Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2018

  |   Viết bởi : Trần Mai Trang

Ngày 12.09.2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các  Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2018” với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa các tổ chứ xã hội và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức khác nhau.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC GIỮA CÁC TỔ CHỨ XÃ HỘI VÀ CÁC ĐỐI TÁC TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 12.09.2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các  Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2018” với chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa các tổ chứ xã hội và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức khác nhau.

Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội là một sự kiện lớn được tổ chức hàng năm, trong năm nay với bối cảnh đất nước đang tồn tại nhiều vấn đề môi trường bức xúc, hội thảo đã tập trung bàn luận về các vấn đề về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hội thảo này chính là cơ hội để các tổ chức có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời cùng bàn luận tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội, đặc biệt các vấn đề liên quan đến môi trường.

Sự kiện chính của hội thảo năm nay bao gồm hai phiên họp toàn thể với sáu bài trình bày của các diễn giả. Bên cạnh đó, sự kiện còn tổ chức ba phiên họp song song, mỗi phiên họp có một chủ đề khác nhau và đại biểu có thể lựa chọn chủ đề tham dự. Với hình thức tổ chức mới, các đại biểu được cung cấp thông tin đa dạng cũng như những góc nhìn đa chiều về vấn đề môi trường, đồng thời giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin quan tâm.

Trong phiên họp toàn thể buổi sáng, ba diễn giả đã trình bày các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực môi trường. Bài trình bày đầu tiên của TS. Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban điều phối sông ngòi Việt Nam với tiêu đề “Nguy cơ suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước sông, suối – Vai trò mạng lưới sông ngòi Việt Nam trong vận động chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”. Trong bài phát biểu này, Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước với đời sống con người, đồng thời chỉ ra các thách thức về nguy cơ cạn kiệt suy thoái và ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam.

Bên cạnh các vấn đề về nước, ô nhiễm không khí cũng đang là một vấn đề được xã hội quan tâm. Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã đóng góp đến Hội thảo bài trình bày “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường không khí và sức khoẻ con người, vai trò của các tổ chức xã hội”. Với chủ đề này, bà Nguỵ Thị Khanh đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình năng lượng trên thế giới, và Việt Nam, bên cạnh đó chỉ ra những tác động sâu rộng do việc sử dụng năng lượng hoá thạch trong sản xuất điện đối với môi trường không khí.  Bài trình bày cũng cung cấp thông tin cho các đại biểu về xu hướng chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo bằng những nghiên cứu cụ thể của GreenID về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và kịch bản phát triển điện năng sử dụng năng lượng tái tạo. Đối với các vấn đề nóng như vấn đề năng lượng hiện nay, GreenID đã có những hướng tiếp cận đa dạng và đa chiều, từ các Cơ quan Trung ương trong vận động chính sách và khuyến nghị về Quy hoạch điện, đến các địa phương khi triển khai áp dụng các mô hình năng lượng tại tạo trong sản xuất và sinh hoạt với mục tiêu đưa năng lượng tái tại đến với từng hộ gia đình.

Cuối cùng của phiên họp toàn thể buổi sáng, PGS. TS Nguyễn Đình Hoè, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có bài phát biểu về “Vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường”. Ông đã đưa ra quy trình thực hiện phản biện xã hội và các bài học kinh nghiệm từ chính quá trình làm việc của bản thân.

Bên cạnh các hội thảo chính, sự kiện còn diễn ra triễn lãm trưng bày của các tổ chức xã hội. Đây là sự kiện bên lề nhằm tạo không gian cho các đại biểu trao đổi, tìm hiểu thông tin và hoạt động của các tổ chức hiện nay.

Kết thúc Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2018, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hiệu lực quản lý và thực thi của nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là vấn đề các tổ chức xã hội nên quan tâm và thúc đẩy để cùng nhau giải quyết. Bởi lẽ, môi trường không phải câu chuyện của bạn, của tôi, mà là của chính chúng ta.