Tỉnh Bạc Liêu đã dừng hai dự án điện than để tập trung kêu gọi nhà đầu tư chuyển sang khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Đặc biệt, Bạc Liêu còn thu hút được dòng vốn cho dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW, với tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ.
Đây là những nội dung đáng chú ý trong báo cáo “Chia sẻ định hướng chuyển dịch năng lượng của tỉnh Bạc Liêu” do Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu thực hiện.
Du khách tham quan điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Kim |
Trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Ông Lê Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết theo “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, địa phương có hai nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lên tới 1.200 MW.
Thế nhưng, nhận định nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh thái khu vực biển, ven biển và định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản nên lãnh đạo tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc rút dự án nhiệt điện than ra khỏi kế hoạch, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực này.
Trong cuộc trao đổi với TBKTSG Online ngày 25-11 qua điện thoại, ông Lê Văn Hoàng, chia sẻ: “Bài học ở đây là có sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và được các bộ ngành và Chính phủ ủng hộ”.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đã trình bổ sung thêm hai dự án điện gió với tổng công suất 200 MW vào “Quy hoạch Điện VII điều chỉnh”. Còn lại, đề nghị đưa vào “Quy hoạch Điện VIII” (theo kế hoạch, sẽ được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 11 này) với tổng công suất 8.690,6 MW; trong đó, điện gió 7.160,6 MW, điện mặt trời 1.500 MW và điện sinh khối 30 MW.
Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200 MW với tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung vào “Quy hoạch điện VII điều chỉnh”.
Hiện nhà đầu tư, Công ty Delta Offshore Energy, đang khẩn trương làm thủ tục để có thể khởi công vào đầu năm 2021, vận hành tổ máy đầu tiên 750 MW vào năm 2024 và hoàn thành dự án trong năm 2027.
Riêng với điện mặt trời mái nhà, mấy năm nay, Sở Công Thương Bạc Liêu đã phối hợp với nhiều sở ngành khác, tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, điện mặt trời mái nhà có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, giúp giảm áp lực phụ tải và gánh nặng đầu tư lưới điện.
Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực không có khả năng đầu tư điện lưới quốc gia, nhất là ở nông thôn. Các hộ gia đình có thể đầu tư một phần tiền tiết kiệm vào điện mặt trời mái nhà và đây cũng là sự đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường.
Đến tháng 10-2020, Bạc Liêu có 607 hộ và đơn vị đầu tư lắp điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất 8.183,3 kWp, tổng sản lượng đạt trên 5,26 triệu kWh. Trong đó, đã phát lên lưới gần 2,7 triệu kWh, khách hàng sử dụng trên 2,56 triệu kWh.
“Như vậy trong thời gian tới, khi tất cả các dự án trên hoàn thành đi vào hoạt động (nhất là dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu), sẽ đóng góp giá trị gia tăng rất lớn vào ngành công nghiệp của tỉnh; là khâu đột phá, động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách; là tiền đề vững chắc để Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia”, bản báo cáo của Sở Công Thương Bạc Liêu nhấn mạnh.
Người dân mưu sinh ngay dưới trụ điện gió ở Bạc Liêu . Ảnh: Huỳnh Kim |
Thăm hai dự án điện mặt trời và điện gió
Trong chuyến đi của đoàn công tác với chủ đề về năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID) tổ chức, người viết đã đến ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây có một dự án điện mặt trời kết hợp nuôi tôm rộng 5,6 héc-ta của Công ty cổ phần Solan Việt Nam (Hà Nội) đang được thi công. Ông Lê Văn Thành, quản lý dự án, cho biết đã có khoảng 1 héc-ta hoàn thành và đã bán điện từ 3 tháng nay với công suất 1 MW; diện tích còn lại có công suất hơn 3 MW, đến ngày 15-12 tới sẽ lên lưới điện toàn bộ.
Theo ông Thành, huyện Hòa Bình hiện có trên 20 mô hình như vậy, trên khai thác điện mặt trời, dưới nuôi tôm. Với giá thành từ 1.500-1.600 đồng/kWh và giá bán điện hiện nay hơn 1.940 đồng/kWh, ba tháng nay, mỗi ngày công ty thu được khoảng 10 triệu đồng, là chưa tính lợi nhuận sẽ nuôi tôm bên dưới sau khi hòa lưới điện ổn định.
“Diện tích này trước kia bà con có nuôi tôm, doanh nghiệp đến đây thuê lại. Dự án được ký kết hợp đồng với điện lực huyện Hòa Bình; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo chỉ đóng 50%. Tất cả chính sách Nhà nước hỗ trợ tôi thấy là ổn cho một doanh nghiệp đầu tư về điện mặt trời”, ông Thành nói.
Tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, có một địa điểm khá thu hút du khách là Điểm tham quan điện gió Bạc Liêu. “Dự án điện gió trên biển lớn nhất ASEAN” này được khởi công vào tháng 9-2010, hoàn thành tháng 12-2015, rộng 1.000 héc-ta đất bãi bồi ven biển, vốn đầu tư 5.217 tỉ đồng. Sau khi hòa lưới điện quốc gia (mỗi năm khoảng 320 triệu kWh),
Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý (Cà Mau) đã đưa dự án vào khai thác du lịch. Nhân viên bảo vệ ở điểm tham quan này nói những ngày lễ hoặc cuối tuần, mỗi ngày có vài trăm, có khi tới cả nghìn lượt khách mua vé (30.000 đồng/vé) vào đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Trưa cùng ngày, cùng với một số nhóm du khách, đoàn công tác chúng tôi cũng đi theo các cầu dẫn ra chụp ảnh trước những trụ điện khổng lồ đang vươn mình giữa trời biển bao la.
Cách bờ gần cây số, trong nắng gió ngợp trời, vẫn muốn mở rộng lồng ngực hít thở biển trời để xua tan mệt nhọc sau một chuyến đi dài. Dưới bóng những trụ điện gió cao hơn 80 mét, cánh quạt dài hơn 41 mét, chúng tôi ghi lại được cảnh một người dân đang lội trên sinh lầy bãi bồi để bắt cua, bắt ốc.
Huỳnh Kim
Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online