Theo đại diện Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), khi thế giới chia tay với điện than, nước ta cũng đang khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Một góc "cánh đồng điện mặt trời" của Nhà máy điện Sao Mai dưới chân núi Cấm ở An Giang.
Thế giới đang chia tay điện than
Mở đầu một hội thảo về đề tài này tuần rồi tại Hậu Giang, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID khẳng định: "Chúng ta đều biết, năng lượng hóa thạch đang thoái trào, năng lượng tái tạo đang lên ngôi". Theo bà Khanh, 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, công suất nhiệt điện than ở tất cả các giai đoạn đều giảm. Công suất của các nhà máy điện than thi công mới giảm 39% so với năm 2017 và 84% so với năm 2015. Công suất được cấp phép hoạt động mới giảm 20% so với năm 2017 và 53% so với năm 2015. Hoạt động tiền thi công giảm 24% so với năm 2017 và 69% so với năm 2015.
Ở Trung Quốc và Ấn Ðộ, nơi chiếm 85% công suất điện than mới toàn cầu từ năm 2005, lượng giấy phép cấp cho các nhà máy mới đã giảm kỷ lục. Trung Quốc chỉ cấp phép 5GW cho các nhà máy điện than mới năm 2018 so với mức 184GW trong năm 2015. Tại Ấn Ðộ, tổng công suất của các nhà máy được cấp phép đạt chưa đầy 3GW trong năm 2018 so với mức 39GW vào năm 2010. Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng kỷ lục, đứng đầu là Mỹ (đóng cửa 17,6GW trong năm 2018) bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump muốn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than cũ. Trong khi đó, liên minh coi "than là quá khứ" được chính phủ Anh, Canada khởi xướng; và nhiều chính quyền cấp tỉnh, thành phố ở châu Âu và Mỹ cũng đã tham gia.
"Ở châu Á, Hàn Quốc đã đóng cửa một nhà máy điện than lớn. Ở nhiều nước, các nhà thầu xây dựng điện than mới đang đối mặt với môi trường kinh doanh khắc nghiệt. Trong đó có việc thắt chặt tài chính của hơn 126 ngân hàng và tổ chức bảo hiểm toàn cầu cũng như cam kết xóa bỏ than, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của 33 quốc gia và 27 chính quyền địa phương", bà Khanh nhấn mạnh.
Nghị quyết khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo
Trước thực tế này, Việt Nam đang chuyển dịch năng lượng để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện và năng lượng tiếp tục tăng theo hướng "chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng". Bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải mà vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận năng lượng với mức chi phí hợp lý, tạo ra công ăn việc làm mới cho cộng đồng.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng tới năm 2045 ban hành hồi tháng 2-2020 đã xác định cái nền cho vấn đề này. Ðó là, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa cho năng lượng hóa thạch; đa dạng hóa các loại nguồn năng lượng, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch; có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhất là tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh, minh bạch.
Liên quan tới chính sách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, theo tinh thần Nghị quyết 55 này, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phải mua toàn bộ công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong thời hạn 20 năm. Giá điện được điều chỉnh theo tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, còn có ưu đãi về vốn đầu tư và thuế nhập khẩu hàng hóa, thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Theo kết luận của "Dự thảo Quy hoạch điện VIII" Bộ Công Thương sắp trình Thủ tướng, có những nội dung đáng chú ý: Phát triển thêm quy mô lớn điện gió, điện mặt trời. Không xây dựng thêm nhiệt điện than mới giai đoạn 2026-2030; loại bỏ 9,5GW dự án điện than nhập khẩu; đẩy lùi 7,6GW điện than sau năm 2030-2035, trong đó có dự án Quỳnh Lập 1&2 (2.400MW); khu vực miền Nam và miền Trung chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối LNG; nhiệt điện than nhập khẩu của chủ yếu phát triển ở miền Bắc. Sau năm 2025, các nguồn linh hoạt (ví dụ như tích năng) rất cần cho hệ thống. Sau năm 2025, phát triển đường dây truyền tải từ Nam Trung Bộ ra Bắc Bộ; khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng bền vững.
ĐBSCL sẽ thành trung tâm năng lượng phía Nam
Theo "Quy hoạch điện VII điều chỉnh", ÐBSCL dự kiến sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn ở phía Nam. Bạc Liêu và Long An đã cho dừng các dự án điện than công suất lớn để kêu gọi đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã trình bổ sung thêm hai dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào "Quy hoạch Ðiện VII điều chỉnh". Còn lại, đề nghị đưa vào "Quy hoạch Ðiện VIII" với tổng công suất 8.690,6MW; trong đó, điện gió 7.160,6MW, điện mặt trời 1.500MW và điện sinh khối 30MW. Ðặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào "Quy hoạch điện VII điều chỉnh". Hiện nhà đầu tư (Công ty Delta Offshore Energy) đang khẩn trương làm thủ tục để có thể khởi công vào đầu năm 2021, vận hành tổ máy đầu tiên 750MW vào năm 2024 và hoàn thành dự án trong năm 2027.
Ở An Giang, theo Sở Công Thương, tỉnh có 10 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 1.800MW. Hiện 4 nhà máy đã hoạt động với công suất 214MWp; đến cuối năm nay thêm một số nhà máy hoàn thành, công suất sẽ thêm 320MWp. Còn điện mặt trời mái nhà, đến tháng đầu 11-2020, đã có 37MWp nối lưới. Ở TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành khác trong vùng, đã xuất hiện mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển điện mặt trời áp mái.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID chia sẻ: "Ðiện mặt trời phân tán bao gồm điện mặt trời áp mái và điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là giải pháp đa lợi ích, có lợi cho cả nhà nước, người dân, nhà đầu tư và ngành điện. ÐBSCL có tiềm năng rất lớn để triển khai các giải pháp này, nó được ví như "mỏ vàng mới lộ" cần được khuyến khích phát triển. GreenID mong muốn góp phần cùng chính quyền, người dân và doanh nghiệp ở ÐBSCL để truyền thông, kết nối thúc đẩy đầu tư phát triển các giải pháp phân tán này".
Theo GreenID, gần 2 năm nay, Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN về tốc độ và công suất điện mặt trời. Đến tháng 6-2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) đã vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện. Những kết quả trên có được là nhờ chính sách và cơ chế hỗ trợ giá mua điện mặt trời tại Quyết định số 11/TTg năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ/TTg. Ngoài ra, điện mặt trời ở nước ta đạt mục tiêu cao hơn và sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Năm 2019, cả nước đã có 99 nhà máy với tổng công suất 5.053MWp; trong đó, trước ngày 30-6 có 89 nhà máy với tổng công suất 4.439MWp, sau ngày 30-6 có thêm 10 nhà máy với tổng công suất 714MWp. Một nguyên nhân chính phát triển nhanh điện mặt trời là tấm pin tích trữ đã giảm giá khoảng 50% từ 2013-2016. Tháng 9-2020, Elon Musk - Tesla đưa ra nhận định, giá tấm pin tích trữ lithium sẽ giảm tiếp 50% sau 3 năm nữa. |
Huỳnh Kim
Theo Báo Cần Thơ