Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phát hành báo cáo nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của ĐBSCL” nhằm đóng góp vào việc xây dựng Quy hoạch điện 8.
Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (QHĐ7ĐC), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia với tổng công suất điện than và khí đạt 22.650 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, các dự án phát triển nguồn điện này gặp khó khăn trong triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thu xếp vốn đầu tư và lo ngại tác động xấu về môi trường, xã hội.
Trong khi ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối nhưng chưa được đưa vào quy hoạch hiện hành. Hiện tại có 4.245 MW công suất nguồn điện mặt trời do nhà đầu tư đăng ký xây dựng tại vùng ĐBSCL, trong đó, 962,5 MW đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (QHĐ7ĐC), bao gồm 764,6 MW cho giai đoạn trước 2020 và 197,9 MW cho giai đoạn sau 2020. Quy mô công suất điện gió được đăng ký lớn hơn nhiều so với dự báo tiềm năng và vẫn tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9 năm 2019, tổng công suất điện gió được đăng ký lên tới 12.888 MW,. trong đó, phần lớn là các dự án điện gió gần bờ. Khoảng 1.850 MW trong tổng công suất đăng ký đã được bổ sung vào QHĐ7ĐC.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tiến hành nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của ĐBSCL” nhằm đóng góp vào việc xây dựng Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang được Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai xây dựng, dự kiến trình phê duyệt vào quý IV năm 2020.
Nghiên cứu hướng tới xây dựng cơ cấu nguồn điện tối ưu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và độ tin cậy, cung cấp điện trên cơ sở xem xét toàn diện các chi phí và lợi ích, nắm bắt xu thế, khai thác được thế mạnh của địa phương.
Nghiên cứu tập trung phân tích 03 kịch bản nguồn điện. Trong đó, Kịch bản 1 không có chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), các nguồn điện được cạnh tranh tự do trên cơ sở chi phí và các ràng buộc khung. Kịch bản 2 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT, năng lượng tái tạo sẽ phát triển đảm bảo mục tiêu theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015. Kịch bản 3 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT theo chiến lược và không phát triển thêm nhiệt điện than mới.
Thời kỳ nghiên cứu là 2020-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, Quy hoạch điện 8 đang được Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng, phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành xây dựng, thủy lợi, tài nguyên, môi trường… theo yêu cầu tích hợp.
Báo cáo nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của ĐBSCL” được xây dựng dựa trên bối cảnh và kịch bản phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đưa ra các kịch bản nguồn điện, đánh giá các tác động của các kịch bản đến việc làm, môi trường, chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng, phân tích chi phí – lợi ích và đưa ra các kết luận, khuyến nghị.
Theo dõi báo cáo chi tiết tại: https://bit.ly/3abSqfn