Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Vỡ đập tại Lào và vấn đề an toàn đập tại Việt Nam

  |   Viết bởi : Trần Đình Sính

Trong vài ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ, gây ra nhiều thiệt hại cho nhân dân Lào. Thông tin do các báo đưa ra không thống nhất, tuy nhiên có thể tóm tắt như sau:

Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và nguyên nhân vỡ đập

Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy có các thông số chính sau: dung tích hồ chứa 1,043 tỷ m3. Chủ Đầu tư là Liên doanh Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (PNPC), Nhà thầu EPC là công ty SK Engineering & Construction (SK E&C), Hàn Quốc. Đập đang được xây dựng, đang tích nước thì bị vỡ.

Thông thường nguyên nhân vỡ đập trên thế giới có 3 nguyên nhân chính[1]: hư hỏng nền do xói ngầm (khoảng 30%), vỡ thân đập do xói ngầm (khoảng 35%) và nước tràn qua đỉnh (khoảng 35%). Theo thông tin từ các báo như Bangkok Post, các kỹ sư đã phát hiện ra nứt đập phụ[2] từ 1 ngày trước, các kỹ sư của Nhà Thầu cố gắng khắc phục đồng thời hạ mực nước hồ nhưng do mưa lớn nên không khả thì và sau đó đập vỡ. Như vậy nguyên nhân vỡ đập thuộc về vỡ thân đập. Về mặt chuyên môn có thể kết luận rằng do thiết kế/thi công kém, nguyên nhân mưa lớn mà nhiều báo chí đưa ra là không chuẩn.

Ảnh: ABC Laos News

Mức độ thiệt hại

Mức độ thiệt hại phụ thuộc rất nhiều vào: 1) lưu lượng nước chảy qua chỗ vỡ và độ dốc lòng sông/suối sau chỗ vỡ, 2) có kế hoạch đối phó trước, 3) số lượng người và tài sản nằm sau đập phụ bị vỡ. Như đã nói ở trên, chỉ một phần trong tổng số hơn 1 tỷ m3 tràn ra chỗ vỡ, chiều rông chỗ vỡ nhỏ. Nhìn trên ảnh cho thấy nước ngập đến mái nhà khoảng 2m, như vậy là lũ không quá lớn và độ dốc lòng sông không lớn, tương tự địa hình miền Trung Việt Nam. Như vậy thiệt hại do điểm 1 đóng góp là không lớn. Về điểm 2, do không có kế hoạch sơ tán nên đã gây ra thiệt hại nặng về người mặc dù lũ không lớn. Điểm 3, với đặc trưng thưa dân của nước Lào, số người và tài sản vùng hạ lưu không nhiều, chỉ có 6-7 làng với khoảng 1.000 hộ, chưa có số liệu thống kê tài sản thiệt hại nhưng là vùng núi, thưa dân, không có công nghệp nên tài sản mất mát chủ yếu của người dân. Như vậy điểm 3 đóng góp không nhiều và nguyên nhân thiệt hại lớn nhất là điểm 2.

Đây là một vụ vỡ đập phụ nên quy mô không lớn, con số người chết cho đến nay ước tính trên 100 người. Vụ vỡ đập Bản Kiều (Trung Quốc) làm 175.000 người chết (thiệt hại vật chất không được thông báo do là bí mật quốc gia) được coi là vụ vỡ đập thảm khốc nhất thế giới. Tuy vậy vụ vỡ đập tại Lào đã gây sốc đối với chính phủ và nhân dân Lào và quốc tế. Tác động xã hội là đáng kể nhất.

Ảnh hưởng của việc vỡ đập Xepian-Xe Nam Noy đối với đồng bằng sông Cửu Long.

Đập Xepian-Xe Nam Noy nằm trên một nhánh của sông Mê Công, cách Việt Nam khoảng 600km. Hàng năm sông Mê Công đổ ra biển 475 tỷ m3 có nghĩa mỗi ngày là 1,3 tỷ m3, vào mùa lũ sẽ lên đến 2,0 - 2,6 tỷ m3/ngày. Dung tích hồ Xepian-Xe Nam Noy là 1 tỷ m3, lượng nước tràn qua đập phụ còn nhỏ hơn nhiều. So sánh với lưu lương nước dòng chính chiếm không lớn. Vì vậy việc ảnh hưởng về dâng mực nước ở đồng bằng sông Mê Công ở Việt Nam là nhỏ, mực nước dâng lên so với không vỡ đập chỉ vài chục cm là cùng. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện đang bắt đầu mùa lũ, ảnh hưởng này không lớn.

Liên hệ đối với tình hình của Việt Nam

Theo Tổng cục Thủy lợi, Việt Nam có khoảng 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 560 hồ chứa lớn dung tích trên 3 triệu mét khối. Thủy điện có số hồ ít hơn nhưng lại là các hồ dung tích cực lớn như Hòa Bình 10 tỷ m3, Sơn La 10 tỷ m3.

Việt Nam đã xảy ra một vài vụ vỡ đập nhỏ, cao chỉ vài mét như đập Ia Grai ở Đắc lắc, gây thiệt hại không nhiều.

Các đập ở Việt Nam không có hoặc rất ít kinh phí duy tu bảo dưỡng do vấn đề quản lý và chính sách.

Việt Nam là một nước đông dân hơn Lào rất nhiều, đại bộ phận nằm ở hạ lưu các con sông như Đồng bằng Bắc Bộ có sô dân khoảng hơn 20 triệu người. Xét về 3 tiêu chí nói trên thì đều không đạt ở Việt Nam. Đặc biệt đối với các hồ trên sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có nguy cơ cao nhất đối với đồng bằng Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết đã trở nên rất cực đoan trong thời gian gần đây như chúng ta đã và đang chứng kiến. Các đập ở Việt Nam xây dựng đã lâu, phần lớn dựa trên tiêu chuẩn của Liên Xô cũ. Vì vậy cần có một giải pháp cần thiết và không trì hoãn về an toàn đập tại Việt Nam.

 

[1] Theo Hiệp hội đập cao thế giới (ICOLD)

[2] Đập phụ (saddle dam) là đập chặn ở một khe núi (saddle) để nước từ hồ chứa không trào qua khe núi đó ra ngoài. Đập phụ thường nhỏ, đáy cao hơn đập chính. Ví dụ đập chính cao 70m, mực nước hồ ở 65m. Có một khe núi có đáy ở 60m nên cần phải đắp một đập phụ cao từ 60 m đến 70m để ngăn nước.

Ví dụ đối với đập phụ thủy điện bị vỡ ở Lào, dung tích hồ 1,043 tỷ m3 nhưng chỉ một phần nhỏ dung tích hồ bị chảy qua đập phụ, còn phần lớn toàn bộ dung tích do đập chính ngăn vẫn nằm trong hồ.