Sông Mê Kông đang bị các nước thượng nguồn thi nhau xẻ thịt, nhưng theo các chuyên gia, VN dường như chưa quan tâm đúng mức tới những hiểm họa ...
Sông Mê Kông đang bị các nước thượng nguồn thi nhau xẻ thịt, nhưng theo các chuyên gia, VN dường như chưa quan tâm đúng mức tới những hiểm họa không thể lường hết - đặc biệt là khả năng tan rã ĐBSCL.
Lào vừa chính thức tổ chức khởi công dự án thủy điện Don Sahong và chuẩn bị khởi công tiếp dự án Pak Beng vào năm sau. Trong khi đó, Thái Lan cũng chuẩn bị một “siêu” dự án chuyển nước 4 tỉ m3 khỏi dòng Mê Kông.
Domino thủy điện đã đổ
Ngày 16.8, Lào tổ chức khởi công dự án thủy điện Don Sahong. Các cơ quan báo chí không được mời tham dự sự kiện này, duy chỉ có Thông tấn xã Lào đưa tin. Đây là dự án thủy điện thứ 2 Lào chính thức khởi công trên dòng chính sông Mê Kông sau dự án Xayaburi (7.11.2012). Cũng theo Thông tấn xã Lào, vào đầu mùa khô năm 2017, Lào sẽ tiếp tục khởi công dự án thủy điện Pak Beng.
Còn nhớ năm 2012, Lào khởi công dự án thủy điện Xayaburi trong sự phản ứng gay gắt của dư luận các nước trong khu vực vì việc này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho cả chuỗi 11 dự án trên dòng chính sông Mê Kông. Dự án Don Sahong cũng được khởi công trong sự phản đối mạnh mẽ từ giới khoa học đến người dân các nước. Lễ khởi công dự án Don Sahong vừa rồi chỉ là hành động mang tính hình thức là chính hay nói đúng hơn là khởi công hạng mục chính - nhà máy thủy điện. Nhưng từ tháng 10.2015, nước này đã tiến hành nhiều hạng mục phụ, các công việc chuẩn bị cho việc xây dựng đập Don Sahong. Các tổ chức môi trường, báo chí và chuyên gia quốc tế cho rằng đến thời điểm này dự án đã được hoàn thành gần 10%.
Tháng 12.2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trung tâm sáng tạo Xanh (GreenID) và Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) tổ chức tại An Giang, có sự tham dự của người dân nhiều tỉnh thành trong khu vực để “Tham vấn cộng đồng về dự án thủy điện Don Sahong”. Những người dân được mời tham dự đều phản đối dự án này. TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ cho rằng: ĐBSCL cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì các đập thủy điện làm phù sa và thủy sản sụt giảm nghiêm trọng. Nó sẽ là đòn đánh chí mạng vào sinh kế và cuộc sống của người dân.
Là người theo dõi sát diễn biến của các dự án thủy điện trên dòng chính Mê Kông, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói: Việc Lào khởi công dự án Don Sahong là một kịch bản đã được biết trước nhưng vẫn thấy rất buồn và lấy làm tiếc. Với công suất nhỏ, 260 MW, lợi ích điện năng từ đập này rất nhỏ nhưng tác hại rất lớn. Đập Don Sahong nằm ở vị trí nút thắt cổ chai của sông Mê Kông cho nên đập này sẽ cắt đứt đường di cư lên xuống của cá, đặc biệt là các loài quý hiếm như cá heo nước ngọt Irawaddy hay có giá trị kinh tế cao như cá ba sa… Don Sahong nằm ở vùng thác Khone, cách trên biên giới Lào - Campuchia khoảng 2 km. Vùng này có một vết đứt gãy địa chất bề ngang khoảng 9 km, về phía hạ lưu của vết đứt gãy, địa hình thấp xuống khoảng hơn 10 m, tạo nên các ghềnh thác, địa hình phức tạp. Các thác Khone gồm một số dòng lớn, nhỏ phân tách bởi đảo, đá, mảng thực vật ngập theo mùa tạo thành hệ sinh thái rất phức tạp, giàu tài nguyên thủy sản. Dòng sông Mê Kông chia làm 17 phân lưu, trong đó chỉ có dòng Hou Sahong là dòng duy nhất cá có thể di chuyển ngược lên phía trên vào mùa khô.
Hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
“Vì vậy dòng Hou Sahong có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc duy trì tính bền vững của thủy sản di cư trên toàn vùng hạ lưu vực Mê Kông. Đập này sẽ vĩnh viễn hủy hoại nguồn thủy sản tại địa phương và khu vực Mê Kông và dẫn đến sự tuyệt chủng của loài cá heo sông Mê Kông và nhiều loài khác”, ông Thiện nhận xét.
Không chỉ có các đập thủy điện, trò domino thủy điện này còn tác động ngược lên phía thượng nguồn. Cụ thể là Thái Lan đang chuẩn bị triển khai một siêu dự án chuyển nước Kong-Loei-Chi-Mun. Dự án này sẽ chuyển khỏi dòng Mê Kông 4 tỉ m3 nước mỗi năm. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu lên đến 75 tỉ USD và thời gian thực hiện dự kiến là 17 năm
.
Tan nát ĐBSCL
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (ĐH Cần Thơ), lo ngại: Việc Lào khởi công dự án thủy điện Don Sahong đã được lên kế hoạch từ trước nhưng việc này cũng cho thấy cơ chế hợp tác, thông tin lỏng lẻo giữa các nước thành viên trong Ủy hội Sông Mê Kông. Đối với VN, vai trò của Ủy ban Sông Mê Kông VN quá mờ nhạt. Đập thủy điện Don Sahong nằm trên dòng Hou Sahong, về mặt địa lý nó là dòng nhánh của sông Mê Kông nhưng về bản chất nó rất quan trọng về mặt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Nếu con đập này được xây dựng, nó sẽ cắt đứt đường di cư của cá. Nhiều loại cá sẽ bị diệt vong vì thủy điện Don Sahong. Biển Hồ (Tonlé Sap) Campuchia sẽ không còn là “trạm” dừng chân và sinh sản của cá. Vậy nên người dân Campuchia rất tức giận về hành động này. Biển Hồ không còn cá thì nguồn lợi thủy sản tự nhiên của ĐBSCL cũng không còn. Đó chính là lý do tại sao giới khoa học quốc tế xếp Don Sahong vào nhóm dự án thủy điện trên dòng chính.
Cũng theo TS Tuấn, Lào đã xây dựng 2 đập thủy điện hết sức quan trọng trên dòng chính sông Mê Kông, đó là Xayaburi và Don Sahong. Xayaburi ở phía thượng nguồn, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn phù sa về với hạ du. “Nên biết rằng phù sa ở thượng nguồn là phù sa với kích cỡ to có khả năng bồi đắp cho vùng hạ du rất lớn. Còn Don Sahong đóng vai trò quan trọng về nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Đây chính là 2 vấn đề cốt lõi của dòng Mê Kông”, TS Tuấn nói.
Tác động từ các đập thủy điện ở Trung Quốc đến ĐBSCL đã được chứng minh bằng số liệu cụ thể. Tuy nhiên các con đập này ở xa VN - ĐBSCL nên tác động đến vùng đồng bằng đã giảm đi đáng kể. Nhưng với những con đập trên dòng chính sông Mê Kông (ở Lào) thì ở gần VN nên tác động của nó đến VN là rất lớn. TS Dương Văn Ni nhấn mạnh: “Nguy cơ tan rã ĐBSCL, ảnh hưởng đến sinh kế người dân là sự thật chứ không phải là những tính toán, phỏng đoán và nguy cơ đó đang ở rất gần chúng ta”.
Theo Thanhnien.Vn