Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một trong những quan điểm chỉ đạo là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện”. Trong bối cảnh xu hướng chung của ngành năng lượng thế giới và Việt Nam đang xây dựng quy hoạch điện VIII, có thể thấy chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và nhiệt điện khí như nghị quyết nêu là tất yếu và cần nhanh chóng có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hiện thực hóa…
Tháng 12/2019, ngân hàng Standard Chartered đã tuyên bố rút lui khỏi việc tài trợ vốn vay cho 2 dự án Vũng Áng 2 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 3 (1.980 MW). Ngày càng nhiều các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam bị các định chế tài chính “quay lưng ngoảnh mặt”. Ngược lại, hai năm qua chứng kiến một sự sôi động trong đầu tư điện khí, khi càng nhiều dự án được đề xuất và cấp phép.
Bốn năm trước, tỉnh Bạc Liêu đã kiên quyết loại bỏ nhiệt điện than Cái Cùng để thay bằng nhiệt điện khí. Và chưa đầy một tháng trước, Bạc Liêu đã trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200MW cho Công ty Delta Offshore Energy với số vốn dự kiến khoảng 4 tỷ USD.
Tiếp nối Bạc Liêu, tỉnh Long An cũng kiên trì muốn chuyển đổi từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí với thông điệp rắn “Thà xóa quy hoạch chứ nhất quyết không làm nhiệt điện than” suốt hai năm qua. Những vụ ô nhiễm nhãn tiền do nhiệt điện than tại Vĩnh Tân, Duyên Hải, Quảng Ninh… là những luận điểm ủng hộ Bạc Liêu, Long An và nhiều địa phương khác nữa.
Tuy vậy, có luồng quan điểm khác lại cho rằng nhiệt điện khí giá cao nên Việt Nam không kham nổi, cùng với lý do hạ tầng cho việc sử dụng khí và nguồn cung khí không có sẵn. Thực tế thì sao?
Bài viết này nhằm cung cấp bối cảnh toàn cầu về diễn biến của điện khí và điện than trong thời gian gần đây, qua đó gợi ý con đường cho Việt Nam.
THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM: BỨC TRANH TƯƠNG PHẢN
Khí đề cập trong bài này là khí thiên nhiên (Natural Gas). Với các mỏ khí tại Việt Nam, khí được vận chuyển từ nơi khai thác đến nơi tồn chứa và sử dụng bằng đường ống. Tuy nhiên, để nhập khẩu khí từ các thị trường quốc tế khi các tuyến đường ống không tồn tại thì phải sử dụng loại tàu chuyên dụng. Lúc này, giải pháp tiết kiệm để vận chuyển là nén khí ở áp suất cao để chuyển khí sang dạng lỏng, nên gọi là khí hóa lỏng (Liquefied Natural Gas, LNG). LNG chỉ bằng 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm). Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được đi qua thiết bị tái hóa khí để chuyển về lại trạng thái khí trước khi được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.
Nguồn: pvn.vn
Theo số liệu của BP, tính trung bình trong giai đoạn 2010-2018, điện năng sản xuất từ than và từ khí trên thế giới đều tăng trưởng ở mức 2% mỗi năm. Tuy vậy, một vài quốc gia điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ tăng trưởng điện khí gấp từ 2 đến 3 lần so với điện than. Cá biệt tại Mỹ, điện than ngày càng giảm, điện khí ngày càng tăng. Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, điện khí đã chính thức vượt qua điện than và đóng vai trò là nguồn điện chính tại Mỹ (hình 1 và 2).
Nguồn: Tác giả vẽ từ số liệu của “BP Statistical Review of World Energy, June 2019” - TOE (tấn dầu quy đổi - Tonne of Oil Equivelent)
Tỷ lệ sản lượng điện khí trên sản lượng điện than của thế giới không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm qua. Đến cuối năm 2018, sản lượng điện khí đã bằng 61% sản lượng điện than, tăng 15 điểm phần trăm so với năm 1999.
