Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hai xã tiên phong biến phế thải thành năng lượng

  |   Viết bởi : Thúy Bình

  Hai xã của Thái Bình tiên phong biến phế thải địa phương thành nguồn năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu địa phương. Phế thải thành tài nguyên Phân gia súc ...

 

Hai xã của Thái Bình tiên phong biến phế thải địa phương thành nguồn năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu địa phương.

Phế thải thành tài nguyên

Phân gia súc và phế phẩm nông nghiệp từng là nguyên nhân góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường tại hai xã Nam Cường và Bắc Hải. Đồng thời cũng gây đau đầu lãnh đạo địa phương về địa điểm xử lý cũng như phương thức giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề đó có thể được giải quyết nhờ lãnh đạo hai xã đã đưa giải pháp sử dụng phân gia súc và phế phẩm nông nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo trong bản quy hoạch năng lượng địa phương từ năm 2012 - 2016. Vì vậy, hai xã của quê hương năm tấn trở thành những địa phương tiên phong có các mục tiêu rõ ràng về loại năng lượng thân thiện với môi trường.

Theo kế hoạch năng lượng năm năm (2012 - 2016) của Nam Cường, xã ven biển sẽ xây dựng đường ống dẫn khí sinh học biogas cho 50 hộ gia đình vào năm 2013 và hướng tới 100% số hộ vào năm 2016. Sau đó, tiến hành thử nghiệm sử dụng Biogas để phát điện.

quyhoachNamcuong

 

Lượng khí CO2 của xã Nam Cường dự kiến sẽ ổn định trong 4 năm tới nhờ phát triển biogas

Nguyên liệu sản xuất biogas chính là nguồn phân gia súc đang gây ô nhiễm môi trường cho xã. Hiện nay, phong trào chăn nuôi trong dân ở đây phát triển mạnh. Xã lấn biển có hai trang trại lợn, một trang trại xuất chuồng mỗi lần khoảng 6.000 con lợn và một trang trại khoảng 2.000 con lợn. “Chúng tôi sẽ có thêm một trang trại bán ra thị trường mỗi lần khoảng 2.000 con lợn”, ông Hoàng Ngọc Sang, chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết. Nguồn phế thải từ lợn đang gây ô nhiễm không khí trong xã sẽ được xử lý và biến thành nguồn năng lượng sạch phục vụ việc đun nấu trong dân.

Ngoài việc dùng phổ biến khí biogas vào năm 2016, ông Sang tin tưởng các hộ dân cũng sẽ hứng thú với các giải pháp năng lượng khác thân thiện với môi trường. Do đó, bản quy hoạch có nhiều mục tiêu liên quan đến năng lượng tái tạo như bếp cải tiến và bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. “100% các hộ dân cũng chuyển sang sử dụng bếp cải tiến – loại bếp ít khói, giảm lượng khí thải vào không khí.”, người lãnh đạo xã chưa đến 40 tuổi cho biết. “50% hộ dân sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời”.

Nếu như thành hiện thực, xã có thể giải quyết hai bài toán tài chính cho năng lượng và sức khỏe của người dân. Dự kiến, nguồn kinh phí chi tiêu cho năng lượng từ 12% xuống còn 8% so với tổng thu nhập vào năm 2016. “Chúng tôi sẽ giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”, ông Sang nhấn mạnh tại tọa đàm “Phát triển Năng lượng Bền vững ở Việt Nam”, diễn ra ngày 11/12.

Biogas cũng là lời giải cho chất thải và phế thải của xã Bắc Hải. “Chúng tôi sẽ thử nghiệm sản xuất Biogas từ thức ăn thừa tại trường mẫu giáo 300 học sinh của xã”, ông Nguyễn Văn Bàn, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Hải cho biết. Đồng thời, với tư cách là trưởng nhóm Năng lượng địa phương, ông Bàn cũng cam kết: Trong năm tới, xã sẽ có 35 mô hình biogas vừa và nhỏ và nhân rộng thành 200 mô hình vào năm 2016.

quyhoachBacHai

 

Lượng khí CO2 của xã Bắc Hải dự kiến sẽ giảm trong bốn năm tới nhờ phát triển biogas và năng lượng sinh khối

Bên cạnh khí biogas, xã Bắc Hải còn lựa chọn năng lượng sinh khối để giải quyết bài toán phế phẩm nông nghiệp của mình. Xã nội đồng có khoảng 400ha trồng lúa, tạo ra 200.000 tấn rơm rạ/năm. Sau khi thu hoạch, khoảng 55% lượng rơm rạ ngoài đồng ruộng thường được thu gom để đốt, khói sinh ra trong quá trình đốt gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Chúng tôi sẽ xây dựng thử nghiệm nhà máy sản xuất điện khí sinh khối (100 kW) từ phế phẩm nông nghiệp”, ông Bàn cho biết.

