Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Cần có một tiếng nói chung cho thủy điện miền Trung

  |   Viết bởi : Trích dẫn tại: http://www.vrn.org.vn/vi/h/d/2013/10/788/CaN_Co_MoT_TIeNG_NoI_CHUNG_CHO_THuY_dIeN_MIeN_TRUNG/index.html

Ngày 3/10 tại khách sạn Golf Hội An, Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo đối thoại các bên liên quan về chủ đề Thủy điện Miền Trung và sự tham ...

Ngày 3/10 tại khách sạn Golf Hội An, Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo đối thoại các bên liên quan về chủ đề Thủy điện Miền Trung và sự tham gia của người dân với sự phối hợp tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triễn Xã hội (CSRD), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp hội các Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dưới sự hỗ trợ của quỹ Rosa Luxemburrg và tổ chức ICCO tại Việt Nam.

Mục tiêu của diễn đàn nhằm tạo ra sự đối thoại đa chiều giữa các bên liên quan để đưa đến một kết quả đồng thuận, cùng nhau thảo luận đưa ra một hướng mới trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng đặc biệt là thủy điện.
Hội thảo với sự tham gia đông đảo của hơn 100 đại biểu, đại điện cho những người dân khu vực miền Trung bị ảnh hưởng bởi các công trình thủy điện, cùng đại diện các cấp lãnh đạo, các Sở Ban Ngành liên quan.

IMG_0003

Phát biểu tại hội thảo Phó Giám đốc Sở tài chính Quảng Nam, nguyên là chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My ông Đặng Phong cho rằng: “Thủy điện đã đem lại cho các nhà kinh doanh một nguồn lợi khổng lồ, có thể nói đó là ngành kinh tế “siêu lợi nhuận” với con số thu vào hơn 4 tỷ đồng mỗi ngày. Nhưng bên cạnh đó rất nhiều các giá trị khác đã bị bỏ qua và vĩnh viễn mất đi”, ông cũng nhấn mạnh rằng “làm thủy điện chỉ có xấu và không có gì tốt đẹp”.

Đại diện cho cộng đồng người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện ở Thừa Thiên Huế, bà Phan Thị Qua (thôn tái định cư xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “thủy điện về chúng tôi không có đất sản xuất, đất được cấp không đủ lại thiếu màu mỡ, không trồng được cây lúa chỉ hợp với cây lâm nghiệp, đường xá đi lại khó khăn, còn nơi người dân sống lại cách Uỷ ban nhân dân tới…10km”. Cùng tâm trạng như bà Qua bà Nguyễn Thị Thanh Nga (thôn Dục Tịnh, xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quãng Nam nói: “ Tôi ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng bởi thủy điện là rất nặng nề, người dân chết khô cũng có mà chết nước cũng có bởi thủy điện điều tiết nước không hợp lý. Vậy nên chúng tôi kiến nghị là không nên xây thêm thủy điện nữa bởi dân chúng tôi khổ lắm rồi…”

Tại Hội thảo nhiều vấn đề quan trọng đã được đưa ra và cùng nhau thảo luận, tuy nhiên những vấn đề đặt ra trên những quan điểm nhìn nhận khác nhau từ phía người dân cũng như từ phía các nhà lãnh đạo đã làm cho cuộc đối thoại trở nên sôi nổi. Ông Ngô Xuân Thế (Ban quản lý thủy điện A Vương) cho rằng: “ Thủy điện không phải mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ như mọi người vẫn nghĩ và càng không phải là một “loại hàng” siêu lợi nhuận”. Bên cạnh đó ông cũng nói thêm: “người dân không đánh giá được hết những giá trị của việc đền bù sau tái định cư, họ chưa biết cách sử dụng tiền đền bù và nhìn nhận theo chuẩn du nhập tức là phải có xe máy, có điện thoại dù ở đây vẫn chưa có…sóng và để liên lạc với nhau thì phải chạy đến tận chỗ có trạm sóng, hai người nói chuyện vài tiếng rồi lại về…”.

Rõ ràng sự thẳng thắn trong cách nhìn nhận vấn đề giúp những người liên quan bày tỏ rõ hết những quan điểm xoay quanh vấn đề thủy điện nhưng gì đã làm và chưa làm được trong việc triển khai xây dựng các dự án thủy điện. Thật khó để cân bằng lợi ích các bên liên quan nếu như không có những bước đi đúng đắn và có trách nhiệm.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thủy điện được xem là một nguồn năng lượng dồi dào và mang lại lợi nhuận cao, nhưng với cách thức khai thác như hiện nay thì thủy điện đã lấy đi rất nhiều những nguồn lợi khác từ rừng, phá hoại cân bằng sinh thái hay ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân nằm trong vùng quy hoạch thủy điện, các giá trị này là không thể đong đếm được. Vậy nên giải pháp là cần nâng cao hiệu quả sử dụng và đầu tư khai thác hợp lý, không thể vì lợi ích của bất lỳ một ai mà ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. “Chúng ta có tiềm năng thủy điện rất lớn nhưng cách khai thác của chúng ta làm cho mọi thứ trở nên không tốt và với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tìm nguồn nguyên liệu thay thế mà vẫn đảm bảo sự ổn định cho nguồn năng lượng quốc gia”- bà Ngụy Thị Khanh (Giám đốc GREENID) chia sẻ.

IMG_0127

Thông qua cuộc đối thoại cũng đã cho thấy tiếng nói và sự tham gia của người dân trong quá trình triển khai các dự án thủy điện là rất mờ nhạt, bên cạnh đó những cam kết trong việc đền bù tái định cư, trồng và bảo vệ rừng, đảm bảo sinh kế cho người dân vùng thủy điện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hội thảo đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng cần có những hoạch định cũng như chính sách đúng đắn trong việc tạo ra nguồn năng lượng dồi dào cho quốc gia, nhưng bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo các yếu tố khác để phát triễn bền vững trong tương lai. Kết thúc Hội thảo bà Lâm Thị Thu Sửu ( Điều phối viên VRN, Giám đốc CSRD) cũng đã đưa ra thông điệp: “ Cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi đưa ra quyết định phê duyệt dự án thủy điện và cũng cần có cơ chế chia sẻ lợi ích của thủy điện để đảm bảo sinh kế của người dân…”, đây cũng là những gì quan trọng mà mục tiêu cuộc hội thảo hướng đến.

Trích dẫn tại: http://www.vrn.org.vn/vi/h/d/2013/10/788/CaN_Co_MoT_TIeNG_NoI_CHUNG_CHO_THuY_dIeN_MIeN_TRUNG/index.html