Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Thủy lộ xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng: góc nhìn từ nghiên cứu, tư vấn và quản lý (kỳ 2)

  |   Viết bởi : Lê Thành Ý.

Trước đề xuất của công ty Xuân Thiện về một đề án mang tầm quốc gia và khu vực, hàm chứa  nguy cơ hủy diệt môi trường trên sông Hồng; ...

Trước đề xuất của công ty Xuân Thiện về một đề án mang tầm quốc gia và khu vực, hàm chứa  nguy cơ hủy diệt môi trường trên sông Hồng; các nhà nghiên cứu, giới quản lý và hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy khôn lường.
Dựa vào kinh nghiệm phản biện nhiều dự án ngăn dòng chảy trên các hệ thống sông ngòi Việt Nam và trong khu vực Mê Công, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) khẳng định quan điểm nhất quán không ủng hộ dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng (GTTXA) và đề nghị Chính phủ loại bỏ hẳn dự án này vì các lý do:

Trước hết là  hiệu quả điện năng mang lại quá nhỏ (228 MW), đóng góp chưa đến 1% vào tổng điện năng quốc gia; trong khi lại có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi làm thủy điện bậc thang không nằm trong Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) (Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013) và Qui hoạch điện VII (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/03/2016).

Hai là việc xây đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông phục vụ giao thông sẽ ảnh hưởng bất lợi tới lưu lượng dòng chảy; gây sạt lở bờ sông, chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và đặc biệt,là những hệ lụy đối với hệ thống thủy lợi  phục vụ nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở 8 tỉnh thuộc ĐBSH.
Thứ ba, thượng nguồn sông Hồng là sông Thao và sông Lô-Gâm, nơi cá đẻ và duy trì nguồn gen thủy sinh. Nếu nạo vét làm âu thuyền hoặc ngăn đập trên dòng chảy sẽ chặn đường di cư của cá và các loài thủy sinh vào mùa sinh sản. VRN cũng đã chỉ ra, đáy sông Hồng đã bị lún sâu 1m; do đáy sông tạo nên hệ sinh thái trên cạn và  quyết định mực nước ngầm; đáy sông càng tụt sâu càng nguy hiểm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở dưới nước mà còn ảnh hưởng cả trên cạn.Đáy sông tụt xuống đồng nghĩa với mực nước ngầm giảm, kéo theo toàn bộ thảm thực vật trên cạn bị ảnh hưởng theo..
Thứ tư, thực hiện dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương tại vùng ĐBSH và quốc gia láng giềng. Dễ dàng nhận thấy, tuyến GTTXA trên sông Hồng sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc bán được hàng hóa tới các nước trong tiểu vùng Mê Công, các quốc gia châu Phi thông qua Biển Đông, vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương, đồng thời, chở nguyên liệu thô từ châu Phi về các tỉnh miền núi phía Nam với thời gian ngắn nhất và chi phí rẻ nhất. Rõ ràng là, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này.
Thứ năm, giao quyền sở hữu dòng sông cho một công ty tư nhân quản lý theo hình thức BOO là việc chưa có tiền lệ. Phương thức quản lý theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) hoặc xây dựng- sở hữu -vận hành (BOO) là cách làm phổ biến ở nhiều nước đối với đường bộ, vì đường bộ chỉ phục vụ chức năng giao thông. Khác với đường bộ, hệ thống sông ngòi còn có chức năng đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, thoát lũ, duy trì và cân bằng hệ sinh thái. Trên thế giới hiện chưa có nước nào giao quyền sở hữu dòng sông, vốn thuộc quyền sở hữu toàn dân cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác và quản lý. Luật Doanh nghiệp nước ta cho phép chủ doanh nghiệp được quyền bán tài sản hoặc nhượng quyền sở hữu, quyền khai thác cho đối tác hay một liên doanh nào đó( kể cả người nước ngoài); nếu giao quyền này cho doanh nghiệp có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Từ các lý do về hiệu quả điện năng, ảnh hưởng sinh kế của hàng triệu người dân tại ĐBSH, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, các ngành nghề và hệ lụy phát sinh khi giao quyền khai thác, sở hữu dòng sông cho doanh nghiệp tư nhân VRN đã kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn
kém không cần thiết (VRN 2016).
Đề xuất xây dựng một dự án lớnvề giao thông thủy kết hợp cùng thủy điện trên sông Hồng với nhiều vấn đề nhạy cảm  cả về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội đã dấy lên mối quan ngại trong cộng đồng. Đồng tình với những khuyến nghị của mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhiều nhà nghiên cứu, tổ chức tư vấn và các nhà quản lý đã có những tiếng nói từ nhiều góc độ khác nhau

Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & phát triển xanh(GreenID) Ngụy Thị Khanh bày tỏ, ngăn sông, đắp đập chắc chắn là điều không ai ủng hộ vì nó sẽ làm thay đổi cảnh quan, dòng chảy, môi trường sinh thái tự nhiên. Những hệ lụy làm thay đổi dòng chảy đã được cuộc sống chứng minh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu khắp các nước trên thế giới. Khó đánh giá được mức độ tác động khi chưa có tài liệu chi tiết của dự án; song chỉ với thông tin về cách tính giá điện và những ưu đãi về thuế, phí cũng đủ khiến công luận không khỏi băn khoăn và hoài nghi về đóng góp cho kinh tế và xã hội  của dự án này.

Từ nhìn nhận của một tổ chức nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển xanh,Bà Khanh lưu ý”Chúng ta cần trân trọng và giữ gìn nguồn tài sản tự nhiên quý giá vốn còn rất ít ỏi cho hôm nay và mai sau. Hiện chúng ta không thiếu điện tới mức phải biến sông Hồng thành hồ.Hơn nữa,  nếu có xảy ra rủi ro, sự cố trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường thì người dân và xã hộiphải gánh chịu không chỉ đời này, mà còn rất lâu sau này” (Hoàng Hường 2016).
Nguyên phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam,TS Đào Trọng Tứ, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và thích nghi Biến đổi khí hậu cho rằng;  Đề án của Công ty TNHH Xuân Thiện không thể và không hề mang tính đột phá cho kinh tế xã hội của đất nước;thậm chí đề xuất "lạ lùng" này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường-sinh thái của vùng đồng bằng rộng lớn phía Bắc nước ta, Theo ông,; với 6 đập chắn ngang một con sông lớn mà chỉ để tạo ra một số nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 288 MW (chỉ bằng 0,76% tổng công suất của mạng lưới điện Việt Nam ),và thuyền bè qua lại phải vượt qua 6 vũ môn bằng các âu thuyền quả là những  điều quá phi lý. Liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước các sông rạch được quy định trong Luật về Tài nguyên Nước ban hành năm 2012, ông nhấn mạnh , phải rất thận trọng với những dự án như của công ty Xuân Thiện (Hoàng Hường 2016).
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu và  quản lý tài nguyên, chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, thủy điện gây thảm họa địa chất, kích thích động đất, phân bổ lại vật chất trên bề mặt đất. Theo ông ,tuyến giao thông thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng sẽ làm đảo lộn cuộc sống; ảnh hưởng rất lớn đến môi trường miền Bắc Việt Nam (Ngọc Linh 2016).
Từ đặc điểm điểm sông Hồng với điều kiện địa lý khác biệt, bị đứt gãy thành hai nửa Đông Bắc và Tây Bắc khác nhau cả về tự nhiên và kinh tế xã hội; GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc đắp 6 đập thủy điện trên sông sẽ làm thay đổi phân bố kết cấu mặt đất gắn với sông Hồng. Mối lo ngại này đã được thực tế chứng minh, khi trên thế giới nhiều nước xây dựng đập thủy điện lớn đã gây động đất với nhiều hậu quả nghiêm trọng.Việc xây dựng 6 bậc thủy điện trên sông Hồng có thể làm thay đổi dòng chảy, gây thiên tai ngập lụt, hạn hán, tác động xấu đến hệ sinh thái. Từ  quan điểm riêng  của mình GS. nhận định, tác động xã hội của dự án này sẽ cực kỳ lớn, nhất là đối với việc  tái định cư cho cộng đồng cư dân sinh sống nhờ vào dòng sông. (Nguyễn Trang 2016)

Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam Vũ Trọng Hồng, cho rằng: Mục đích đề xuất của công ty Xuân Thiện có thể là nhằm vào khai thác khoáng sản, cát sỏi trên sông Hồng. Dễ dàng nhận thấy, muốn thực hiện dự án phải nạo vét một đoạn sông từ Việt Trì lên Lào Cai dài 288 km và như vậy, nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác cát và khoáng sản khác dưới lòng sông. Hơn thế nữa, để đảm bảo tính khả thi của dự án, chủ đầu tư đề xuất dược hỗ trợ giá bán điện để bù vào phí vận tải thủy và chi phí quản lý. Theo đó, trong 5 năm đầu, điện được bán với giá 1.900 đồng/kwh; 5 năm sau 2.380 đồng/kwh; sau đó tăng lên từ 2.970 đến 3.560 đồng/kwh. Nếu tính đầy đủ các khoản từ thu phí luồng tuyến giao thông, bến cảng, tận thu khoáng sản DN sẽ có lợi nhuận khổng lồ và theo ông, dự án này cần được “khai tử” vĩnh viễn (Ngọc Linh 2016).
Từ thực tế nông nghiệp nông thôn ĐBSH, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão Bộ Nông  nghiệp và Phát triển Nông thôn(NPTNT) Tăng Quốc Chính tỏ ra khá lo ngại khi trao đổi về dự án này. Ông nhận xét, về mùa lũ chắc chắn mực nước sẽ tăng lên tràn qua đê, làm thay đổi mực nước thiết kế. Theo ông, đoạn sông dự án thực hiện liên quan tới toàn sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình cùng vô vàn nhánh sông nhỏ kéo ra tận biển. Khi nhánh này cạn kiệt thì các nhánh khác cũng chung số phận; hạn hán có nguy cơ hiển hiện ở cả 11 tỉnh thành thuộc châu thổ sông Hồng, Thực hiện dự án, lượng nước trên sông Hồng bị chặn dòng sẽ khó đáp ứng được nhu cầu cho nông nghiệp. Muốn đáp ứng nhu cầu dự án, mực nước hạ lưu bị tụt sâu thêm từ 1- 2m ; nước mặn xâm nhập sâu hơn vào trong đất liền hoàn toàn có thể xảy ra.

Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) Trịnh Lê Nguyên cho rằng:, Việc doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất các dự án phát triển là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đối với các dự án có quy mô, mức độ ảnh hưởng lớn như đại dự án này, cần được xem xét dưới góc độ chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các tác động tiềm tàng trước mắt và lâu dài.

Từ  xa xưa sông Hồng đã  là  một “hệ sinh thái tự nhiên”; đó là nguồn sống của  dân cư khu vực. Để công chúng và các tổ chức xã hội có thể tham gia đóng góp, nhất thiết phải tạo điều kiện tiếp cận thông tin và đảm bảo tính minh bạch của dự án. Thông tin về đề xuất dự án, ý kiến tham mưu, thẩm định của các cơ quan chính phủ đối với dự án cần được công khai để người dân và các tổ chức xã hội có cơ sở giám sát việc thực hiện của các cơ quan công quyền. Thông tin công khai sẽ giải pháp giúp các tổ chức xã hội có thể giám sát và phản biện dự án phát triển một cách kịp thời.(Hoàng  Anh Minh 2016).

