Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

BỤI MỊN PM2.5 – SÁT THỦ VÔ HÌNH VỚI SỨC KHỎE

  |   Viết bởi : GreenID

Ô nhiễm không khí là tác nhân môi trường hàng đầu có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí là tác nhân môi trường hàng đầu có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Tại Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ô nhiễm không khí đã rõ rệt và đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Theo khảo sát của GreenID vào năm 2016 và 2018 về ô nhiễm không khí, có đến 99% số người được hỏi bày tỏ sự quan tâm tới chất lượng không khí nhưng chỉ có 4% hải lòng về chất lượng không khí. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Mê Công năm 2018 chỉ ra rằng ô nhiễm không khí xếp thứ 2 trong những vẫn đề lo lắng nhất của người dân Việt Nam[1].

Vậy ô nhiễm không khí là gì?

Ô nhiễm không khí có thể được hiểu là sự thay đổi sự thay đổi tính chất tự nhiên của không khí trong nhà hoặc ngoài trời bởi một hoặc nhiều tác nhân hóa học, lý học hoặc sinh học; khiến cho môi trường không khí không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường gây ảnh hưởng xấu tới con người và sinh vật.

Bụi mịn là gì?

PM viết tắt cho Particulate Matter bao gồm một hỗn hợp các hạt vật chất rắn và lỏng trong không khí. Ô nhiễm bụi mịn được phản ánh thông qua bụi PM10 và bụi PM2.5.

Bụi PM10: hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet.

Bụi PM2.5: hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet.

Bụi PM10 và PM2.5 đều có kích thước rất nhỏ

Nguồn gốc của bụi PM 2.5?[2]

Bụi PM2.5 có thể xuất phát từ nguồn gây ô nhiễm trong nhà hoặc ngoài trời.

Bụi PM2.5 ngoài trời đến từ quá trình đốt nhiên liệu như than, củi, gỗ; khí thải từ hoạt động giao thông. PM2.5 cũng có thể gây ra bởi các nguồn tự nhiên như cháy rừng, núi lửa phun trào. Do kích thước nhỏ bụi PM2.5 có thể phát tán xa hàng trăm kilomet trong không khí.

Bụi PM2.5 cũng được tạo ra từ các hoạt động trong nhà như khói thuốc lá, nấu ăn, sử dụng bếp than, đốt nến hoặc đèn dầu, lò sưởi,…

Ảnh hưởng của bụi PM2.5 tới sức khỏe?

Bụi PM2.5 được coi là "sát thủ vô hình" nguy hiểm trong không khí do kích thướng nhỏ (bằng khoảng 1/30 sợi tóc) và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Với kích thước này, bụi PM2.5 có thể len lỏi sâu vào trong cơ thể và gây ra hàng loạt các bệnh về hô hấp. PM2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. Khẩu trang thông thường (như khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế) không thể ngăn ngừa được bụi này, để lọc bụi PM2.5 cần phải sử dụng khẩu trang chuyên biệt.

Trong ngắn hạn, tiếp xúc với bụi PM2.5 có thể gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở. Ngoài ra, với kích thước siêu nhỏ, bụi PM2.5 có thể gây ảnh hưởng đến chức năng phổi và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh của những người mắc bệnh hen suyễn và bệnh tim. Các nghiên cứu khoa học đã thấy có mối liên hệ giữa sự gia tăng phơi nhiễm PM2.5 hàng ngày với sự gia tăng các ca nhập viện về hô hấp và tim mạch, các ca cấp cứu và tử vong. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc tiếp xúc lâu dài với các chất dạng hạt mịn có thể làm tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già có thể đặc biệt nhạy cảm với PM2.5[2]

Tác động của ô nhiễm không khí và bụi PM2.5 đến sức khỏe trẻ em?

Trẻ em có tốc độ thở nhanh gấp đôi người lớn[3], đồng thời lượng chất gây ô nhiễm trẻ em hít vào cũng cao hơn tính theo mỗi đơn vị trọng lượng cơ thể. Hơn thế nữa, trẻ em thường hít thở bằng miệng nhiều hơn là qua đường mũi, do đó lượng chất gây ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM2.5 hít vào cơ thể cũng tăng lên.

Ô nhiễm không khí có thể đe dọa đến tình trạng phổi của trẻ em và gây ra cá bệnh đường hô hấp, thêm vào đó nó còn phá hủy các mô não và lâu dài gây nên sự suy giảm trong phát triển nhận thức. Các chất ô nhiễm có thể tác động đến quá trình lưu thông máu lên não, từ đó giảm khả năng học hỏi và tư duy của học sinh. Bệnh hen suyễn và bệnh đường hô hấp gia tăng cũng dẫn tới việc học sinh phải nghỉ học thường xuyên hơn.

Năm 2009, một nhóm nghiên cứu sinh từ đại học Queensland, đại học Griffith (Úc) và đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội đã thực hiện một nghiên cứu về mối liên hệ giữa bụi ô nhiễm không khí và đường hô hấp của trẻ em ở Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, tại Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 90% trẻ em dưới năm tuổi mắc bệnh đường hô hấp, mà nguyên nhân trực tiếp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Trên thế giới, mỗi năm cứ 10 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ tử vong vì những căn bệnh đường hô hấp.

Theo Quỹ Nhi Đồng Thế Giới, hàng năm có khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà.

Theo UNESCO, một phần bảy (1/7) trên tổng số 300 triệu trẻ em trên thế giới, trong đó chủ yếu là ở Châu Á (290 triệu) – đang phải sống ở những khu vực có chỉ số ô nhiễm không khí ngoài trời cao hơn ít nhất sáu lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Như vậy, ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 có tác động rất lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta cần phải có những giải pháp giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm không khí và tự theo dõi chất lượng không khí hàng ngày để có các biện pháp bảo vệ bản thân và người thân như đeo khẩu trang chống bụi mịn, sử dụng máy lọc không khí trong nhà, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân khi không cần thiết...

Ảnh bìa: Shutterstock


[1] Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong  (2018), "Khảo sát Người Việt của năm 2018".