Năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu của thế giới và đang có chi phí ngày càng rẻ so với nhiệt điện than.
Ông Nguyễn Thành - Phó Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) chia sẻ, cung cấp năng lực điện không thể né tránh được kịch bản ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do đó cần lựa chọn giải pháp sao cho phù hợp nhất, cân bằng giữa phát triển năng lực vừa thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ông Nguyễn Thành - Phó Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tại Diễn đàn khoa học góp ý chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030.
Từ năm 2017, sau khi Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và bổ sung quy hoạch đấu nối rất nhiều các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là các năng lượng điện mặt trời. Tính đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã phát triển được 20 nhà máy điện mặt trời (solar farm) với tổng công suất 705MW, đây là tốc độ phát triển rất nhanh so với các nước trong khu vực.Khu vực miền Trung và Tây Nguyên với điều kiện địa lý vừa đồng bằng ven biển, vừa cao nguyên; điều kiện thời tiết nắng nóng nên có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Đối với điện mặt trời áp mái (solar rooftop), hiện nay toàn khu vực đã đưa vào vận hành 179,6MW, đã thỏa thuận đấu nối 362,6MW và đang thỏa thuận đấu nối 648,3MW.
Điện gió tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng gió lớn như phía Tây tỉnh Quảng Trị, Khu kinh tế Nhơn Hội – tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa vào vận hành 04 nhà máy điện mặt gió với tổng công suất 110MW, tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Bình Định và Đăk Lăk.
Còn thủy điện được xây dựng tập trung chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Giai đoạn năm 2000 đến nay, với chủ trương xã hội hoá đầu tư xây dựng nguồn thủy điện vừa và nhỏ cộng với điều kiện địa hình thuận lợi, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đến nay EVNCPC đã hỗ trợ, phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện vừa và nhỏ ngoài ngành đóng điện hòa vào hệ thống điện Quốc Gia 137 nhà máy với tổng công suất 1.644MW. Đây là nguồn điện tại chỗ quan trọng, chiếm tỉ trọng ngày càng đáng kể trong cân đối nguồn điện của EVNCPC, đáp ứng được một phần khó khăn khi hệ thống điện Quốc Gia thiếu nguồn.
Ông Nguyễn Thành cho hay, cơ cấu về nhiệt điện chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đặc biệt là nhiệt điện than, thực sự gây tác động xấu đến môi trường. Nhưng trước nhu cầu về an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu... ngành điện đang tích cực xem xét các kịch bản phát triển các sản phẩm năng lượng tái tạo trong tương lai.
"Hiện tiềm năng về thủy điện đã bão hòa, không phát triển được nữa, trong khi các nhà máy nhiệt điện có ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đồng thời lại còn rất đắt do phải nhập than. Do đó phát triển điện mặt trời đang được ngành điện tập trung để cung cấp trên hệ thống" - ông Thành cho biết.
Tỉ trọng các loại nguồn điện NLTT đấu nối vào lưới điện EVNCPC hiện nay
Đây cũng là một thách thức lớn của EVNCPC trong việc vừa khuyến khích phát triển các nguồn NLTT để bổ sung thêm nguồn cho hệ thống điện quốc gia (trong bối cảnh dự báo giai đoạn 2021 – 2025 sẽ thiếu điện) vừa đảm bảo chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.Việc các nguồn năng lượng tái tạo công suất lớn đưa vào vận hành ồ ạt trong thời gian qua nhưng lưới điện chưa được đầu tư đồng bộ đã dẫn đến một số khu vực thường xuyên vận hành đầy tải, tăng tổn thất điện năng do truyền tải hộ công suất các nguồn điện, thậm chí có nguy cơ không đảm bảo khả năng giải tỏa công suất. Tình trạng này đã xảy ra tại một số khu vực ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, phía Bắc tỉnh Phú Yên, phía Nam tỉnh Khánh Hòa, phía Đông tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Thành đánh giá, việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện quốc gia là điều cần thiết nhưng vẫn có những điểm yếu là phụ thuộc vào điều kiện thời tiết: trời mưa, nhiều mây ảnh hưởng đến công suất điện mặt trời, trời lặng gió, gió nhẹ không thể làm quay các tuabin điện gió... Do đó, Nghị quyết 55 đã nêu rõ, đến năm 2030 chỉ phát triển điện gió ở mức 20% để đáp ứng cho dự phòng trong tình huống sập lưới. Nếu để mức dự phòng càng lớn thì khi tính vào giá thành sẽ đẩy lên cao và không hợp lý.
