Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

GreenPeace Đông Nam Á công bố báo cáo "Tiêu chuẩn kép"

  |   Viết bởi : Xuân Quyên

Đây là thông tin chuyên ngành để cán bộ, đối tác và cộng tác viên của GreenID tham khảo. Thông tin lấy nguồn từ tổ chức GreenPeace Đông Nam Á ...

Đây là thông tin chuyên ngành để cán bộ, đối tác và cộng tác viên của GreenID tham khảo. Thông tin lấy nguồn từ tổ chức GreenPeace Đông Nam Á và GreenPeace Nhật Bản, GreenID không chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin.

Link bài gốc, nguồn từ tổ chức GreenPeace Đông Nam Á và GreenPeace Nhật Bản: https://www.greenpeace.org/japan/nature/story/2019/08/20/9918/; https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/50f9107b-vietnamese_double-standard_ipr.pdf

------

Nhật Bản đầu tư vào các nhà máy điện than độc hại ở nước ngoài với mức phát thải ô nhiễm cao hơn từ 13 đến 40 lần so với các nhà máy điện than trong nước. 


Tokyo, ngày 20 tháng 8 năm 2019 - Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức tài chính công như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Bảo hiểm Xuất khẩu Nhật Bản (NEXI) đang xuất khẩu ô nhiễm sang các quốc gia khác thông qua hoạt động đầu tư vào các nhà máy điện than ở những nước này. Những nhà máy này thải ra chất gây ô nhiễm không khí cao hơn nhiều lần mức cho phép tại Nhật Bản. 
 
Việc áp dụng tiêu chuẩn kép nguy hại như vậy cho phép các nhà máy điện than do Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài thải ra lượng khí ôxit nitơ (NO x​) cao gấp 13 lần, lưu huỳnh điôxit ( SO​2​) cao gấp 33 lần và lượng bụi cao gấp 40 lần so với các nhà máy được xây dựng ở Nhật Bản. 
 
Tham khảo báo cáo tại đây.

Tiếng Việt: https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/40364dd9-vietnamese_double-standard_executive-summary.pdf

Tiếng Anh: https://storage.googleapis.com/planet4-japan-stateless/2019/08/d8d87182-double_standard_report_a4_web.pdf

  
Kết quả nghiên cứu do tổ chức Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản công bố, cho thấy từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2019 các tổ chức tài chính công của Nhật Bản đã đầu tư 16,7 tỷ USD vào các nhà máy điện than ở nước ngoài. Khoản đầu tư này ước tính sẽ gây ra tổng cộng 150.000 đến 410.000 ca tử vong sớm đáng lẽ có thể tránh được trong vòng đời hoạt động thường kéo dài 30 năm của những nhà máy này. 
 
Bà Hanna Hakko – Chuyên viên năng lượng cao cấp của Tổ chức Greenpeace Nhật Bản nhận định “Thật đáng tiếc khi chứng kiến khoảng cách giữa những lời hứa hẹn của Nhật Bản về việc đầu tư cơ sở vật chất chất lượng ở nước ngoài với thực tế xuất khẩu công nghệ điện than chất lượng thấp. Nhật Bản cần phải tôn trọng các đối tác thương mại và người dân của những quốc gia này thông qua việc thúc đẩy các công nghệ năng lượng không gây hại tới sức khỏe con người và môi trường.  
 
Nhật Bản có thể trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng điều này đòi hỏi Nhật Bản cần chấm dứt xuất khẩu công nghệ điện than gây ô nhiễm.” 
 
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khối G7 vẫn đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện than mới trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng thời đứng thứ 2 trong khối G20 về đầu tư công cho các dự án điện than ở nước ngoài.  
 
Ông Tata Mustasya, Điều phối viên Chương trình Khí hậu và Năng lượng, Greenpeace Đông Nam Á nhận định: 
 
“Nếu các tiêu chuẩn không phù hợp với Nhật Bản thì cũng không phù hợp với Indonesia. Chính phủ các nước sở tại, nơi có các dự án điện than do Nhật Bản đầu tư cần bảo vệ người dân bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và nhanh chóng chuyển dịch từ 
điện than sang năng lượng tái tạo. Việc thay đổi chính sách và hoạt động đầu tư này cần được thực hiện ngay vì sức khỏe con người và môi trường cũng như để bảo vệ tương lai hành tinh của chúng ta.” 
 
Greenpeace yêu cầu  cả Nhật Bản và các quốc gia nhận vốn đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực điện than cần lập tức chuyển dịch từ than sang các nguồn năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm. Đây là cách duy nhất giúp tránh những tác động nghiêm trọng đối với sức khoẻ do phát thải của nhiệt điện than, trong đó có hàng trăm nghìn ca tử vong sớm. Sự chuyển dịch này cũng giúp tránh được những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.   Kết quả phân tích trên cơ sở mô hình hóa của Greenpeace Đông Nam Á và Greenpeace Nhật Bản : 
 
- Các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài do Nhật Bản đầu tư thải ra lượng ôxit nitơ (NO​x​) cao gấp 13 lần, lưu huỳnh điôxit ( SO​2​) cao gấp 33 lần và lượng bụi cao gấp 40 lần so với các nhà máy được xây dựng ở Nhật Bản.

- Khoảng 3,3 triệu người sẽ phải tiếp xúc với mức lưu huỳnh điôxit ( SO​2​) nguy hiểm từ các nhà máy điện than vận hành theo giới hạn phát thải của các nước sở tại.

- Theo dự báo, phần lớn các ca tử vong sớm do hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào các nhà máy điện than sẽ xảy ra tại Ấn Độ (160.000 trường hợp), Indonesia (72.000), tiếp đó là Việt Nam (36.000) và Bangladesh (14.000) trong vòng đời hoạt động 30 năm của những nhà máy này  do tiếp xúc với bụi mịn (PM 2.5​) và ôxit nitơ (NO​x​) trong thời gian dài. 


 HẾT 
 
Thông tin liên hệ: 
 
Bộ phận Báo chí, Greenpeace Quốc tế (hoạt động 24 giờ),  pressdesk.int@greenpeace.org​, +31 (0) 20 718 2470 
Hãy theo dõi @greenpeacepress trên Twitter để cập nhật các thông cáo báo chí quốc tế mới nhất của chúng tôi.