Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường có... xa dân?

  |   Viết bởi : Bông Mai - Báo Tuổi trẻ

Phân tích dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi 2020, đại diện các mạng lưới, liên minh, tổ chức và nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khỏe và pháp lý nhìn nhận dự luật này còn nhiều lý thuyết, 'xa' dân.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) mở cổng góp ý trực tuyến. Sau khi phân tích, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nhìn nhận dự luật này còn nhiều điều mang tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia của người dân vào các vấn đề có liên quan.

Mặc dù dự luật quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng người dân biết đến dự án trước khi xây dựng không nhiều, thậm chí chỉ các đơn vị quản lý mới có thông tin.

Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường gần đây như sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, sự cố dầu thải bẩn làm ô nhiễm nước sông Đà, vấn nạn ô nhiễm không khí ở thành phố lớn… mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng họ lại là đối tượng được biết thông tin sau cùng, khi sự cố xảy ra mới có cảnh báo và bản thân người dân cũng không biết nên gọi đến cơ quan, đơn vị nào để xác minh vấn đề.

Song song đó, thực tế cho thấy một số tổ chức nghiên cứu về chất lượng không khí khi thiếu thông tin đã có đề nghị được cung cấp thông tin từ cơ quan quản lý nhưng lại không nhận được phản hồi tiếp nhận hay không.

Cùng quan điểm, Nhóm hành động vì công lý, môi trường và sức khỏe (JEH) nhấn mạnh dự luật này có quy định hàng loạt thông tin môi trường phải được công khai, nhưng lại không quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chưa quy định về trách nhiệm của các chủ thể liên quan nếu không công khai thông tin.

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường có... xa dân? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) với cá biển chết dạt vào bờ, trong vụ gây ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa gây ra - Ảnh: TTO

Lấy ví dụ về hệ quả khi vai trò của người dân bị xem nhẹ trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra, theo tổ chức trên, người dân đã phát hiện ra ống xả thải trực tiếp ra biển, cũng phát hiện việc chôn lấp chất thải rắn nguy hại trong khu dân cư.

Tuy nhiên, dù các ý kiến đã được phản ánh lên chính quyền, hoạt động ở Khu công nghiệp Vũng Áng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ đến khi cá chết hàng loạt trên phạm vi rộng kéo dài 4 tỉnh vùng biển miền Trung, các cơ quan mới vào cuộc xử lý.

GreenID kiến nghị dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020 cần quy định thêm nội dung về quản lý và hợp tác giữa các tỉnh thành trong việc quản lý chất lượng không khí theo khu vực, bổ sung nội dung "đánh giá sức chịu tải của môi trường" vào kế hoạch quản lý chất lượng không khí. Bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh...

Theo JEH, dự luật cũng cần quy định đánh thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm.

Bộ TN&MT đã mở cổng góp ý trực tuyến từ 13-12-2019 đến 13-2-2020, tuy nhiên thời gian này trùng Tết Nguyên đán và dịch bệnh do virus corona chủng mới khởi phát. Do đó, nhiều đơn vị đề xuất gia hạn thời gian góp ý thêm 30 ngày và lùi thời hạn đề trình bản dự thảo luật lên Chính phủ và Quốc hội để các bên quan tâm tiếp tục đóng góp ý kiến, hoàn thiện vấn đề.

Theo: tuoitre.vn