Vấn đề nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải dần bỏ qua lợi ích quốc gia để ngồi lại ...
Vấn đề nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải dần bỏ qua lợi ích quốc gia để ngồi lại với nhau và đạt được thỏa thuận tại COP21 Paris về cắt giảm khí nhà kính. Tuy nhiên, các quốc gia Nam và Đông Nam Á dường như đi ngoài thỏa thuận. Theo cảnh báo từ Ngân hàng thế giới, những kế hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia sẽ dập tan thỏa thuận khí hậu ở Paris năm 2015.
Jim Yong Kim - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - đã bất ngờ cảnh báo các nước Nam Á và Đông Nam Á đang có kế hoạch xây thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện than trong 20 năm tới, bất chấp cam kết tại Paris năm 2015 về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và ưu tiên cho một tương lai năng lượng sạch.
Tại Mỹ, sức tiêu thụ than đá đang suy giảm mạnh. Các công ty than đá lớn nhất nước này đang trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, nhu cầu than đá vẫn rất cao ở Nam và Đông Nam Á, khu vực có đến hàng chục triệu người vẫn chưa có điện.
Ba phần tư tổng số các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam dự kiến sẽ được xây dựng trong 5 năm tới. Riêng Ấn Độ có đến 300 triệu người hoàn toàn không được tiếp cận điện.
Ông Kim nhận định: “Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW điện than và toàn bộ khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc. Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta”.
Đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy nhiệt điện than, và hỗ trợ các quốc gia chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời là trọng tâm chính của cuộc họp trong 2 ngày 9/5-10/5, và là nhiệm vụ mới của Ngân hàng Thế giới.
Tháng 4/ 2016, Ngân hàng Thế giới thông báo sẽ dành 28% chi tiêu của mình cho các dự án biến đổi khí hậu. Cuộc họp diễn ra 2 tuần sau khi 175 chính phủ đã tái khẳng định cam kết của mình với hiệp định Paris trong một buổi ký kết tại Liên Hiệp Quốc, và trở thành một phần của nhiều hoạt động khí hậu kín trong năm 2016. Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp có công trong việc đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Paris đang cố gắng tuyệt vọng để tránh sự trì trệ của thỏa thuận này. Cho đến khi cuộc họp tiếp theo diễn ra ở Morocco vào tháng 11, sẽ có nhiều hội nghị với mong muốn biến những lời hứa tại Paris thành hành động cụ thể.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang hối thúc chính phủ các nước chính thức tham gia thỏa thuận và bắt tay thực hiện trước khi tổng thống Barack Obama từ nhiệm vào tháng 1/2017. Điều này sẽ giúp bảo vệ thỏa thuận khỏi ảnh hưởng từ một tổng thống tương lai, như ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng Hòa, Donald Trump - người không tin hoặc nghi ngờ rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra.
Thị trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp đã tụ họp tại Washington cho biết chính phủ các nước cũng cần phải đẩy nhanh việc loại bỏ rào cản đối với việc đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Ông Hakima El Haite - Bộ trưởng Môi Trường Ma-rốc - cho biết: “Chúng ta phải giữ được lòng tin của công chúng sau cuộc họp tại Paris. Sẽ không ai nói nên đợi đến năm 2020 để tìm giải pháp khác. Sẽ không ai chờ đợi một ủy ban tài chính đưa ra tuyên bố mới. Họ muốn một giải pháp”. Một trong những thử thách lớn nhất là các dự án đầu tư mới cho việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Châu Á.
Theo con số của Platts Energy, Trung Quốc dự tính đến năm 2020 sẽ xây thêm 150GW nhiệt điện than, thấp hơn con số 270GW trong năm năm qua. Ấn Độ tuy đã tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng cho năng lượng mặt trời, vẫn tiếp tục tăng thị phần than đá lên 125GW. Indonesia đang có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng nhà máy nhiệt điện than mới, tương đương 25GW.
John Roome - Chuyên viên biến đổi khí hậu cao cấp của Ngân hàng Thế giới - nhận định nếu tất cả số nhà máy nhiệt điện than được xây dựng thì mọi nỗ lực thế giới công nhận ở Paris để giữ nhiệt độ tăng lên ở mức 2°C sẽ hoàn toàn tiêu tan. Ông nói: “Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam đều hoạt động, thì nó chiếm một phần rất lớn, gần như tất cả ngân sách khí carbon. Sẽ khó có thể giữ nhiệt độ ở mức tăng 2°C.”
Jeffrey Sachs - Giám đốc Viện Trái Đất của đại học Columbia - thẳng thắn chia sẻ: “Xin đừng xây thêm các nhà máy than, vì chúng ta sẽ phá tan ngân sách carbon”.
Các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đang gây ô nhiễm tới cây trồng, môi trường đất trong khu vực. Ngoài ra, các tác động này chủ yếu liên quan đến việc thải các chất ô nhiễm nước, khí, các chất thải kim loại nặng vượt quá mức cho phép vào môi trường tiếp nhận gây nên những biến đổi cơ bản về hệ sinh thái, sức khỏe người dân sống quanh khu vực đó. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đánh giá tác động môi trường cụ thể và các biện pháp ứng phó. Và chúng ta cứ lầm lũi nhập khẩu các công nghệ cũ, rẻ tiền hứa hẹn mang đến những thảm họa môi trường trong tương lai.
Theo Songmoi.vn