Sáng 16/10, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh-GreenID tổ chức Diễn đàn "Cơ sở khoa học của việc tính ...
Sáng 16/10, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh-GreenID tổ chức Diễn đàn "Cơ sở khoa học của việc tính giá điện". Hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đánh giá độc lập và đại diện của các ngành liên quan tham dự tọa đàm.
Giá điện bán lẻ hiện nay được tính trên cơ sở Luật Điện lực và Luật Điện lực sửa đổi bổ sung, theo đó Chính phủ đã ban hành 3 quyết định từ năm 2013 lại nay để điều chỉnh giá điện. Giá bán lẻ điện hiện đang áp dụng được xác định theo 6 bậc từ thấp đến cao từ 1484 đồng/Kwh ở bậc 1 (50kWh đầu) đến 2587 đồng/kWh ở bậc 6 (từ hơn 400kWh) chênh nhau khoảng 1,7 lần. Phương án này có ưu điểm phản ánh rõ về chính sách giá điện của Nhà nước như ưu đãi với người nghèo, khuyến khích tiết kiệm, hạn chế lãng phí nhưng đồng thời cũng gây ra những khó khăn trong công tác quản lý.
Toàn cảnh diễn đàn
Trong nhiều năm qua việc điều chỉnh giá điện đã có nhiều vấn đề thiếu thống nhất, gây ảnh hưởng đến kinh tế và dư luận xã hội, để khắc phục vấn đề này Bộ Công thương đã giao EVN xây dựng đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đề án đã được tham khảo cách xây dựng biểu của các nước và được đưa ra trưng cầu dân ý với 3 phương án là giữ nguyên 6 bậc như hiện hành; quy định một mức giá và rút gọn xuống 3-4 bậc.
Tại diễn đàn đại biểu đã có nhiều ý kiến đa chiều về vấn đề xây dựng biểu giá điện sinh hoạt, đa số đều cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp, để có cơ sở xây dựng được cần có căn cứ từ nhiều phương diện nhằm phù hợp thức tế đất nước hài hòa lợi ích của doanh nghiệp của người dân. Tại đây các nhà khoa học đã phân tích ưu điểm, hạn chế của từng vấn đề đồng thời chỉ ra các nội dung cần làm rõ để xây dựng giá điện như bình đẳng và minh bạch trong kinh doanh điện, định mức đầu tư và cơ sở tính khấu hao vận hành... Việc tính giá điện cần căn cứ tiềm năng phát triển năng lượng, nền kinh tế quốc dân và cân đối giá điện các quốc gia trong khu vực.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thì giá điện phụ thuộc cơ bản vào khấu hao công trình và chi phí vận hành. Trong đó chi phí vận hành chiếm không lớn trong khi khấu hao công trình nếu thời gian càng ngắn thì sẽ rất cao đây là nguyên nhân giá điện sẽ tăng cao. Từ đó nên làm rõ căn cứ xây dựng hai nội dung trên khi xây dựng bảng giá điện.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban KHCN&MT Quốc hội cho rằng cũng cần xác định làm rõ và minh bạch trong kinh doanh điện, so sánh với các nước trong việc bảng giá điện với việc doanh nghiệp ở nước đó có độc quyền hay không?
Diễn đàn đã tập hợp nhiều ý kiến quan trọng nhằm giúp Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam xây dựng kiến nghị đề xuất góp ý cho Đề án xây dựng giá điện hiện nay một cách hợp lý, hài hòa, cớ cơ sở khoa học và pháp lý.
Trích dẫn tại: http://tamnhin.net/co-so-khoa-hoc-cua-viec-tinh-gia-dien-54585.html