Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hội thảo "Đồng lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng"

  |   Viết bởi : Tu Quyen

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để trao đổi và xác định các rào cản và giải pháp nhằm nắm bắt các đồng lợi ích từ phát triển năng lượng với chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam, thu hút hơn 70 đại biểu tham dự, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển, Sở ban ngành địa phương, viện nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, năng lượng và ô nhiễm không khí, cơ quan báo chí và các bên liên quan.

Sáng ngày 13/6/2019, tại khách sạn Hilton Hanoi Opera, Hội thảo "Đồng lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với chất lượng không khí và sức khoẻ cộng đồng" đã diễn ra, đồng thực hiện bởi Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Viện độc lập về các vấn đề Môi trường (UfU). Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để trao đổi và xác định các rào cản và giải pháp nhằm nắm bắt các đồng lợi ích từ phát triển năng lượng với chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam, thu hút hơn 70 đại biểu tham dự, đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển, Sở ban ngành địa phương, viện nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, năng lượng và ô nhiễm không khí, cơ quan báo chí và các bên liên quan.

Không khí thảo luận sôi nổi

Với mục tiêu chính là xác định các rào cản và giải pháp nhằm nắm bắt các đồng lợi ích từ phát triển năng lượng tái tạo đối với chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam, hội thảo bắt đầu với phần chia sẻ của Thạc sỹ Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường, về thực trạng chất lượng không khí và nguyên nhân dẫn đến vấn nạn chất lượng không khí đáng báo động ở Việt Nam. Con số 99 được bà đưa ra như một lời chuông cảnh tỉnh, khi mà ở Hà Nội chỉ có 99 ngày trong một năm là không khí ở trong mức an toàn. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh rằng: "Ô nhiễm không khí ở Việt Nam chỉ tập trung vào ô nhiễm bụi, tuy nhiên không thể vì thế mà nói không khí Việt Nam ô nhiễm như Bắc Kinh, bởi ngoài ô nhiễm bụi thì Bắc Kinh còn gặp phải các vấn đề khác về tầng ozone do việc đốt nhiên liệu của thành phố này khá lớn, nên chúng ta cần phải có một cái nhìn toàn diện hơn về chất lượng không khí." Ở phần thảo luận sau đó, ông Lê Thành Ý, đến từ tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đặt một vấn đề rằng Việt Nam thực tế chỉ có 10 bộ thiết bị đo do Pháp viện trợ, không có đủ khả năng để đo được toàn bộ các chỉ tiêu yêu cầu về không khí. Thực tế đã chỉ ra ở Việt Nam hiện tại còn thiếu khá nhiều số liệu cần thiết về chất lượng không khí. Hội thảo mở ra không gian trao đổi hướng đến giải pháp, định hướng hành động tương lai. Chúng tôi hiểu, từng bước một, với sự chung tay của các bên liên quan, việc kiểm soát tốt hơn chất lượng không khí là có thể, đang và sẽ thực hiện được.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An trình bày về các tác động trực tiếp và gián tiếp của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ

Theo sau đó, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đào Tạo và Phát Triển Cộng Đồng (RTCCD) tiếp tục với bài trình bày về các tác động trực tiếp và gián tiếp đối với sức khoẻ, cùng nhiều ví dụ chân thực về những tác hại của ô nhiễm không khí đối với con người. Ông đặc biệt chia sẻ: "Các kim loại nặng cũng trở thành bụi và bay trong không khí như chì, thuỷ ngân và asen, đây là vấn đề gây nguy cơ cao đặc biệt đến hệ thống thần kinh như giảm trí nhớ hay rối loạn hành vi. Vậy nên những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong môi trường thì chúng nên tập trung vào gia đình và cộng đồng."

 

Toạ đàm chia sẻ những lợi ích của việc phát triển năng lượng bền vững đối với chất lượng không khí và sức khoẻ cộng đồng

Đặc biệt ở hội thảo lần này có màn toà đàm được chủ trì bởi 5 vị diễn giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau: Bà Nguyễn Thị Lan Anh - phòng viên báo Tuổi Trẻ, Sarah Kovac - đại diện UfU, Ông Trần Đình Sính - Phó Giám đốc GreenID Việt Nam, Bà Nguỵ Thi Khanh - Giám đốc GreenID Việt Nam, và Thạc sỹ Fabian Stolpe - đại diện UfU, chia sẻ những lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với chất lượng không khí và sức khoẻ cộng đồng, với nghiên cứu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Ấn Độ. Phần chia sẻ của bà Lan Anh đã chỉ ra rằng không chỉ các nước đang phát triển như Việt Nam phải đối phó và lo lắng về vấn đề bụi mịn mà cả những nước phát triển mạnh như là Hàn Quốc. Có thể nói, phần lớn các vị đại biểu đều quan ngại về tính khả thi của các mô hình ở các nước như Hàn Quốc hay Ấn Độ như đã chia sẻ, đặc biệt chúng ta cần phải làm rõ về việc thực thi và thực tiễn của các giải pháp năng lượng tái tạo.

Không khí thảo luận nhóm sôi nổi

Sau đó, các đại biểu chia thành 02 nhóm để bắt đầu phần thảo luận nhóm. Các vị đại biểu đều tham gia rất tích cực để xác định các rào cản. Về mặt chính sách, 05 chính sách được đưa ra trên tinh thần thực tế và phù hợp với khả năng của chúng ta: 1. Đẩy mạnh luật Không khí sách, 2. Thắt chặt phát thải và thuế cao hơn cho than, 3. Không sử dụng thêm than mới, 4. Nâng cao chất lượng báo cáo EIA, và 5. Phát triển giao thông công cộng. Giải quyết và cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi sự chung tay của các bên liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt cần có những chính sách đầu tư vào nghiên cứu triển khai giải pháp hạn chế phát thải cải thiện chất lượng không khí.

Toàn cảnh các đại biểu tham gia hội thảo và BTC GreenID & UfU