Ngày 26/06/2019, hội thảo "Chuyển dịch Năng lượng công bằng: Từ nghiên cứu tới thực tiễn" đã được tổ chức tại phòng hội thảo khách sạn The Hanoi Club Hotel ...
Ngày 26/06/2019, hội thảo "Chuyển dịch Năng lượng công bằng: Từ nghiên cứu tới thực tiễn" đã được tổ chức tại phòng hội thảo khách sạn The Hanoi Club Hotel & Lake Palais Residences, nhằm công bố nghiên cứu mới về "Nghiên cứu phân tích yếu tố đảm bảo công bằng trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam". Hội thảo mở ra cơ hội để các chuyên gia về năng lượng và các bên liên quan cùng chung sức trao đổi những kinh nghiệm quốc tế để áp dụng trong nước, tiếp đó thảo thuận những lộ trình thực tế và hiệu quả hướng tới chuyển dịch năng lượng công bằng cho Việt Nam.
Không khí hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia năng lượng đều đi đến khẳng định: Việc chuyển dịch năng lượng là rất cấp thiết ở Việt Nam để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng. Như bà Nguỵ Thị Khanh, giám đốc GreenID và đại diện nhóm nghiên cứu, chia sẻ: Việt Nam đang đứng trước thách thức kép là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải. Như vậy, ngành năng lượng và nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước áp lực đổi mới để đảm bảo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng không đánh đổi môi trường và đảm bảo công bằng xã hội.
Bà Ngụy Thị Khanh trình bày về những thách thức, cơ hội cho chuyển dịch năng lượng công bằng cho Việt Nam.
Trong phiên đầu của hội thảo, qua bài trình bày kết quả nghiên cứu về "Chuyển dịch năng lượng công bằng: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam", bà Nguỵ Thị Khanh, nhận định rằng kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Các lợi ích nổi bật có thể nhìn thấy rõ nét có thể kể đến như: đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động với môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một số thách thức mà quá trình chuyển dịch năng lượng đặc biệt cần chú trọng khi bắt đầu để đảm bảo tính công bằng: 1) Rủi ro xung đột đất đai, 2) Đảm bảo sinh kế và việc làm cho người dân địa phương, 3) Đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực và 4) Đảm bảo chế độ phúc lợi và quyền lao động cơ bản.
Đại biểu chia sẻ ý kiến
Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà là sự thay đổi của cả nền kinh tế. Do đó, để đạt được mục tiêu đảm bảo điều hoà lợi ích các bên liên quan, việc cần ưu tiên hơn hết chính là thúc đẩy trao đổi thông tin và học hỏi từ các quốc gia có bối cảnh tương đồng với Việt Nam. Việc trao đổi thông tin là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách và sẽ là bước đầu tiên để tạo được sự đồng thuận của công chúng.
Nhóm nghiên cứu Chuyển dịch năng lượng công bằng và các khách mời
Giai đoạn từ nay tới 2020 đang mở ra nhiều cơ hội chính sách để các bên liên quan cùng thảo luận và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam diễn ra thuận lợi đồng thời đảm bảo yếu tố công bằng. Giải quyết bài toán lớn chuyển dịch năng lượng công bằng đòi hỏi sự đồng thuận giữa việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, hoạch định chính sách về năng lượng và tiến hành thực thi từ cấp cơ sở. Phát triển các chiến lược và cách thức tiếp cận khác biệt sẽ không mang lại được hiệu quả cục bộ. Vậy nên, chúng ta cần sự đồng thuận và liên minh giữa các quốc gia, các tổ chức và các bên liên quan để cùng đưa ra chính sách năng lượng phù hợp và hiệu quả. Trong bức tranh lớn này, GreenID Vietnam cũng như các tổ chức phi chính phủ khác nhận định sứ mệnh cầu nối giữa các bên của tổ chức mình, cung cấp những thông tin minh bạch nhất đến các bên để không chỉ chuyên gia trong ngành mà người dân cũng có thể tham gia trực tiếp đến quá trình chuyển dịch.