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ, có thể coi là một thảm họa tác động lâu dài đối với môi trường và sức khỏe.
So với khai thác lộ thiên, khai thác hầm lò có thể có tác động ít hơn, nhưng thực ra cũng tạo tác động khác, thí dụ như sụt lún, phát thải khí metan. Ở Việt Nam đã từng xẩy ra các sự cố liên quan đến sụt lún hầm lò khai thác hay nổ do khí metan. Ngoài ra khí metan khi bị thải vào môi trường cũng là tác nhân gây biến đổi khí hậu, vì metan là loại khí nhà kính có tiềm năng cao hơn nhiều so với khí CO2.
Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở Quảng Ninh chính là khai thác lộ thiên, tạo ra những vấn đề lớn về môi trường và sức khỏe, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ nhất, khai thác lộ thiên làm biến đổi địa mạo. Điều này rất quan trọng với Quảng Ninh vì liên quan nhiều đến cảnh quan của vùng đất du lịch. Đồng thời, sự thay đổi này cũng gây ra những xung đột cho những mục tiêu phát triển khác. Ở Quảng Ninh là thủy sản, phát triển đô thị, đặc biệt là du lịch.
Thứ hai, vấn đề ô nhiễm: khai thác lộ thiên gây ra ô nhiễm không khí, tạo ra tiếng nổ, tiếng ồn, khói bụi. Nhưng đáng lưu tâm nhất là ô nhiễm nguồn nước và những chất thải rắn. Mỏ than thường chứa một lượng lưu huỳnh, khi đó cũng như một số các mỏ chứa sulfua khác chính là nguồn gốc tạo ra nước thải mỏ axit. Vì lưu huỳnh hoặc sulfua có trong than do bị phong hóa sẽ chuyển từ dạng sulfur sang dạng sulfit hay sulfat và làm cho nước thải mang tính axit. Nước thải mỏ thông thường có pH axit làm cho kim loại nói chung, đặc biệt kim loại nặng nằm ở trong mỏ hay lòng đất sẽ bị hòa tan và theo nước mỏ chảy vào môi trường, gây nhiễm kim loại đối với đất và nước.
Bình thường sự ô nhiễm này có thể là nhẹ do nằm dưới ngưỡng chịu tải của môi trường. Tuy nhiên khi gặp thảm họa như vừa rồi thì lượng nước thải chứa axit này rất lớn và thải ra trong thời gian rất nhanh, dẫn đến hậu quả là làm kim loại nặng từ những bãi thải và ngay trong than đã bị rửa trôi ra môi trường với một lượng rất lớn và rất nhanh.
Nguy hiểm ở chỗ chúng ta không chuẩn bị trước cho những điều này. Trong các mỏ than, thông thường các kim loại nặng thường có là thủy ngân (Hg), As, chì, cadmi, kẽm, Mg… và nhiều kim loại khác nữa, trong đó nhiều kim loại tác động xấu đến sức khỏe của người dân và đặc biệt môi trường nước biển. Tuy nhiên, mức độ có thể khác nhau, phụ thuộc vào các hàm lượng kim loại nặng ở trong khu mỏ.
Thứ ba, rủi ro như anh Chỉnh đã nói là hệ số bóc đất đào thải lớn. Một lượng đất đá thải và một lượng than trong quá trình sơ chế hoặc lưu trữ ở một khu vực cao nhất định so với môi trường bên ngoài có thể đổ ập xuống nếu quá trình thiết kế không đủ độ an toàn. Điều đấy đã xảy ra ở Quảng Ninh. Một khối lượng lớn đất đá, bùn ập xuống sẽ dẫn đến hậu quả là nhiều diện tích đất nông nghiệp, thủy sản và khu dân cư, và đặc biệt là môi trường biển sẽ bị tác động lớn.
Nước thải, bùn thải do sự cố vừa qua xâm nhập vào môi trường nước có hàm lượng chất rắn lơ lửng rất cao. Trong đó có nhiều hạt rất mịn dẫn đến các tác động nghiêm trọng đến chất lượng nước cho sinh hoạt cũng như cho thủy sinh, kể cả môi trường nước biển và nước cho nuôi trồng thủy sản.
Thứ tư, khi hoạt động khai thác mỏ nói chung và than nói riêng trên một địa bàn có nhiều hoạt động sẽ là mối tiềm ẩn các nguy cơ xung đột từ các nhóm lợi ích khác nhau. Tôi tâm đắc với ý kiến của nhà báo Ngô Mai Phong: quy hoạch đang thiếu một tầm nhìn tổng thể.
Trích dẫn tại: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/255459/-the-gioi-ngam--quang-ninh-bi-tac-dong-manh-vi-lu.html