Theo nhận định của cá nhân người viết, sự gia tăng của nhiệt điện khí và thoái trào của nhiệt điện than trên thế giới đến từ ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, là cuộc cách mạng khí đá phiến (shale gas) tại Mỹ với thời điểm bùng phát là năm 2007. Thứ hai, là cuộc chiến chống ô nhiễm tại Trung Quốc, khởi đầu từ Kế hoạch hành động chống ô nhiễm không khí ban hành tháng 09/2013 và tiếp đến là Kế hoạch năng lượng 5 năm (lần thứ 13), tháng 12/2016. Thứ ba, là Hiệp định Khí hậu Paris được 195 nước thông qua tại COP21 tháng 12/2015 nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, với trọng điểm là cắt giảm nhiệt điện than và chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Các hình 3a, 3b minh họa sự chuyển hướng từ than sang khí trên toàn cầu.
Nguồn: Tác giả vẽ từ số liệu của “BP Statistical Review of World Energy, June 2019” - TOE (tấn dầu quy đổi - Tonne of Oil Equivelent)
Những nguyên nhân hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ than sang khí nêu trên đã dẫn đến một sự đồng thuận rất cao của các tổ chức và tập đoàn quốc tế khi dự báo tương lai cho ngành khí. Viện Năng lượng Nhật Bản (IEEJ, 2019) dự báo tiêu thụ khí sẽ tăng cao hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Khí sẽ vượt qua than vào giữa những năm 2030 để trở thành nguồn năng lượng tiêu thụ lớn thứ hai sau dầu mỏ, mà tâm điểm là cuộc chuyển đổi từ điện than sang điện khí. Tiêu thụ khí được dự báo sẽ tăng 1,7 lần từ năm 2017 đến năm 2050. Đặc biệt, IEEJ dự báo khí sẽ trở thành nguồn năng lượng chính tại Mỹ trong hơn 10 năm tới, và sẽ đạt được điều tương tự tại các nước EU khoảng năm 2040.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA, 2020) dự báo nhu cầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2040, tăng nhanh hơn các loại nhiên liệu khác và tăng gấp đôi so với dầu. IEA cho rằng khu vực châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính về nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên trong tương lai với tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 3,0%-4,3%, riêng Trung Quốc và Ấn Độ cùng chiếm khoảng 30% mức tăng này.
Trong khi đó, Việt Nam đang đi ngược lại với toàn bộ phần còn lại của thế giới (hình 4 và 5). Điện khí từng có thời kỳ hoàng kim kéo dài 15 năm từ 1999 đến 2014, lúc đỉnh điểm năm 2009 có sản lượng gấp gần 3 lần điện than. Thế nhưng, liên tiếp những bản Quy hoạch điện, gần nhất là Điện VI (năm 2007), Điện VII (năm 2011) và Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh (năm 2016) chọn điện than làm trụ cột đã dìm điện khí xuống hàng thứ yếu. Từ năm 2015, sản lượng điện than đã vượt qua điện khí và duy trì mức tăng trung bình 13% mỗi năm từ đó đến nay. Tỷ lệ điện than/điện khí đạt trên 2 lần tính đến cuối năm 2018. Con số này đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng với hàng loạt dự án nhiệt điện than đang thi công và sắp đưa vào vận hành.
Trong khi thế giới đang tháo chạy khỏi than thì Việt Nam đang lâm vào cơn nghiện than ngày càng trầm trọng. Nhiệt điện than là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất tạo ra cơn nghiện nguy hại này. Nếu không kịp chuyển hướng, những rủi ro về an ninh môi trường và ro an ninh năng lượng cho quốc gia là không thể lường hết.
ĐIỆN KHÍ VÀ ĐIỆN THAN: AI ĐẮT AI RẺ?
Hình 6 tổng hợp suất đầu tư nhiệt điện khí (chu trình hỗn hợp) so với nhiệt điện than (công nghệ cận tới hạn và siêu tới hạn) tại châu Á và Việt Nam. Kết quả cho thấy suất đầu tư nhiệt điện khí luôn thấp hơn nhiệt điện than, kể cả công nghệ nhiệt điện than cận tới hạn hiệu suất thấp mà thế giới đang loại bỏ nhưng đang được xây dựng ngày càng dày đặc tại Việt Nam.
Trung bình tại châu Á, suất đầu tư nhiệt điện khí là 0,757 triệu USD/MW, nhiệt điện than siêu tới hạn là 1,295 triệu USD/MW. Tại Việt Nam, suất đầu tư nhiệt điện khí là 0,810 triệu USD/MW, nhiệt điện than cận tới hạn là 1,560 triệu USD/MW, và nhiệt điện than siêu tới hạn là 1,576 triệu USD/MW. Tính trung bình, suất đầu tư điện than đắt gấp 1,8 lần suất đầu tư điện khí.
