Chiều 5/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan, chỉ đạo xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự ...
Chiều 5/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan, chỉ đạo xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời - lĩnh vực đang được khuyến khích đầu tư, đáp ứng bài toán năng lượng sạch, phát triển bền vững.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ, thực hiện quan điểm của Đảng, mục tiêu phát triển của Chính phủ trong chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch điện lực đất nước là ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, tăng tỉ lệ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với mức không đáng kể như hiện nay lên 5,6% và 9,4% công suất vào các năm 2020 và 2030.
Theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu điện toàn quốc được dự báo sẽ tăng bình quân gần 10%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; 7,2-8,1% trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Quá trình rà soát và cập nhật tiềm năng, trữ lượng tài nguyên và khả năng cung cấp nhiên liệu cho phát điện cho thấy, các nguồn điện năng hiện tại sẽ được khai thác tối đa và thiếu hụt so với nhu cầu. Sau năm 2020, Việt Nam sẽ chuyển thành nước nhập khẩu năng lượng lớn và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, tính đến nay, một số nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác cho sản xuất điện, với tổng công suất 1.300 MW. Điện mặt trời cũng được xác định là một nguồn đáng kể, nhưng hiện chủ yếu mới là dự án thí điểm, không nối lưới, chưa có dự án thương mại do trở ngại lớn về giá thành, suất đầu tư lớn và chưa có cơ chế riêng về giá bán điện để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo nghiên cứu, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm là 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam.
Theo quy định của Chính phủ, công nghệ điện mặt trời là loại hình năng lượng sạch, nằm trong lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, là công nghệ mới, các đặc thù riêng. Tuy nhiên, để cụ thể hóa chủ trương khuyến khích, ưu tiên này, cần thiết phải ban hành một quy chế pháp lý, minh bạch hóa thủ tục đầu tư, thúc đẩy các hoạt động phát triển nguồn điện mặt trời trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rõ về quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án, việc đấu nối dự án vào hệ thống điện cho các đối tượng đầu tư.
Cơ chế này cũng xác định rõ trách nhiệm mua điện từ các dự án điện mặt trời, hợp đồng mua bán điện, ưu đãi về vốn đầu tư và thuế, ưu đãi về đất đai. Đặc biệt là giá điện của các dự án và cả ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án không nối lưới.
Theo đề xuất ban đầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị phân phối điện, các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời, thời gian là 20 năm với dự án nối lưới, 10 năm với dự án lắp đặt trên mái nhà. Giá mua dự kiến xác định từ 2.352 đ/kWh đến 2.822 đ/kWh (chưa bao gồm thuế) tùy loại hình dự án.
Các nhà hoạch định cũng sẽ tham khảo kỹ kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực này, cho thấy phần lớn các quốc gia này đều có chiến lược và chương trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Các chương trình, dự án trong lĩnh vực đều được cung cấp tài chính trực tiếp từ ngân sách Nhà nước hoặc thông qua các biện pháp ưu đãi như bù giá điện, miễn giảm thuế và các hình thức hỗ trợ khác. Một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc... có xây dựng quỹ phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn thu từ thuế, phí nhiên liệu hóa thạch.
Dự thảo quyết định cơ chế này sẽ sớm được hoàn thiện, trình lên Thủ tướng xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Theo Năng lượng Việt Nam