Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

KHẢO SÁT MÔ HÌNH SỬ DỤNG KẾT HỢP ĐIỆN MẶT TRỜI TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI AN GIANG

  |   Viết bởi :

Tháng 3, 2020, GreenID tiến hành khảo sát mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại các huyện ở An Giang.

Từ ngày 9/3 đến 11/3 tại huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới, tỉnh An Giang, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp với Climate Sence, SNV (Netherlands Development Organisation), Viện nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) tiến hành khảo sát các mô hình trồng rau, lúa, thủy sản nhằm tìm kiếm cơ hội kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của GreenID đối với phát triển nông nghiệp bền vững.

Mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một quy mô đất.

Mô hình sử dụng đất, trong đó hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp hoặc thủy sản được kết hợp có chủ ý trên cùng một khu đất để giảm xung đột sử dụng tài nguyên đất, đem lại các lợi ích kinh tế-xã hội so với ứng dụng sản xuất đơn lẻ. Ví dụ, đem lại “nguồn thu kép” từ a) sản xuất nông nghiệp/thủy sản mà tuyệt đối không hoặc gần như không khiến năng suất giảm mạnh so với mô hình sản xuất kết hợp và b) tiết kiệm năng lượng (nhờ tiêu thụ điện mặt trời tự sản xuất) và/hoặc bán điện  (thông qua biểu giá điện hỗ trợ, cơ chế bù trừ điện năng hay hợp đồng mua bán điện với bên mua điện).

Sau khi khảo sát, các bên sẽ xây dựng phương án đầu tư kết hợp sản xuất điện mặt trời với nông nghiệp, cụ thể 22kw pin điện mặt được thí điểm trên 1.000 m2 đất trồng rau để xem xét mối quan hệ đồng lợi ích giữa các bên gồm nhà đầu tư và nông dân. Dự kiến sẽ triển khai lắp đặt mô hình thí điểm trong tháng 5, nếu tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát.