Xuất phát từ quan ngại về năng lực của nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt và giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có những kiến nghị; theo đó, Tỉnh đề nghị Chính phủ cho dừng hẳn dự án này để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn. Để có cách nhìn khách quan về vấn đề này, bài viết đề cập đến một số kiến giải được các nhà khoa học và cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý trong thời gian gần đây.
Mỏ sắt Thạch Khê những đặc điểm nổi bật
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trong dải cồn cát ven biển thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, được ngành địa chất phát hiện bằng phương pháp từ hàng không. Đây là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam và ở Đông Nam Á. Mỏ sắt Thạch Khê thuộc nhóm mỏ skarn, hình thành tại nơi tiếp giáp của đá magma với đá cacbonat. Quặng nằm dưới mực nước biển từ âm 8m đến âm 550 m, có chỗ còn sâu hơn. Trữ lượng mỏ được xác định khoảng 544 triệu tấn, thuộc loại giầu, có các nguyên tố đi kèm là Mn, Cu, Zn, S...Riêng hàm lượng Zn tương đối cao là trở ngại lớn cho luyện kim. Lớp đất phủ trên mỏ là trầm tích cát bở rời, tầng phủ có độ dày từ 8m đến 40m. Nếu khai thác lộ thiên phải đào bốc một khối lượng rất lớn đất, cát đem đổ đi nơi khác (Đặng Trung Thuận 2018).
Từ Quyết định khai thác của Chính phủ Việt Nam, ngày 17 tháng 5 năm 2007 công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập gồm 9 cổ đông. Dự án khai thác mỏ Thạch Khê đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, tạo nguồn thu trung bình 1.200 tỷ VNĐ/năm trong giai đoạn 1 và nâng lên 2.400 tỷ VNĐ/năm ở giai đoạn 2. Dự án gồm các hợp phần moong mô, bãi đổ thải, đường giao thông mỏ, các công trình phụ trợ nằm trên diện tích 4.821 ha thuộc 6 xã Thạch Khê, Thạch Định, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà. Các hoạt động của dự án đã được triển khai vào năm 2009.
Phân tích rủi ro trong khai thác, GS.Đặng Trung Thuận đã chỉ ra những khó khăn kỹ thuật trong giữ ổn định bờ mỏ, chống ngập và tháo khô, rủi ro gặp hang động Karst ngầm, vấn đề môi trường do đổ thải; nguy cơ nhiễm mặn vùng ven biển, hoang mạc hóa cùng với cuộc sống gian truân của cư dân nông nghiệp ở huyện Thạch Hà.
Do tầng đất phủ rất dày được cấu thành từ cát rời, cứ sau một trận mưa dòng chảy mặt lại cuốn trôi cát xuống moong mỏ, tạo nên những bãi bồi tích mới. Toàn bộ thân quặng sắt đều nằm dưới mực nước biển từ âm 40m đến âm trên 500m và dưới mực nước ngầm cùng với dòng chảy mặt làm cho moong mỏ lúc nào cũng chứa nhiều nước.Khai thác xuống càng sâu thì việc thoát nước lại càng khó khăn.
Quặng mỏ Thạch Khê nằm trong tầng đá skarn và đá vôi, nơi có những hang động karst ngầm tiềm ẩn nguy cơ bục nước đẫn đến hiểm họa chết người hoặc hư hỏng thiết bị trong khai thác. Những khó khăn nêu ra khiến trữ lượng quặng đưa vào thiết kế của mỏ chỉ đạt 68% và trữ lượng bị tổn thất lớn hơn tổng lượng bỏ mất của tất cả các mỏ sắt khác trong cả nước.
Đất đai trong vùng mỏ chủ yếu là đất cát và cồn cát với mực nước ngầm ở cốt âm 7-8m trong mùa khô. Khi mở moong khai thác đến độ sâu hàng trăm mét, mực nước ngầm hạ xuống rất nhanh khiến nguy cơ nhiễm mặn là điều khó tránh. Do nhiều nguyên nhân, sau khi đã bóc 12,7 triệu m3 đất tầng phủ, tạo moong mô có kích thước dài 1,0 km, sâu hơn 30m và một bãi thải rộng 125ha với độ cao 50 m, mỏ đã tạm dừng hoạt động. Moong mô không khai thác trở thành một hồ nước lớn, muốn tát cạn phải dùng bơm nước công suất 2,500 m3/h bơm trong 2 tháng.
