Có thể nói lợi ích nhìn thấy được từ cộng đồng chính là minh chứng cho nhận định: Các các giải pháp năng lượng bền vững phi tập trung chính là một phương án thay thế cho điện lưới có tính khả thi về kinh tế và lợi ích xã hội cho các cộng đồng địa phương.
Ngày 29 – 30/09/2018, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế các mô hình năng lượng bền vững tại Xã Cư Pui Huyện Krông Bông tỉnh Đăk Lak, mà qua đó nhóm Năng lượng địa phương được thực thành truyền thông thực tế tại 2 buôn: Buôn Khóa và Ea Bar. Hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững vì lợi ích của các cộng đồng dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế tại Việt Nam” triển khai tại tỉnh Đăk Lăk.
Chuyên gia Nguyễn Thị Quyên cùng cán bộ dự án tại địa bàn Nguyễn Thanh Uyển Như đã đồng hành cùng 12 thành viên nhóm Năng lượng địa phương trong suốt 2 ngày vừa qua, cùng các anh chị tham quan thực tế, mắt thấy tai nghe và chứng kiến những ứng dụng thành công tại buôn, tại xã mình. Suốt 2 ngày là hàng chục câu chuyện được kể, được sẻ chia và gần 30 người dân được kết nối. Họ cũng ghé thăm, trao đổi và học hỏi nhau qua những chuyến thăm quan, qua chén nước thân tình của tình làng nghĩa xóm gặp gỡ đôi ba câu chuyện. Họ là những con người lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên anh hùng, và cùng có mong muốn gây dựng năng lượng xanh cho cuộc sống gia đình, quê hương thêm bền vững.
Thăm quan mô hình biogas cấp hộ, biogas túi, bếp cải tiến ít khói rồi đến bình nước nóng năng lượng mặt trời…thăm mỗi nhà là một câu chuyện mới, nhiều chia sẻ về kinh nghiệm lắp đặt mô hình thực tế, để mỗi tuyên truyền viên đều thấu hiểu kĩ lưỡng về lợi ích và tự chiêm nghiệm những bài học thực tế cho bản thân về kỹ năng cũng như kiến thức cần trau dồi khi tiến hành truyền thông tại cộng đồng.
Sau chuỗi buổi thăm quan, các thành viên đã có một buổi thực hành truyền thông thực tế tại các thôn buôn. Nhóm Năng lượng địa phương từ đó mà được nâng cao năng lực, rèn luyện thêm kỹ năng và được truyền cảm hứng, động lực, niềm tin tưởng vào những giá trị mà mô hình năng lượng bền vững mang lại. Cuối buổi thực hành là khoảng thời gian cho làm việc nhóm, để tất cả các thành viên cùng ngồi lại với nhau để xây dựng lên kế hoạch truyền thông cho giai đoạn tháng 10 sắp tới.
Trao đổi về động lực tham gia nhóm Năng lượng địa phương (LET) và đội thợ địa phương, GreenID cảm nhận được những tấm lòng cùng hướng đến cộng đồng mình và niềm hân hoan khi mang đến nguồn năng lượng thực sự hữu ích đến với bà con nơi mình sinh sống. Những niềm vui từ ánh mắt chú Sính Cháng Páo, trưởng thôn Ea Uool chúng tôi đều có thể cảm nhận được khi nghe chú kể về bình nước nóng nhà chú: “ Nhà chú có 11 người, chú sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời công suất 180l/h, lượng nước cung cấp thoải mái cho cả gia đình sử dụng”. Những nụ cười rạo rực trên môi cô Hồng hội phụ nữ thôn Ea Bar khi kể chúng tôi nghe rằng: “ Với mô hình Biogas này, nhà cô đun nấu thoải mái và miễn phí, cả bóng điện thắp đêm ngày vẫn chưa hết gas”. Và cả lời khẳng định “quyết tâm xóa xổ bếp củi truyền thống” của chị H’Nal Niê trưởng hội phụ nữ buôn Lăk khi biết được những tác hại mà bếp củi truyền thông gây ra cho sức khỏe của chị em đồng bào Ê đê của mình…
Từ những lợi ích nhìn thấy được từ cộng đồng, có thể khẳng định: Các các giải pháp năng lượng bền vững phi tập trung chính là một phương án thay thế cho điện lưới có tính khả thi về kinh tế và lợi ích xã hội cho các cộng đồng địa phương.
Và Có lẽ bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ để 2 ngày ròng rã của chúng tôi không còn mỏi mệt. Bấy nhiêu đó cũng đủ tiếp lửa, để đội ngũ GreenID và nhóm Năng lượng địa phương tiếp tục nuôi dưỡng nhiệt huyết trong lòng mình. Hành trình đưa nguồn năng lượng bền vững đến với công đồng sẽ còn lan tỏa, bởi những giá trị đích thực không thể phủ nhận nó đang mang lại cho bà con tỉnh Đăk Lăk, nối tiếp đến An Giang, Cà Mau rồi thêm nhiều tỉnh thành nữa.
Cùng dõi theo hành trình Nối liền một dải Việt Nam với Năng lượng bền vững cùng GreenID Vietnam, các bạn nhé ;)