Mùa đông đến, khói bụi, đặc biệt là bụi siêu mịn độc hại xuyên biên giới từ Phương Bắc, đang trở thành mối đe dọa cho Việt Nam. Bụi “siêu mịn”, ...
Mùa đông đến, khói bụi, đặc biệt là bụi siêu mịn độc hại xuyên biên giới từ Phương Bắc, đang trở thành mối đe dọa cho Việt Nam.
Bụi “siêu mịn”, kích thước càng nhỏ càng nguy hiểm
Người ta phân chia bụi trong không khí thành các loại khác nhau theo kích thước hay đường kính từng loại hạt bụi: bụi thông thường là “bụi thô” tức bụi hạt to, rồi đến “bụi mịn” và bụi “siêu mịn”.
Cụ thể, loại bụi có đường kính của mỗi hạt bụi từ 10μm (micron) trở xuống được ký hiệu là bụi PM10 được xem như loại bụi mịn hay rất mịn. Còn loại bụi có đường kính của mỗi hạt cỡ 2,5 μm trở xuống với ký hiệu PM2,5 hay, nói chung, kích thước tính bằng đơn vị μm đều được xem là loại bụi siêu mịn. Bầu không khí dày vài chục mét tính từ mặt đất tràn ngập cơn bụi siêu mịn sẽ tạo ra hình ảnh mịt mù như những cơn mưa phùn nhẹ phơn phớt bao phủ bầu trời.
Sống trên một “cường quốc” số 1 ô nhiễm bụi, các nhà khoa học Trung Quốc thuộc Khoa Y tế Công cộng Trường Đại học Phục Đán (Thượng Hải) đã tiến hành nghiên cứu sự tác hại của các loại bụi mịn và siêu mịn. Trên Tạp chí Environmental Health Perspectives họ đã công bố các kết quả nghiên cứu trong hai năm tại một thành phố loại vừa ở miền Nam Trung Quốc.
Các kết quả nghiên cứu 23 loại bụi với kích thước gây ô nhiễm không khí khác nhau (từ 0,25 micron đến 10 micron) cho thấy: kích thước các hạt bụi càng nhỏ thì khả năng gây bệnh càng lớn, đặc biệt là các hạt siêu bụi. Tất nhiên, nồng độ bụi trong không khí càng lớn, số người mắc bệnh cũng càng nhiều. Và số liệu khảo sát đã chứng tỏ rằng thành phần loại siêu bụi nhỏ với đường kính 0,25 - 0,5 micron chiếm đến khoảng 90% tổng số vật chất có trong không khí được nghiên cứu.
Hình ảnh tiêu biểu một khu vực ô nhiễm bụi và các nhà máy phát thải bụi độc hại ở Trung Quốc.
Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cùng với những loại chất ô nhiễm khác, các hạt siêu bụi trong không khí có thể xâm nhập vào hệ hô hấp hệ tuần hoàn máu, góp phần gây ra một loạt bệnh, chủ yếu bệnh phổi và bệnh tim mạch. Đặc biệt là các bụi nhỏ mịn có đường kính từ 0,25 đến 0,5 micron.
Một kết luận mới mẻ nữa của nhóm nghiên cứu ĐH Phúc Đán: Kích thước hạt bụi càng nhỏ thì nồng độ trong một thể tích không khí càng cao và do đó số hạt bụi thâm nhập được vào mô bên trong cơ thể càng nhiều. Do vậy, ngoài tác dụng gây ra các bệnh hô hấp và tim mạch, các loại bụi siêu mịn nồng độ cao, thậm chí, còn gây ra bệnh thần kinh và phổ biến là gây ra “bệnh lo lắng” ở nhiều người.
Việt Nam chịu ảnh hưởng 'mưa bụi' nặng nề từ phương Bắc
Cùng với sự tồn tại các nhà máy điện than và các nguồn phát thải ô nhiễm khác trên các miền đất nước, bản thân Việt Nam cũng thỉnh thoảng chứng kiến những cơn “mưa bụi” mịt mù với mức độ không quá “khủng” ở một số thành phố. Và Chính phủ Việt Nam đang có những chiến lược phát triển những nguồn điện năng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân…) và thay thế dần.
Nhưng tình hình đáng nói và điều đáng lo ngại ở đây là mối đe dọa của các nguồn “mưa bụi” nhiễm bẩn xuyên biên giới, đặc biệt là biên giới phía bắc vì VN đang sống cận kề một cường quốc thuộc hành đầu thế giới về ô nhiễm không khí.
Quả vậy, theo PV của VOV tại Trung Quốc, ngay ngày đầu tiên của tháng 12/2015 này, thủ đô Bấc Kinh đã bị khói bụi bao trùm khắp thành phố. Theo Cục bảo vệ môi trường thành phố Bắc Kinh, đây là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, diễn biến nhanh nhất trong năm nay, với mức độ ô nhiễm tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 12 tiếng.
Tất cả các trường học phải dừng các hoạt động ngoài trời, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhiều tuyến đường cao tốc phải đóng cửa, nhiều chuyến bay đã bị huỷ bỏ hoặc bị hoãn. Tại các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, khu tự trị Nội Mông, thành phố Thượng Hải, tỉnh Giang Tô… nhiều tuyến đường nội tỉnh đã phải đóng cửa do tầm nhìn quá mờ, không đảm bảo an toàn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng 350.000 đến 500.000 người chết sớm do sinh sống trong bầu không khí độc hại.
Đợt ô nhiễm nghiêm trọng lần này diễn ra đúng vào lúc Hội nghị thượng định Biến đổi khí hậu COP21 đang diễn ra ở Paris. Thông tin từ Paris cho hay, Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 60%-65% lượng khí phát thải CO2 so với năm 2005 và nâng tỉ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lên mức 20%.
Nhưng cam kết trên là câu chuyện còn dài của tương lai. Còn bây giờ và hàng chục năm tới nữa, tình trạng ô nhiễm từ Trung Quốc, xuyên biên giới và lan sang Việt Nam đang là mối đe dọa trước mắt.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (VKHKTTV&BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường), miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể sự ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc. Trong các nghiên cứu trên với sự sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện quan trắc tại 9 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía Bắc cho thấy: nồng độ ô nhiễm không khí vào mùa đông ở miền Bắc có sự tác động rất lớn từ nguồn phát thải của Trung Quốc. Trong nồng độ các chất ô nhiễm không khí ở miền Bắc, ảnh hưởng xuyên biên giới từ Trung Quốc đóng góp khoảng 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% với CO.
Các nghiên cứu của Viện KHKTTV&BĐKH còn cho thấy: vào tháng Một, khi gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… có mức SO2 cao gấp đôi TPHCM và cao hơn Hà Nội.
Nghiên cứu của các tác giả nuớc ngoài cũng cho thấy, lượng SO2 lắng đọng tại Việt Nam xấp xỉ ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu và trên 50% lượng SO2 lắng đọng tại miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc (nơi lượng SO2 lắng đọng cao gấp 1-3 lần ngưỡng nói trên).
Mối đe dọa từ Phương Bắc về sự lan truyền xuyên biên giới cơn lốc các chất ô nhiễm không khí nói trên đã được Việt Nam đề cập bước đầu tại buổi họp báo một tháng trước đây, chiều 29/10/2015 tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về hai mối đe dọa, một là “nước sông Hồng dâng cao đột ngột ở trên thượng nguồn tỉnh Lào Cai do phía Trung Quốc xả lũ” và hai là “ô nhiễm không khí và hóa chất từ Trung Quốc tràn sang”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho biết vấn đề này đã đề cập trong nội dung chương trình nghị sự Hội nghị bộ trưởng ASEAN 13 và và ASEAN+ 3 lần thứ 14.
Riêng vấn đề “Ô nhiễm khói mù (không khí)”, tại buổi họp báo nói trên Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các Bộ trưởng đã tích cực sớm đưa ra thỏa thuận, cơ chế để loại bỏ cháy rừng cũng như ô nhiễm khói mù. Nhưng ô nhiễm không khí xuyên biên giới “chưa có cơ sở pháp lý tầm khu vực và quốc tế để kiểm soát tình trạng này thật tốt”.
Chúng ta hy vọng sớm có được những cơ sở pháp lý cần thiết đó. Và trong lúc chờ đợi, quốc gia khởi phát sự lan truyền khói bụi ô nhiễm xuyên biên giới nên sớm có những hành động khắc phục trước mắt để hạn chế, trước khi chấm dứt mối đe dọa đến bao nhiêu triệu sinh mệnh con người của nước láng giềng.
Minh Trần
Trích dẫn tại: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/277069/viet-nam-truoc-moi-de-doa-khoi-bui-xuyen-bien-gioi.html