Hiện nay, giá phát điện tại nhà máy điện khí Nhơn Trạch 1 là 1.529 đồng/kWh và Nhơn Trạch 2 là 1.434 đồng/kWh, trong đó chi phí khí chiếm 80%, theo Bản cáo bạch của PV Power (2018). Trong thực tế, giá này còn thấp hơn khung giá phát điện của nhiệt điện than nội địa (1.597 đồng/kWh) và than nhập khẩu (1.600 đồng/kWh) do Bộ Công thương ban hành năm 2018.
Giá hợp đồng mua bán điện với EVN của Nhơn Trạch 1 là 1.558 đồng/kWh và Nhơn Trạch 2 là 1.603 đồng/kWh. Rõ ràng, với nguồn khí nội địa, điện khí đang cạnh tranh sòng phẳng về giá với điện than, chưa kể điện khí không đẩy những chi phí do ô nhiễm môi trường tạo ra cho xã hội đang gồng mình gánh chịu như điện than.
Trong năm 2018, giá khí tại Việt Nam khai thác từ nguồn mỏ trong nước dao động khoảng 6-7 USD/MMBtu (BTU - British thermal unit, tức đơn vị nhiệt Anh). Cùng thời điểm đó, giá LNG nhập khẩu tại thị trường châu Á là 10 USD/MMBtu. Tuy vậy, đến cuối năm 2019, giá LNG tại Châu Á giảm xuống chỉ còn 5,7 USD/MMBtu, đạt mức giảm kỷ lục 43% chỉ trong một năm (Hình 7).
Cứ cho rằng Việt Nam không kịp đưa vào vận hành các mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh… nên việc xây các nhà máy điện khí phải trông chờ vào LNG nhập khẩu. Vậy, mức giá điện từ nguồn LNG nhập khẩu sẽ là bao nhiêu?
Với diễn biến giá khí đang trên đà giảm sâu trong vòng 5 năm trở lại đây khi nguồn cung tăng vọt, mức giá LNG tại châu Á và Việt Nam với kịch bản giá thấp đang chiếm ưu thế là 5 USD/MMBtu. Với giá khí đầu vào này, tính toán của tác giả cho thấy giá điện khoảng từ 5,4 cent/kWh (1.242 đồng/kWh) đến 7,7 cent/kWh (1.787 đồng/kWh).
Như vậy, mức giá 7 cent/kWh mà LNG Bạc Liêu đề xuất là hoàn toàn có cơ sở. Các mức giá tính toán này cũng không khác biệt so với giá điện tại Nhơn Trạch 1 và 2.
Rõ ràng, điện khí đang rất cạnh tranh về giá phát điện khi đang được thị trường LNG với nguồn cung dồi dào của thế giới hỗ trợ. Cùng với suất đầu tư thấp hơn, còn lý do nào để Việt Nam phải quyết bám lấy nhiệt điện than ô nhiễm với nguồn vốn và công nghệ gắn chặt vào Trung Quốc?
VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ?
Năm năm trước, tác giả bài này là một trong những người Việt Nam đầu tiên lên tiếng cảnh báo về những hậu quả của việc phát triển nhiệt điện than, cụ thể qua hai bài báo “Từ vụ nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Cảnh báo những quả bom nổ chậm khắp Việt Nam!” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và “Điện và môi trường: Mâu thuẫn về tầm nhìn” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đó đã và đang trở thành hiện thực một cách nghiệt ngã vì những bản quy hoạch điện sai lầm, đi ngược lại với tiến trình của loài người tiến bộ.
Trùng với thời điểm đang lập Quy hoạch điện VIII, những cơ hội mà LNG mang lại cho Việt Nam là không thể làm ngơ. Dù muộn vẫn còn hơn không, Việt Nam nên nắm lấy cơ hội này để chuyển đổi toàn bộ những dự án điện than chưa đầu tư sang điện khí và năng lượng tái tạo. Đó không chỉ là một lựa chọn hợp thời mà còn thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn hướng đến một tương lai bền vững cho quốc gia.
Tác giả: Nguyễn Đăng Anh Thi - Chuyên gia Năng lượng và Môi trường, Canada.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, bản in ngày 27-02-2020.