Ngày 12/05/2020, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với nhóm giảng viên nguồn tại Lào Cai, Quảng Nam, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Buổi hội thảo kéo dài 02 giờ đồng hồ với sự tham gia của 08 giảng viên cộng đồng tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Nam, Đồng Nai, Lâm Đồng và nhóm quản lý chương trình, dự án tại GreenID. Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm tăng cường năng lực cho các giảng viên cộng đồng để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thúc đẩy sáng kiến về năng lượng bền vững tại các địa phương.
Tại buổi hội thảo, các giảng viên nguồn đã chia sẻ các bài học, kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Điển hình là những kinh nghiệm về công tác chuẩn bị cho một buổi truyền thông cộng đồng hiệu quả. Các giảng viên cũng chia sẻ, những mô hình năng lượng bền vững như đèn LED xách tay, bếp đun cải tiến, điện mặt trời áp mái đang thu hút được sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn về địa bàn (vùng viên, người dân là người dân tộc thiểu số, thói quen sinh hoạt của người dân..) cũng có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các mô hình.
Giảng viên Lê Quang Đạo và Nguyễn Thị Kiều Giang ở Lào Cai cũng cho biết, ở nhiều địa bàn, do người dân chưa được nhìn thấy trực tiếp các mô hình nên còn chưa mạnh dạn thay đổi. Hai giảng viên có đề xuất xây một bếp đun cải tiến làm mẫu để người dân trải nghiệm cách sử dụng và biết thêm những ưu điểm của loại bếp này: không khói, tiết kiệm củi, dễ xây, dễ sử dụng và rất an toàn.
Cũng tại buổi hội thảo, các giảng viên nguồn đã trình bày các đề xuất mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương. Cụ thể:
- Tại Lào Cao: dự án "Thắp sáng đường thôn" với 40 cột đèn năng lượng mặt trời tại 02 thôn Lũng Pâu và Séo Tùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai;
- Tại Quảng Nam: dự án "Đèn LED an toàn và tiết kiệm đến với cộng đồng Cơ Tu, Quảng Nam";
- Tại Lâm Đồng và Đồng Nai: dự án "Thắp sáng" - lắp đặt 44 hệ thống pin năng lượng mặt trời cấp hộ cho các hộ dân nghèo chưa có điện lưới (hệ thống tích điện vào acquy để sử dụng thắp sáng buổi tối) tại xã Đa Quyn, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và xã Mã Đà, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi nghe các đề xuất của nhóm Giảng viên nguồn, về phía GreenID, ông Cao Văn Hà - Giám đốc chương trình của GreenID đã hoan nghênh các đề xuất và đồng ý triển khai tại các địa phương. Ban Giám đốc sẽ xem xét phân bổ tài chính để các dự án có thể triển khai thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020.
Với những dự án có ý nghĩa, phục vụ trực tiếp lợi ích của các cộng đồng thụ hưởng, GreenID tin rằng nhóm giảng viên nguồn sẽ triển khai có hiệu quả các hoạt động, đem lại hiệu quả cao nhất, lan tỏa các mô hình năng lượng bền vững đến nhiều địa bàn trên khắp Việt Nam.
Buổi hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án: “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và địa phương về các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo và truyền thông nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh tại Việt Nam”, do Liên minh Châu Âu EU tài trợ.