Với việc sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới về bảo vệ môi trường, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được kỳ vọng sẽ trở thành đạo luật cơ bản về Bảo vệ môi trường, là căn cứ pháp lý hoàn chỉnh để phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Phóng viên Hanoitv.vn đã có cuộc trao đổi với Bà Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội xoay quanh nội dung này
Bà Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Tôi thấy rằng vấn đề Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi lần này là vấn đề rất bức thiết từ thực tiễn. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang bức xúc ở nhiều nơi. Do quy định của pháp luật còn nhiều yếu tố chưa đến nơi nên vẫn chưa tạo ra được sự nghiêm minh trong thực thi, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế việc sửa đổi Luật này rất bức thiết. Lúc đầu, Quốc hội chỉ định sửa một số điều, song trước yêu cầu của vấn đề bảo vệ môi trường nên đã sửa đổi toàn diện để có thể ngăn chặn các hành vi vi phạm.
PV: Theo bà, việc quy định rõ tiêu chí phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, đề nghị phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm gồm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có ý nghĩa như thế nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Việc phân loại này có ý nghĩa rất lớn. Nếu chúng ta không phân loại theo mức độ đầu tư công, có những dự án không gây ô nhiêm môi trường nhưng vẫn bắt đánh giá thì sẽ gây lãng phí và mất thời gian. Điều này góp phần cải cách hành chính, đi vào vấn đề bảo vệ môi trường một cách thiết thực.
PV: Có ý kiến cho rằng: về thẩm quyền, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ. Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ đảm bảo tính đồng bộ, khách quan trong đánh giá tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại chính địa phương đó. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Vấn đề này đã tiếp thu ý kiến của các địa phương. Việc giao trực tiếp vào trong Luật sẽ tránh được tình trạng phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên điều này cần tránh tính hình thức và phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn. Ngành tài nguyên môi trường tại địa phương phải chịu trách nhiệm song không thể làm một mình mà vẫn cần xin ý kiến của Bộ.
Tôi thấy trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này đã đề cập về trách nhiệm của người đứng đầu. Từ trước đến nay, chúng ta có nhắc đến trách nhiệm, nhưng mới chỉ nói chung chung. Thứ hai là các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, chứ không phải chỉ có mỗi Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng. Đây thể hiện tính minh bạch trong quy định pháp luật, đề cao trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu.
PV: So với việc dùng nhiều loại giấy phép, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó, bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ mang lại hiệu quả thiết thực gì thưa bà?
Bà TrầnThị Quốc Khánh: Luật này mang ý nghĩa thiết thực về cải cách thủ tục hành chính. Bởi trước đây chúng ta quy định hai yếu tố, 1 là tác động xả thải ra môi trường, 1 yếu tố là xả thải ra các công trình thủy lợi. Điều này rất khó, nó chồng chéo và gây bức xúc cho địa phương. Bây giờ chúng ta tiếp thu ý kiến của địa phương và đưa chung vào 1 giấy phép trong đó tích hợp tất cả các trách nhiệm về môi trường bao gồm cả thủy lợi
PV: Một cách tiếp cận rất mới của Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, đó là sử dụng công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi của người dân, doanh nghiệp theo hướng có lợi cho môi trường. Bà đánh giá ra sao về điều này?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Quy định về công cụ kinh tế có tác dụng tốt khi khuyến khích người dân sống và làm việc có ý thức bảo vệ môi trường. Những người sống có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường sẽ không phải lo lắng về vấn đề chi phí và ngược lại những người thiếu ý thức sẽ phải chịu chi phí. Công cụ kinh tế còn một ý nữa, đó là việc phân loại rác thải nếu là rác thải thông thường có thể tái chế được sẽ không mất chi phí, ngược lại nếu rác thải mang tính độc hại cần qua xử lý thì sẽ mất chi phí.
PV: Luật Bảo vệ Môi trường đã sửa đổi nhiều lần, nhưng thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường không được cải thiện. Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ngày càng trầm trọng, tình trạng các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng ngang nhiên. Vậy, theo bà, lần này Luật cần sửa đổi theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu thực tế?
Bà Trần Thị Quốc Khánh: Tôi thấy rằng 2 năm qua tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn xảy ra trầm trọng như vấn đề không khí, nước, đất... đã tác động đến cuộc sống của mỗi người dân. Chính vì những sự cố về môi trường này đã làm thức tỉnh mọi người, người dân đều thấy rõ sự tác động quá lớn đối với “mẹ thiên nhiên”, tác động mạnh đến các loài sinh vật, rồi là tàn phá môi trường đến mức có thể bùng phát ra virus... Đấy là cách phản ứng trở lại của thiên nhiên đối với sự tham lam của con người.
Tôi nghĩ rằng, chưa bao giờ nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân trong nước và quốc tế lại sâu sắc như vừa qua. Cho nên, quy định về môi trường phải chặt chẽ hơn, để đáp ứng được tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế, phải xử lý nghiêm minh những trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phải quy định rõ những trường hợp nào, thẩm quyền của ai, như thế nào cho cụ thể, để khi kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan, tổ chức đối với trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Tôi hy vọng là Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới sẽ có tác động tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn bà./.
Hoa Mai
Theo HanoiTV