Việc hệ thống điện quốc gia hầu như không còn dự phòng có nhiều lý do nhưng cơ bản, theo tác giả, là vì EVN và Bộ Công Thương cho tới nay vẫn kiên quyết ôm chặt điện than, viện đủ lý lẽ để từ chối năng lượng tái tạo (NLTT), trước tiên là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Có không ít người ở hai thiết chế này nhắm mắt với xu hướng chung trên thế giới, kể cả Trung Quốc, là loại trừ dần nhưng nhanh chóng điện than. Họ cũng không quan tâm đến hậu quả đã được chứng minh của bụi mịn 2,5 µm (micro mét) đối với sức khỏe của con người. Dường như họ vẫn triền miên trong giấc ngủ điện than của mình từ nhiều thập kỷ trước.
Triền miên trong giấc ngủ điện than
Ngày 27.12.2019, tại hội nghị tổng kết ngành công thương, một vị đại biểu, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo động hệ thống điện hầu như không còn dự phòng. Dư luận chờ đợi được biết tại sao và cách giải quyết. Chờ đợi nhiều, thất vọng tương xứng.
Hầu như không còn dự phòng! Thế tại sao các hệ thống điện gió, điện mặt trời đã được lắp đặt thời gian gần đây ở Ninh Thuận, Bình Thuận, toàn bộ công suất lắp đặt không được đưa vào mạng lưới quốc gia? Nguyên nhân từ đâu? Hệ thống truyền tải điện không đáp ứng, trách nhiệm của EVN và Bộ Công Thương như thế nào?
Việc hệ thống điện quốc gia hầu như không còn dự phòng có nhiều lý do nhưng cơ bản, theo tác giả, là vì EVN và Bộ Công Thương cho tới nay vẫn kiên quyết ôm chặt điện than, viện đủ lý lẽ để từ chối năng lượng tái tạo (NLTT), trước tiên là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Có không ít người ở hai thiết chế này nhắm mắt với xu hướng chung trên thế giới, kể cả Trung Quốc, là loại trừ dần nhưng nhanh chóng điện than. Họ cũng không quan tâm đến hậu quả đã được chứng minh của bụi mịn 2,5 µm (micro mét) đối với sức khỏe của con người. Dường như họ vẫn triền miên trong giấc ngủ điện than của mình từ nhiều thập kỷ trước.
Bộ Công Thương có chấp hành Nghị quyêt 120/NQ-CP?
Trong các năm tới nếu không điều hành quyết liệt sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng, vị đại biểu khẳng định. Nhưng điều hành quyết liệt là gì? Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.
Đành rằng mỗi công dân có quyền bày tỏ ý kiến của mình, nhưng chức vụ càng cao, thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm phải đi cùng. Vượt trên vị đại biểu khả kính, tác giả muốn nói đến trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chấp hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 18.11.2017, Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Công thương là bộ phận, Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ, chắc hẵn phải nhớ rằng Nghị quyết 120 đã quyết nghị:
(1) Điểm 5. Một số nhiệm vụ cụ thể, khoản (e) Bộ Công Thương:
- Rà soát công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch địa điểm; giám sát chặt chẽ việc triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) bảo đảm công nghệ mới, hiện đại, bảo đảm tuyệt đối không gây ô nhiễm môi trường.
- Hạn chế tối đa việc bổ sung các nhà máy nhiệt điện than mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; từng bước chuyển đổi công nghệ đối với các nhà máy nhiệt điện than hiện có theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời”.
(2) Điểm 4. Các giải pháp tổng thể: “Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc,tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học”.
Tìm mãi không thấy điểm nào trong Nghị quyết 120 khả dỉ là cơ sở cho đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”. Chỉ nhận ra rằng Bộ Công thương chưa chấp hành nghiêm túc Nghị quyết 120.
Cũng xin nhắc lại một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế. Chủ trương này cũng phải được áp dụng cho đồng bằng sông Cửu Long.
Phải chăng báo động “hệ thống điện hầu như không còn dự phòng” được sử dụng vừa để “chạy tội” trước, vừa như là một thứ áp lực lên Thủ tướng Chính phủ, và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình là một thứ áp lực thứ hai lên các tỉnh phía Nam phải chấp nhận điện than mà vì bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân các tỉnh đã khước từ?
Mức độ tập trung của PM 2,5µm thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam năm 2015 (trái) và dự báo 2030 (phải) theo số liệu từ Tổng sơ đồ Điện VII.
(Mô phỏng của Shannon N, Koplitz và ctv, Đại học Harvard 2015)
Bổ sung. Sau khi bài viết đươc xuất bản trên Báo điện tử VietTimes, tác giả nhận được từ ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN phản hồi sau đây:
1. Vị đại biểu đã phát biểu nguyên là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
2. Ở Bình Thuận và Ninh Thuận đã đưa vào vận hành 2000MW và chỉ quá tải vào giờ cao điểm khoảng 600MW. Hiện nay điện mặt trời đã đưa vào vận hành hơn 4600MW, điện năng sản xuất hàng ngày khoảng 22 triệu kWh, chiếm gần 3% sản lượng sản xuất của hệ thống.
3. Dự kiến năm 2020 sẽ tăng công suất các nhà máy điện mặt trời khoảng 1800MW. EVN đang nỗ lực để năm 2020 sẽ giải toả hết công suất của các nhà máy điện mặt trời.
Tác giả cám ơn ông Dương Quang Thành và xin bổ sung như trên.
Nguồn: Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Bài đăng trên báo điện tử VietTimes