Sau gần 10 năm hoạt động, công ty TIC làm được nhiều việc, nhưng tổng chi phí đã lên rất cao, đang trở thành con nợ đồng thời với những khó khăn về kỹ thuật và công nghệ, rủi ro môi trường có thể dẫn đến đổ vỡ cả về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hoạt động mỏ sắt Thạch Khê từ quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh
Trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã tham khảo ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học; xuất phát từ những băn khoăn lo ngại về công nghệ, kỹ thuật khai thác, năng lực của nhà đầu tư, phương thức vận tải, thị trường tiêu thụ quặng sắt, hiệu quả kinh tế và các vấn đề rủi ro, nguy cơ có thẻ xẩy ra; Tỉnh đã chính thức đề nghị Chính phủ cho dừng hẳn dự án khai thác này. Quan điểm của tỉnh được thể hiện thông qua những khó khăn khó khắc phục do cấu trúc địa tầng phức tạp của mỏ, năng lực hạn chế của nhà đầu tư cũng như phương thức vận tải quặng mỏ. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, tại vùng mỏ, ở lớp đất sâu 140m là cát xen sét, tồn tại nhiều mạch nước ngầm, dưới độ sâu này là đá, quặng xen kẽ có thể hình thành các hang karst chứa nước. Với công nghệ khai thác lộ thiên, ở độ sâu âm 400m, lượng nước chảy vào moong mô bao gồm cả nước mưa và nước dưới đất sẽ lên tới 3,2 triệu m3/ngày, rất khó khắc phục.
Đối với năng lực của nhà đầu tư, ở giai I cần có nguồn vốn trên 6.777 tỷ VNĐ với mức huy động 30% từ cổ đông, nhưng đến nay các cổ đông của TIC mới đóng góp được 1.809 tỷ. Nguồn vốn chủ sở hữu đã giải ngân hết, những thỏa thuận tài trợ vốn vay thương mại đến nay đã hết hiệu lực, TIC không đảm bảo được tiến độ đầu tư theo cam kết,
Những tính toán vận chuyển quặng sắt đưa ra cho thấy, dùng ô tô để vận tải trong mỏ với công suất khai thác của giai đoạn I 5 tấn quặng nguyên khai/ngày, cần đến 710 chuyến xe có trọng lượng chuyên chở 40 tấn với tần suất 02 phút/chuyến sẽ tạo ra một lượng xe lưu thông dày dặc và rất khó khả thi khi nâng công suất mỏ lên 10 tấn /ngày.
Phân tích thị trường tiêu thụ còn cho thấy, hàm lượng kẽm (Zn) trong quặng sắt Thạch Khê cao gấp 10 lần so với quặng sắt thông thường và gấp 4,5 lần so với tiêu chuẩn của công ty Formosa. Các nhà máy luyện thép trong nước chưa sẵn sàng sử dụng toàn bộ quặng sắt Thạch Khê. Tiêu thụ dài hạn không chắc chắn, việc khai thác và tuyển quặng có nhiều rủi ro trong tương lai.
