Trích lời của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân thay cho lời kết: "Nếu chương trình thành công sẽ là sự chuyển đổi rất lớn cho cán cân năng lượng Việt Nam, đúng thời điểm khi chuẩn bị cho quy hoạch điện 8, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào tổng cơ cấu nguồn điện"...
Ngày 05/12/2018, tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn Chương trình Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng đã diễn ra, dưới sự đồng chủ trì của Ts. Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó tổng thư ký Quốc hội Việt Nam và bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID. Hội thảo mở ra cơ hội để GreenID vừa tham vấn ý kiến chuyên gia về nội dung và cách thức triển khai chương trình Triệu ngôi nhà Xanh, vừa tìm kiếm cơ hội lồng ghép, hợp tác với các chương trình khác có cùng mục tiêu.
Toàn cảnh hội thảo
Bà Đỗ Minh Tâm - Quản lý chương trình Năng lượng bền vững trình bày chương trình tổng quan Triệu ngôi Nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng
Bà Lâm Diệp Trân, Tư vấn GreenID chia sẻ về việc thúc đẩy điện mặt trời áp mái ở Việt Nam
Tại hội thảo, thông tin tổng quan về các giải pháp cho ngôi nhà xanh, các kế hoạch thực hiện 3 giai đoạn từ 2018 -2030 đã được bà Đỗ Minh Tâm - Quản lý chương trình Năng lượng bền vững GreenID đưa ra. Tiếp theo sau đó là những chia sẻ về việc thúc đẩy triển khai điện mặt trời áp mái ở Việt Nam của tư vấn GreenID, Lâm Diệp Trân. Bà khẳng định rằng: Trong hợp phần ưu tiên của chương trình, GreenID sẽ tập trung vào giải pháp điện mặt trời áp mái - giải pháp mới đòi hỏi nhiều tài chính. Những giải pháp về xử lý rác, thu hồi và tái sử dụng nước mưa, trồng cây xanh...hiện có các nhóm chuyên biệt hành động. Theo đó, GreenID sẽ làm công tác thúc đẩy truyền thông, trao đổi thông tin trên kênh điện tử.
Sau những trình bày tổng quan, GS,TSKH Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh chương trình cần được phân định rõ mục tiêu và phạm vi chương trình tác động, trong đó thầy cũng đồng tình rằng giai đoạn này cần ưu tiên tập trung vào mặt trời áp mái. Đặc biệt, để có thể chuyển đổi cán cân năng lượng quốc gia, chương trình sẽ là một hành trình dài, bền bỉ, với sự tham gia của 04 bộ phận phối hợp chặt chẽ: Bộ phận theo dõi về khoa học công nghệ tiến bộ của điện mặt trời, cả vấn đề ô nhiễm về NLMT (đây là nguồn ô nhiễm tiềm năng), bộ phận thúc đẩy sản xuất về hệ thống pin mặt trời, bộ phận quản lý chính sách, bộ phận truyền thông và vận động tài chính.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân góp ý cho chương trình
Bà Ngụy Thị Khanh chủ trì hội thảo, ghi nhận những góp ý từ chuyên gia
Nhìn nhận vai trò là đơn vị khởi xướng ý tưởng chương trình Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng kết nối các bên cùng tham gia và trực tiếp triển khai công cuộc truyền thông và vận động chính sách, tại hội thảo, bà Võ Thị Xuân Quyên, Quản lí truyền thông GreenID cũng đã đưa ra kế hoạch xây dựng cổng thông tin điện tử cho điện mặt trời áp mái. Ý tưởng về cổng thông tin điện tử được các bên tích cực hưởng ứng, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức trong quá trình xây dựng, triển khai và lan tỏa trên diễn đàn điện tử Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Võ Thị Xuân Quyên, Quản lý truyền thông GreenID cùng kế hoạch xây dựng cổng thông tin điện tử cho điện mặt trời áp mái
Phiên cuối hội thảo được tổ chức dưới hình thức world cafe, các đại biểu được chia thành 4 nhóm để thảo luận sâu về lĩnh vực quan tâm tương ứng: Nhóm chính sách, nhóm tài chính, nhóm truyền thông và nhóm đối tác. Tại đây những ý tưởng đã được manh nha, các bên cùng nhìn nhận cơ hội tham gia thúc đẩy việc phát triển năng lượng mặt trời áp mái như một chương trình quốc gia, cần được thể hiện cụ thể của các chương trình hiện hành.
Ts. Lê Bộ Lĩnh cùng Nhóm chính sách thảo luận
Một số đại biểu tham dự hội thảo
Trích lời của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân thay cho lời kết: "Nếu chương trình thành công sẽ là sự chuyển đổi rất lớn cho cán cân năng lượng Việt Nam, đúng thời điểm khi chuẩn bị cho quy hoạch điện 8, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào tổng cơ cấu nguồn điện", GreenID thật sự mong đợi vào thành công này và sẽ không ngừng nỗ lực trên con đường xây dựng chương trình Triệu ngôi nhà Xanh Việt Nam! Và để làm được điều này, chúng tôi kêu gọi sự sẵn sàng, tinh thần chủ động tham gia, tích cực chung tay hành động của tất cả các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội, nhóm người hưởng lợi cùng khối ngành doanh nghiệp trong nước.