Theo góc nhìn chuyên gia môi trường và xã hộ học, TS. Phạm Quang Tú,nguyên là Viện trưởng, Viện Tư vấn phát triển (CODE) nhận xét: Sông Hồng chảy vào Việt Nam từ Lào Cai qua Yên Bái và tạo nên vùng đồng bằng lớn thứ hai cả nước. Châu thổ gồm  9 tỉnh (từ Vĩnh Phúc đến Thái Bình) với tổng diện tích 15.000km² và dân số trên 20 triệu người; Sinh kế của cư dân trong vùng phụ thuộc vào nông nghiệp lúa nước, hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Cho dù dự án triển khai trên sông đoạn sông từ Lào Cai đến Việt Trì, nhưng sẽ tác động, ảnh hưởng đến hầu hết vùng hạ lưu,một vùng dân sinh rất rộng lớn.

 Chủ đầu tư  đã đưa ra một đánh giá khá chung chung, chủ yếu nêu lên hiệu quả kinh tế -xã hội tích mà chưa nhận diện được những  ảnh hưởng tiêu cực hoặc là còn bị che khuất trong cách giải trình. Từ nội dung đầy tham vọng về thủy lộ và thủy điện trên dòng chảy sông Hồng, các nhà phân tích đã bày tổ mối quan ngại khi xem xét về những tác động cụ thể đối với kinh tế- xã hội và môi trường.

Trước hết đó là ảnh hưởng của việc xây dựng đập ngăn sông đến lưu lượng dòng chảy trong từng mùa; qua đó, ảnh hưởng đến việc xâm nhập mặn trong mùa tích nước đối với cả vùng châu thổ và nhất là sinh kế của người dân nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp ở vùng ven biển .
Thứ hai, sông Hồng mang biểu tượng của dòng chảy với một lượng phù sa rất lớn; đây là tài sản rất quý đối với sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng các con đập ngăn dònglàm mất phù sa,sẽ hạn chế đến độ màu mỡ của cả vùng đồng bằng rộng lớn.

Quá trình nạo vét dòng sông là cơ hội để khai thác một lượng lớn khoáng sản làm vật liệu xây dựng  Việc quản lý, sử dụng đối với lượng khoáng sản được khai thác này sẽ được thực hiện ra sao? Cũng là tồn tại không nhỏ của dự án này
Về hiệu quả kinh tế thủy điện mang lại, với độ chênh cột nước không lớn,khó có thể kỳ vọng về khả năng sản xuất điện lớn của dự án này.
Gần đây. Công luận đã có những đánh giá và phản đối việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong do những hệ lụy đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, nếu thực hiện dự án GTTXA, rất có thể chúng ta sẽ tự dẫm lên chân mình đối với sông Hồng và vùng châu thổ sông Hồng.(Hoàng Đình Minh 2016)

Thay lời kết luận

Xu thế bùng nổ thủy điện ở Việt Nam trong thập niên 1990 và những năm đầu thiên niên kỷ dẫn đến hậu quả nặng nề về môi trường sinh thái và sinh kế của người dân, khiến Quốc hội phải vào cuộc, có nhiều kiểm tra, giám sát và năm 2013 đã ra Nghị quyết dừng xây dựng,để đưa vào quy hoạch trên 400 công trình thủy điện lớn, nhỏ.Ý tưởng xây đập tạo tuyến giao thông thủy xuyến Á và làm thủy điên trên dòng sông Hồng huyết mạch, được các nhà phân tích cho là  đi ngược lại nghị quyết Quốc hội đã ban hành.
Từ thực tiễn nước ta và những bài học đắt giá của cấc quốc gia khi đánh đổi tài nguyên, môi trường để chặn các dòng sông lớn, hy vọng các tổ chức có thẩm quyền cần sớm đánh giá tác động môi trường chiến lược một cách nghiêm túc, thông báo công khai và thực sự lắng nghe ý kiến người dân trước khi quyết định xét duyệt dự án tham vọng này.

Lê Thành Ý.