Không thể đảo ngược xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo nhưng chuyển dịch theo cách nào?
Phát biểu tại Diễn đàn Khoa học "Hướng tới một chiến lược phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cảnh trạng thái bình thường mới và biến đổi khí hậu toàn cầu" do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung Tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID)
Trên thế giới và cả ở Việt Nam, xu hướng năng lượng tái tạo tiếp tục bùng nổ, điện than thì thoái trào và điện khí gia tăng trong thời gian qua.Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng không chỉ là câu chuyện kỹ thuật mà là cả chuyển dịch kinh tế, gắn với chuyển dịch lao động. Làm sao để không chỉ chuyển dịch năng lượng ở dạng tái tạo tuần hoàn đơn thuần mà còn phải gắn với tính bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, tạo ra công ăn việc làm mới và đảm bảo tác động tích cực cho cộng đồng.
Điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam đang có cơ hội phát triển, dẫn đầu các nước trong khu vực
Tại Mỹ, nhiều chủ đầu tư khí và dầu đều đang chuyển hướng đầu tư cho năng lượng tái tạo và pin tích trữ. Thực tế cuộc khủng hoảng dầu vừa qua đã là một bài học đắt giá cho thấy những quyết định chuyển hướng của các nhà đầu tư Mỹ. Nhưng trên thế giới, công suất và đầu tư cho năng lượng tái tạo đang tăng nhanh hơn là đầu tư cho điện than và năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, giá thành đầu tư của năng lượng tái tạo đã bắt đầu rẻ hơn so với các nguồn điện truyền thống. Thống kê trên toàn cầu cho thấy, hơn 50% công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung vào năm 2019 có chi phí sản xuất điện rẻ hơn so với các nhà máy điện than mới.
Nhiều nước đã thực hiện cơ chế đấu thầu, gọi thầu cạnh tranh để giảm giá dự án năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; đồng thời chú trọng đến quy mô phân tán của điện mặt trời ví như điện mặt trời mái nhà như hiện nay.
Tại Việt Nam, điện mặt trời đã đạt mục tiêu cao hơn và sớm hơn 5 năm, điện gió tiếp tục bổ sung quy hoạch, cao hơn so với chỉ tiêu.
Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, nếu chuyển đổi năng lượng tái tạo một cách bền vững và công bằng thì an ninh năng lượng được đảm bảo tốt hơn; Giảm tác động với môi trường và sức khỏe cộng đồng; Giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phát triển năng lượng bền vững tạo được động lực phát triển mới, đặc biệt là cho các tỉnh thành như Ninh Thuận, Bình Thuận và các địa phương khác đang có tiềm lực về năng lượng tái tạo; đồng thời làm tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu xa, hẻo lánh.
Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư theo kịch bản chuyển dịch năng lượng bền vững sẽ ít tốn kém hơn cho đầu tư nhiên liệu hóa thạch. Chi phí sản xuất điện của kịch bản chuyển dịch đang dần thấp hơn kịch bản phát triển sản phẩm năng lượng truyền thống.
Chưa kể, đầu tư cho năng lượng tái tạo giúp tạo nên việc làm mới, cải thiện môi trường làm việc. Hơn nữa, chuyển dịch năng lượng không dẫn tới mất việc làm cho người lao động của ngành than hay của các nhà máy nhiệt điện than.
Kịch bản đề xuất gia tăng đóng góp của năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện cả nước theo khuyến nghị của GreenID
Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn.Bà Khanh cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc triển khai dự án năng lượng tái tạo. Ví như ở những địa phương được định hướng phát triển điện mặt trời, nếu không có chính sách tốt thì sẽ không đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện. Tuy nhiên, nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của ngành cũng là một thách thức. Việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch, nhất là ở các địa phương còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường.
Bà Khanh kiến nghị, chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng;
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch đốt than.
Cúc Phương
Theo báo Đất Việt