Theo thông tin từ Nikkei Asia, 29 thương hiệu quốc tế như H&M và Nike vừa viết thư gửi Thủ tướng để thúc giục Việt Nam triển khai chương trình mua năng lượng tái tạo do sức ép lớn về các mục tiêu bền vững.
Trong tháng 12, một nhóm gồm 29 thương hiệu quốc tế đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm kêu gọi Việt Nam triển khai các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa bên mua và bên bán năng lượng tái tạo.
Theo Nikkei, các thương hiệu thời trang quốc tế, vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy may mặc ở châu Á, đang chịu áp lực lớn từ cổ đông và người tiêu dùng về việc giảm lượng khí thải nhà kính trong chuỗi cung ứng. Năng lượng tái tạo tại Việt Nam, nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, là yếu tố chủ chốt để các thương hiệu thời trang quốc tế hoàn thành mục tiêu giảm phát thải.
Tuabin gió tại một trang trại điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Reuters.
"Nếu không có DPPA, chúng tôi tin hoạt động phát triển năng lượng tái tạo sẽ đi xuống và không đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của các ngành công nghiệp tại Việt Nam", 29 thương hiệu nước ngoài nhấn mạnh trong bức thư gửi Thủ tướng hôm 15/12.
Ngoài H&M và Nike, các công ty tham gia gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có hãng bán lẻ Target (Mỹ), Mulberry (Anh), Mammut (Thụy Sĩ), New Balance (Mỹ), Salomon, Ralph Lauren (Pháp), Primark (Ireland), PVH - công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger,...
29 thương hiệu này từng hy vọng Việt Nam sẽ triển khai thí điểm DPPA trong năm 2020 như kế hoạch đề ra, song chưa được thực hiện. Hiện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang độc quyền kiểm soát lưới điện của Việt Nam, nhưng DPPA sẽ cho phép các nhà công ty tư nhân bán điện gió và điện mặt trời thông qua lưới điện chung.
Chia sẻ với Nikkei, PVH cho biết họ muốn "thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang hướng tới mức phát thải bằng 0, phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu".
Hãng thời trang nhanh H&M cho biết: "Nếu thành công, chương trình DPPA thí điểm tại Việt Nam cũng sẽ cho châu Á thấy các kế hoạch cấp quốc gia có thể đáp ứng yêu cầu về năng lượng tái tạo".
Vào mùa hè năm nay tại Campuchia, một nhóm doanh nghiệp quốc tế cũng từng gửi thư cho chính phủ để cảnh báo rằng việc sử dụng than có thể làm giảm sức cạnh tranh của Campuchia trong việc thu hút các thương hiệu quốc tế đến để sản xuất hàng hóa.
Trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 29 thương hiệu quốc tế cũng cho rằng việc bổ sung thêm nhiều lựa chọn năng lượng sẽ giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước láng giềng.
"Thực hiện DPPA sẽ cho phép Việt Nam hoàn thành 100% mục tiêu năng lượng tái tạo trước các nước láng giềng trong khu vực nhiều năm. Điều đó giúp Việt Nam có được lợi thế lớn khi các công ty quyết định lựa chọn nguồn cung sản phẩm", 29 công ty quốc tế nhận định.
Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, Việt Nam hiện chỉ sử dụng khoảng 10% năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ này vào năm 2030. Tiềm năng của Việt Nam ở lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng rất lớn do có công suất điện mặt trời cao nhất ở Đông Nam Á và hiện đang xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất khu vực.
LIEN HOANG (Nikkei Asia)
Biên dịch: Anh Thư - Báo Thương trường