Những bức ảnh được trưng bày ở triển lãm "Bắt nét Không khí, Phơi màu Ô nhiễm", một cuộc thi nhiếp ảnh do CHANGE tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về ô nhiễm môi trường; gợi mở một số giải pháp có thể thực hiện và kêu gọi sự chung tay hành động của các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp, người dân để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Nhà máy xả đầy khí thải đen cả một bầu trời Uông Bí, con đường Hà Nội mù mịt khói bụi, khói đen đặc không khí vì đốt rác trên những cánh đồng lúa … những khung cảnh đó có lẽ còn xa lạ với nhiều người, những người không phải sống bên những nhà máy nhiệt điện than luôn sáng đèn, hay phải sống trên những con đường đầy cát bụi mỗi khi đến giờ cao điểm. Những bức ảnh đã vẽ lên hiện thực đáng báo động về vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, cho chúng ta thấy một Việt Nam đang phát triển về kinh tế đến chóng mặt, kéo theo sự gia tăng của ô nhiễm không khí từ giao thông, nhà máy ...
Thực trạng ô nhiễm không khí đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó khắc phục hơn không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. Các chỉ số ô nhiễm không khí có nhiều ngày lên đến mức đáng báo động, đặc biệt ở các thành phố lớn tập trung đông dân như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Những bức ảnh được trưng bày ở triển lãm "Bắt nét Không khí, Phơi màu Ô nhiễm", một cuộc thi nhiếp ảnh do CHANGE tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về ô nhiễm không khí; gợi mở một số giải pháp có thể thực hiện và kêu gọi sự chung tay hành động của các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp, người dân để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Có lẽ một bức tranh hơn một ngàn lời nói, hãy cùng nghe những bức ảnh “kể chuyện” không khí nhé!
Bức ảnh miêu tả nhiệt điện Uông Bí - một trong 08 nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh đang hoạt động, cột ống khói là điểm nhấn trên bầu trời hoàng hôn đỏ rực. Quảng Ninh là trung tâm nhiệt điện của toàn Miền Bắc với tổng công suất hòa vào mạng lưới điện quốc gia khoảng 5.640MW. Để có nguồn năng lượng điện cung cấp cho cả nước, dù đã áp dụng các công nghệ hiện đại trong xây dựng các nhà máy nhưng Quảng Ninh cũng không tránh khỏi sự ô nhiễm do việc khai thác, vận hành các nhà máy điện. Tác giả: Nguyễn Thành Chung
Những người lượm rác làm kế sinh nhai trong những làn khói cháy âm ỉ quanh năm nơi bãi rác. Tác giả: Phạm Huy Đằng
Vào tháng 11 khu vực thành phố Bảo Lộc bị ô nhiễm khói bụi vi ngay mùa thu hoạch cafe, người dân phải sấy cho hạt ca phê khô bằng vỏ hạt cà phê. Tác giả: Lê Văn Cường
Khói bụi từ nhà máy đang hủy diệt sự sống của con người và thiên nhiên. Tác giả: Trần Văn Tuý
Đi giữa những chiếc xe cơ giới tung khói bụi mù mịt,cô gái ngồi sau lấy tay bịt miệng và bịt giúp cho bạn, nín thở tránh khói bụi. Tác giả: Nguyễn Minh Tân
Lúc chụp bức ảnh này, trời ảm đạm, nhà máy nhiệt điện Phả Lại đang hoạt động với hình ảnh hai ống khói xả, phía bên, hậu cảnh là khung cảnh vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tác giả: Trần Ngọc Nam
Một người đàn ông đang đốt rơm trên cánh đồng và những màu đen kèm khói của rơm tạo nên một khung cảnh ô nhiễm không khí rất nặng. Tác giả: Nông Thanh Toàn
Tuyến đường Phạm Văn Đồng đang được người dân ví von là “Con đường đau khổ”. Bởi lưu lượng giao thông cao, vừa thi công vừa lưu thông nên thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên nguồn khói, bụi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho người dân. Tác giả: Phạm Văn Học
Những ngày Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động trong buổi chiều tan tầm. Tác giả: Nguyễn Viết Cường
Phúc Tân là một xóm nằm ven bên cầu Long Biên thơ mộng nhưng người dân nơi đây từ lâu đã quá quen thuộc với không khí nồng nặc mỗi khi phế thải bị đốt lên khiến cho mọi thứ trở nên càng ô nhiễm nặng nề. Hình trong ảnh được chụp khi đi qua cầu và đây là một việc vẫn tiếp diễn hằng ngày dù đã có sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng người dân xóm Phúc Tân vẫn phải gồng lên để hứng chịu với cuộc sống ô nhiễm của mình. Tác giả: Nguyen Thi Phuong Hong
Sài Gòn vào những tháng cuối năm chẳng mấy khi thấy được Bình minh và Hoàng hôn một cách đúng nghĩa. Cả thành phố bị bao phủ bởi một lớp mù dày đặc. Khi mặt trời lên, ta không thể nhìn thấy những tia nắng đầu tiên ở phía chân trời. Thay vào đó là lớp bụi mù ngày một bốc lên cao dưới sức nóng của mặt trời. Nhiều triệu người ở TP Hồ Chí Minh mỗi ngày phải hít vào cơ thể bầu không khí đặc quánh khói, bụi ô nhiễm mà ta cứ tưởng như đang sống trong một xứ sở sương mù. Tác giả: Phan Thị Khánh
Nguồn: CHANGE VN