Từ góc nhìn toàn diện về dự án, tại hội thảo Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đại diện của tỉnh Hà Tĩnh, ông Đỗ Văn Khoa, đã khẳng định quan điểm dừng khai thác mỏ của Hà Tĩnh là có cơ sở khoa học và thực tiễn
Khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ góc nhìn khoa học và quản lý
Từ góc nhìn khoa học, các nhà nghiên cứu nhận thấy, ảnh hưởng nghiêm trọng của việc khai hác mỏ sắt Thạch Khê có thể tập trung vào những vấn đề dưới đây:
Trước hết sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm gia tăng hiện tượng cát bay, cát chảy; nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ bị bùn cát vùi lấp, hệ sinh thái tự nhiên bị phá vỡ; hiện tượng tụt mạch nước ngầm khiến cây cối, hoa màu dễ bị chết khô. Nếu khai thác đến độ sâu âm 500m, ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến 6 xã trong vùng mỏ mà còn lan rộng đến cả thành phố Hà Tĩnh và nhiều nơi khác. Do thiếu công nghệ phù hợp, rủi ro tiềm ẩn khi khai thác quặng ở độ sâu hàng trăm mét dễ dàng dẫn đến vỡ moong, chưa kể đến những yếu tố khác như bão, sóng thần có thể gây hậu quả khó lường.
Việc khai thác kéo dài một dự án không khả thi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Trên 10 năm triển khai thực hiện dự án, dân trong vùng chưa được cấp đất ở, không được cải tạo xây dựng nhà đã ảnh hượng đến đời sống thường ngày. Dân mất đất sản xuất nông nghiệp, không được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội (Bùi Thị Minh 2018)
Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho biết, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với 5.928 hộ, 14.716 lao động. Trong đó, hơn 2.000 lao động có nguy cơ thất nghiệp. Ngoài ra, dự án còn ảnh hưởng gián tiếp đến 10 xã với 41.000 nhân khẩu, phải di dân với quy mô trên 19.000 người ra khỏi khai trường và chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho hơn 3.900 hộ dân.
Ghi nhận từ cộng đồng bị ảnh hưởng cho thấy, người dân không có việc làm và quá trình chuyển đổi nghề chưa được thực hiện. Dân chấp hành triển khai dự án mất đất sản xuất, không có nước sinh hoạt, không có công ăn việc làm, đời sống bấp bênh và lòng tin ngày càng suy giảm. Với thực tế này, Liên minh Khoáng sản khuyến nghị Chính phủ nên dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê để khắc phục diện tích sa mạc hóa, khôi phục nguồn nước và hoàn thiện, trả lại mặt bằng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân (Liên minh Khoáng sản Việt Nam 2018).
Từ quan điểm của nhà quản lý, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược và Khoa học Công nghệ, tổng công ty Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, mỏ sắt Thạch Khê đã được nghiên cứu khai thác từ những năm 1990, những kết quả rút ra đều cho thấy tính khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế hầu như không có. Việc triển khai thực hiện dự án theo tinh thần vừa khai thác vừa nghiên cứu công nghệ; chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế đã góp vốn; chưa có thị trường đã bắt đầu khai thác; chưa có đấu thầu đã bốc đất ... tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và đất đai. Khi mỏ Thạch Khê đi vào khai thác, nước ngầm tại xã Thạch Đỉnh hạ thấp rất nhanh; nước mặn từ biển xâm nhập dần thay thế nước ngọt trong đất cồn cát, làm cho vùng đất ven biển Thạch Hà bị nhiễm mặn, cây lúa và rau màu không thể phát triển. Trong quá trình khai thác, hang động caster bị sập đổ làm cho nước biển tràn vào gây ngập mỏ, nhấn chìm thiết bị, có thể dẫn đến thảm họa chết người (Nguyễn Thành Sơn 2018).
Theo góc nhìn tư vấn, phản biện của Liên Hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) TS. Lê Công Lương nhận xét, ở độ sâu âm 500m khai thác bằng công nghệ mỏ lộ thiên có độ rủi ro lớn, đòi hỏi về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ rất cao. Ông nhấn mạnh, quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng kẽm tới 0,071% phát thải khí thải độc hại và ăn mòn thiết bị trong quá trình luyện thép, đòi hỏi công nghệ rất đặc biệt.