Kế hoạch năng lượng địa phương của hai xã nằm trong chương trình dự án "Xây dựng Liên minh, mạng lưới năng lượng vì sự phát triển Năng lượng ở Việt Nam và vùng Mê Công", tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển - Đại sứ quán Thụy Điển (SIDA) và do Liên minh Năng lượng thực hiện. Liên minh Năng lượng bao gồm Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi với Biến đổi Khí hậu (CEWAREC),Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển (SSNC), Tổ chức Năng lượng Bền vững Đan Mạch (SE) và Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF)

Sản xuất điện từ khí biogas và năng lượng sinh khối sẽ giúp hai xã giảm bớt sự phụ thuộc vào điện lưới quốc gia, đồng thời, giải quyết bài toán ô nhiễm trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, phù hợp với xu hướng phát triển biogas trên cả nước vừa đáp ứng trực tiếp nhu cầu tại chỗ vừa sử dụng triệt để nguồn xả thải. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng % các hộ ở vùng nông thôn sử dụng năng lượng thương mại cho việc nấu nướng lên 50% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020 của Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam “Hai mô hình trên góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý và quản lý rác thải bằng việc sử dụng các giải pháp năng lượng bền vững, tập trung vào chất thải sinh hoạt từ hộ gia đình, chất thải trong chăn nuôi và chất thải từ các hoạt động nông nghiệp.” ông Nguyễn Tiến Long - Phó Giám đốc CEWAREC cho biết.

Bên cạnh đó, dự án ở Nam Cường và Bắc Hải có thể là gợi ý giải quyết bài toán phế phẩm nông nghiệp và thiếu điện ở các xã khác của Thái Bình. “Chúng ta đang lãng phí quá nhiều phế phẩm nông nghiệp”, TS Trần Duy Khanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (USTA) Thái Bình, cho biết. “Trong khi đó, so với mức tiêu thụ điện năm 2010, lượng điện tiêu thụ của Thái Bình được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015”. Năm 2010, tỉnh đã tiêu thụ khoảng 1.100 kw/h và năm năm sau, dự kiến là 2.317kw/h.

Do đó, nhiều nhà khoa học đánh giá hai bản quy hoạch năng lượng địa phương trên có tính tiên phong. “Đây là một bước đột phá”, ông Nguyễn Văn Bản, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng sạch cho biết. “Nông thôn – nơi chiếm diện tích lớn trong cả nước vốn là nơi yếu nhất về khâu thực hiện nhưng lại có bản quy hoạch năng lượng sớm. Đây là minh chứng tốt cho việc vận động hành lang cho Luật Năng lượng tái tạo.”

Luật Năng lượng tái tạo - chìa khóa phát triển thị trường

Thái Bình – một tỉnh thường xuyên bị cắt điện luân phiên - có khoảng 2.000 ha lúa, tạo ra khoảng một triệu tấn rơm rạ và 400.000 tấn vỏ trấu. Trước kia, đốt là cách thức phổ biến để giải quyết 55 – 60% lượng phế phẩm nông nghiệp trên. Hậu quả là, “không khí ở một số xã ô nhiễm không kém thành phố”, ông Khanh thừa nhận. Do đó, UBND tỉnh Thái Bình từng ra công điện cấm đốt rơm rạ và nếu xã nào để tình trạng trên xảy ra thì chủ tịch UBND xã sẽ bị xử lý.

Quê hương năm tấn không phải là địa phương duy nhất “lãng phí” phế phẩm nông nghiệp ở một nước xuất khẩu dựa vào nông nghiệp như Việt Nam. Do đó, kinh nghiệm thực hiện quy hoạch năng lượng nông thôn của hai xã Nam Cường và Bắc Hải sẽ là những bài học có thể đúc rút và áp dụng tại các địa phương có thế mạnh nông nghiệp.

Để làm được điều đó, trước hết, các cấp lãnh đạo cần thay đổi cách nhìn về phế phẩm nông nghiệp, thay vì coi đó là phế thải, lãnh đạo địa phương cần coi đó là nguyên liệu đầu vào sản xuất năng lượng. “Chất thải chính là nguồn tài nguyên”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện phó Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên (IPSPONRE) cho biết. “Từ chất thải hữu cơ, chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm tái chế như phân vi sinh, phân compost và khí đốt”. Theo ông Chinh, Việt Nam đã có Chiến lược tăng trưởng xanh, vì vậy, chất thải sẽ có nhiều cơ hội tái chế hơn trong tương lai.

Tiếp đó, chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển sử dụng chất thải để sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường. “Vai trò của chính phủ bên cạnh người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng”, ông Lê Quang Huy – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội (SCSTE) nhấn mạnh:  “Nhà nước cần xem xét hỗ trợ một phần hoặc cho vay lãi suất thấp cho các đối tượng đầu tư sử dụng năng lượng hiệu quả và hệ thống năng lượng tái tạo”

Để có chính sách trên, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng kêu gọi Quốc hội sớm xây dựng Luật Năng lượng tái tạo. “Việt Nam đang phát triển ì ạch năng lượng tái tạo”, ông Đặng Đình Thống - Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng mới (Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chúng ta cần có Luật”. Đó sẽ là động lực giúp Việt Nam đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ đóng góp của năng lượng mới và tái tạo vào tổng năng lượng thương mại sẽ tăng lên 3% vào năm 2010, 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. “Chúng ta cần có một hành động cụ thể: sự ra đời cho Luật năng lượng tái tạo”, ông Long cho biết.

Thúy Bình

Trích dẫn tại: http://hanoitv.vn/Sang-kien-xanh/Hai-xa-tien-phong-bien-phe-thai-thanh-nang-luong/19728.htv