Sáng 19-9, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Sự tham gia của ...
Sáng 19-9, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo dành nhiều thời gian bàn các vấn đề của các trung tâm điện lực ở ĐBSCL được Báo SGGP phản ánh trên các số ra ngày 3 và 16-9.
Trao đổi riêng với chúng tôi, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu của Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Báo SGGP đã phản ánh đúng những vấn đề bức xúc ở Trung tâm Điện lực Duyên Hải (ấp Mù U, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) là cụm gồm 4 nhà máy nhiệt điện than: Duyên Hải 1 (công suất 1.200MW) đã vận hành thương mại, Duyên Hải 3 (1.200MW) đang vận hành thử, Duyên Hải 3 mở rộng (600MW) đang xây dựng và Duyên Hải 2 (1.200MW) chưa khởi công. Chủ đầu tư trung tâm là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, báo chưa nêu rõ được vai trò của doanh nghiệp Trung Quốc ở đây. Đó là, tổng thầu do Dongfang Electric Corporation; khảo sát, thiết kế, lắp đặt do Quangdong Electric Power Design Institute đều là các doanh nghiệp của Trung Quốc.
* Từ hội thảo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ông nhìn nhận thế nào về các báo cáo của Trung tâm Điện lực Duyên Hải?
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn: Không có báo cáo Đánh giá môi trường tích lũy (CIA) và Kế hoạch quản lý môi trường (EPM). Không có cái nhìn tổng thể chiến lược nên các báo cáo ĐTM của từng nhà máy riêng rẽ đã thiếu lập luận vì sao chọn ĐBSCL, đặc biệt vùng cửa sông Hậu là nơi tập trung các nhà máy nhiệt điện than. Cũng không có cả Luận chứng kinh tế - kỹ thuật vì sao chọn công nghệ - thiết bị xây dựng và vận hành từ Trung Quốc mà không chọn những quốc gia khác?
* Nhiều cái không như thế, đưa đến điều gì đáng quan ngại cho ĐBSCL?
Vấn đề rất đáng quan ngại là khu vực ĐBSCL không có nguồn nhiên liệu than cho các nhà máy. Nguồn than ở Việt Nam chỉ có ở Quảng Ninh, khá xa đường vận chuyển đến Trà Vinh. Trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện này sẽ phải nhập than từ nước ngoài (Trung Quốc, Australia hoặc Indonesia). Về mặt chiến lược và tầm nhìn phát triển bền vững, tương lai của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, sẽ gặp nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung nhiên liệu và thiết bị từ nước ngoài. Nhà máy nhiệt điện là phát thải khí nhà kính lớn nhất gây tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Tôi xin nhấn mạnh, các quan ngại này không được phân tích trong các báo cáo ĐTM.
*Vùng ven biển Duyên Hải vốn là rừng ngập mặn có nhiều nguồn lợi về thủy sản, tình hình hiện nay như thế nào?
Toàn bộ hệ sinh thái rừng ngập mặn ở khu vực nhà máy nhiệt điện bị hủy diệt và nguồn thủy sản ven bờ biển suy giảm nghiêm trọng. Người dân địa phương cho biết, gần như không còn cá để đánh bắt ở đây. Ngay từ đầu các dự án này đã thiếu các điều tra chi tiết hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên sinh vật; đặc biệt nguồn thủy sản tự nhiên và sản nuôi trồng. Vì thế bây giờ không có những giải pháp cụ thể để giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và nguồn sinh kế của cộng đồng. Không có cả kế hoạch theo dõi tác động của nhà máy lên sinh thái, động thực vật và môi trường cảnh quan.
* Báo cáo ĐTM của từng nhà máy được giới thiệu là đã áp dụng các mô hình của những nước tiên tiến?
Các đánh giá ô nhiễm không khí từ vận hành nhà máy đều dựa vào mô hình (MIKE, Steam-Prof models of Thermal flow) nhưng không có cơ sở kiểm chứng (verification) độ chuẩn xác của mô hình trong điều kiện địa phương. Cứ nói mô hình tiên tiến của nước ngoài nhưng phù hợp với nước ta hay không? Tôi nói việc đơn giản thế này, tính toán phát tán khói bụi lấy từ số liệu gió ở độ cao 10m, trong khi ống khói nhà máy cao 210m nhưng không có ngoại suy khoa học. Hướng gió trong báo cáo ĐTM chỉ lấy hướng chính theo mùa mà không xét đến điều kiện gió đảo chiều lúc giao mùa hoặc trường hợp gió chướng. Tôi lại nhấn mạnh, ô nhiễm khói bụi từ đốt than đá là loại ô nhiễm độc hại gây chết người cao nhất.
* Người dân trong vùng đang rất khổ sở với tiếng ồn của nhà máy khi vận hành, báo cáo ĐTM đánh giá tiếng ồn như thế nào?
Báo cáo ĐTM khẳng định tiếng ồn và độ rung khi vận hành nhà máy không đáng kể. Thực tế, tiếng ồn của nhà máy là một dạng “tra tấn” âm ỉ cho cộng đồng chung quanh. Còn rác thải nguy hại, báo cáo ĐTM chỉ nói giao cho các công ty môi trường xử lý nhưng không nói rõ cách xử lý các rác thải nguy hại. Báo cáo ĐTM hoàn toàn không có các giải pháp sinh kế hữu hiệu và bền vững cho cộng đồng người dân địa phương. Gần như toàn bộ sản xuất nông ngư nghiệp chung quanh nhà máy đều bị tê liệt do thiếu nguồn nước sạch.
* Vậy trong các báo cáo ĐTM, ý kiến của người dân thể hiện như thế nào, vì tham vấn cộng đồng là yêu cầu đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường?
Tham vấn cộng đồng rất sơ sài, mang tính chiếu lệ, đối phó, hầu như không có ý nghĩa gì với người dân ở đây. Chúng tôi trao đổi với người dân trong khu vực, thì họ than phiền họ không được cung cấp các thông tin tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế của họ. Chỉ có những người bị mất đất được mời lên họp, nhưng chỉ thông báo mức bồi thường và kế hoạch giải tỏa. Hiện nay, người dân rất bi quan về sinh kế và tương lai của gia đình. Người dân trong cộng đồng bức xúc và lo âu tương lai của gia đình họ.
Theo Sáu Nghệ/ Sai Gon Online