Với chi phí khai thác, sản xuất và vận chuyển cao, tổn thất tài nguyên lớn; lợi nhuận không đảm bảo và những rủi ro thị trường, TS Lương cảnh báo, nguy cơ thua lỗ tài chính sẽ rất nặng nề, đặc biệt khi gặp thiên tai hoặc do địa chất phức tạp dẫn đến sạt lở đất đá hoặc nước tràn vào mỏ. Từ những nguy cơ phát sinh và bất ổn về an sinh xã hội; Ông Lương cho rằng, không nên triển khai dự án nếu không đảm bảo an toàn về môi trường và hiệu quả kinh tế thấp (Lê Công Lương 2018)
Phân tích so sánh giữa cái được, mất; lợi ích và thiệt hại về kinh tế và môi trường; từ quan điểm phát triển nông nghiệp bền vững, các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận thấy, khai thác mỏ sắt Thạch Khê là một dự án kinh tế lớn, tầm ảnh hưởng không chỉ bó hẹp trong phạm vi vùng nông thôn thuộc dự án mà còn vượt ra ngoài ranh giới của địa phương nên cần thận trọng trong lựa chọn việc đánh đổi giữa lợi ích kinh tế với môi trường và an sinh xã hội.
Với những hạn chế về kỹ thuật và công nghệ, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng mà ngược lại còn gây nhiều hệ lụy khó khắc phục về môi trường và xã hội, do vậy cần dừng khai thác dự án để có những tính toán cẩn trọng trong lựa chọn giải pháp khắc phục lâu dài. Đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và rủi ro môi trường thiếu cân nhắc dễ dẫn đến đổ vỡ cả về môi trường và xã hội, sẽ phải đối mặt với nghiều thách thức trong phát triển bền vững và gánh chịu hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.
Đề nghị chấm dứt hoạt động dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê là phương án được các nhà khoa học đề xuất sau các phân tích so sánh giữa được và mất, lợi ích và thiệt hại cả về kinh tế và môi trường tại hội thảo “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác Mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh” tổ chức ngày 21tháng 12 năm 2018. Theo đó, để chấm dứt hoạt động dự án phải chấp nhận mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra (1.589,59 tỷ đồng) nhưng sẽ tránh được rủi ro không mong muốn trong 52 năm của vòng đời dự án. Theo hướng đi này, cần đưa mỏ vào dự trữ quốc gia theo Luật Khoáng sản để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau và đảm bảo phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 21 Việt Nam đã công bố (Lê Quỳnh 2018)..
Các nhà phân tích cho rằng, nếu dửng dự án trong giai đoạn hiện nay sẽ có những tác động tích cực về nhiều mặt. Trước hết, tránh được rủi ro không mong muốn có thể xảy ra; môi trường sinh thái, môi trường sống của cư dân trong vùng ảnh hưởng sẽ được hoàn trả nguyên trạng; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội để phát triển bền vững. Dừng triển khai dự án có thể tạo thuận lợi để phát triển du lịch dịch vụ, khôi phục sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy, hải sản của cư dân trong vùng. Theo đó, cái được lớn nhất là phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, cái được lớn nhất về lâu dài của việc dừng khai thác dự án là tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội địa phương bền vững, tăng trưởng kinh tế vẫn đảm bảo được môi trường, nhất là môi trường dọc dài ven biển; không phải lo đối phó với những vấn đề rủi ro, hệ lụy thảm họa môi trường ảnh hưởng đến đời sống như đã diễn ra (Đỗ Văn Khoa 2018).
Thay lời kết luận
Tiếp tục khai thác hay dừng hẳn việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê là vấn đề phức tạp cần được xem xét đa chiều. Những gì từng diễn ra về ô nhiễm môi trường từ bài học Formosa là cảnh báo, giúp chúng ta có cách nhìn thiết thực hơn trong lựa chọn giải pháp phát triển bền vững. Hy vọng kiến giải của các nhà nghiên cứu và quản lý, đặc biệt là từ thực tiễn Hà Tĩnh sẽ được các nhà hoạch định chính sách quan tâm để có quyết sách phù hợp đói với việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong thời gian tới./.
Địa chỉ liên lạc: Lê Thành Ý 19b/668 Lạc Lọng Quân Mob 0913393222, Email lethanhy05@gmail.com
File Mỏ sắt Thạch Khê (TBKT)1.19