Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Xây dựng chiến lược về phát triển năng lượng tái tạo

  |   Viết bởi :

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp mới đây với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng Đề ...

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp mới đây với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng Đề án nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Mục tiêu Đề án Chiến lược này, theo Phó Thủ tướng, là nhằm khẳng định chủ trương, tạo chính sách phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy bảo tồn năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu BĐKH, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển KTXH và phát triển bền vững.

Theo các nghiên cứu, đánh giá, các nguồn năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn nhất và tiềm năng phát triển ở Việt Nam là thủy điện, năng lượng gió, mặt trời và địa nhiệt.

Tổng tiềm năng kỹ thuật thủy điện vào khoảng 120 tỉ kWh, với công suất tương ứng khoảng 25.000-30.000 MW; năng lượng sinh khối (chất thải nông nghiệp, chăn nuôi...) có tiềm năng khoảng 58 triệu TOE; năng lượng gió có thể phát triển khoảng 20.000-40.000 MW; năng lượng mặt trời ở hầu hết lãnh thổ có thời gian trên 2.000 giờ nắng mỗi năm, đạt 1.200 MCal/m2.

Hiện trạng, tổng nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đạt khoảng 15,6 triệu TOE, chiếm 25% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Trong đó chủ yếu là thủy điện với 16% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp.

Việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch là xu hướng rõ rệt trên thế giới. Ở Việt Nam, chủ trương này đã được Chính phủ khẳng định từ lâu và việc hình thành các cơ chế, chính sách phục vụ cho thị trường năng lượng tái tạo cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, trong việc hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu và nội dung Chiến lược, các cơ quan xây dựng chú ý so sánh với định hướng phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, các vấn đề công nghệ mới, liên quan tới suất đầu tư. Từ đó, xây dựng những mục tiêu khả thi, đẩy mạnh được nhận thức, quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực năng lượng có nhiều tiềm năng này.
Cùng với đó, vấn đề quan trọng là xây dựng định hướng chính sách phải nêu rõ quan điểm về sự ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, trong quy hoạch và kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, các chính sách giá hỗ trợ và bảo đảm đầu tư, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án...
                                                                                               

Nguyên Linh

Trích dẫn tại: http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Xay-dung-chien-luoc-ve-phat-trien-nang-luong-tai-tao/234910.vgp