Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Khóa đào tạo Giảng viên nguồn về Năng lượng bền vững lần thứ 2 tại Cư Pui, Krông Bông, Đăk Lăk

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Đào tạo không bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng là việc GreenID chúng tôi chọn lựa để hình thành, hội tụ những hạt giống xanh tiên phong; chọn lựa để gom những cánh tay của các giảng viên nguồn trải dài trên khắp cả nước, để nhân thêm sức mạnh lan tỏa giá trị bền vững đến với cộng đồng miền núi, nông thôn, khu vực khó khăn trong tiếp cận điện nước…

Đào tạo không bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng là việc GreenID chúng tôi chọn lựa để hình thành, hội tụ những hạt giống xanh tiên phong; chọn lựa để gom những cánh tay của các giảng viên nguồn trải dài trên khắp cả nước, để nhân thêm sức mạnh lan tỏa giá trị bền vững đến với cộng đồng miền núi, nông thôn, khu vực khó khăn trong tiếp cận điện nước…

Từ ngày 21-23/10/2018, tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, Khóa tập huấn “Giảng viên cộng đồng về Năng lượng bền vững” lần thứ 2 đã diễn ra sôi nổi, tiếp nối khóa tập huấn số 1 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong tháng 9 vừa qua – Khóa đào tạo giảng viên nguồn nâng cao về Năng lượng tái tạo và Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả được tổ chức nhằm chọn lự nhóm các học viên xuất sắc tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông để lan tỏa việc ứng dụng các mô hình năng lượng giải quyết nhu cầu cộng đồng. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường Năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, địa phương về các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng", được khởi xướng bởi Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu.

Gặp mặt và làm quen 

Khóa tập huấn trải dài trong 3 ngày được thiết kế theo chu trình học tập qua trải nghiệm, gợi mở cơ hội cho các thành viên gặp gỡ, ứng dụng những lí thuyết đã được trau dồi trong 5 ngày tập huấn ở Tam Đảo vào thực hành. Hoàn thành thiết kế bài giảng và tiến hành giảng thử, Tổ chức truyền thông trực tiếp tại thôn buôn và đêm hội truyền thông Cao Nguyên Xanh, Xây dựng kế hoạch hoạt động cho giai đoạn tiếp theo chính là 3 nội dung xuyên suốt của chuỗi ngày tập huấn. Lần đầu tiên, 26 học viên từ 12 tỉnh thành trải dài từ Tây Bắc đến đất mũi Cà Mau được hội ngộ cùng với 12 thành viên nhóm Năng lượng địa phương (LET), truyền thông Xanh Cư Pui, và các chuyên gia năng lượng của GreenID Vietnam như Chị Võ Thị Xuân Quyên – Điều phối dự án, Quản lí truyền thông, Chị Nguyễn Thị Hà – Quản trị Chương trình Phát triển xanh GreenID, Chị Nguyễn Thị Quyên và chị Nguyễn Thanh Uyển Như – Cán bộ dự án về mô hình Năng lượng bền vững triển khai tại địa bàn Đăk Lăk…

Ngày chúng tôi chuẩn bị hành trang…

Trong ngày tập huấn đầu tiên tại địa bàn dự án, hơn 25 giảng viên nguồn cùng 12 thành viên nhóm Năng lượng địa phương hoàn thiện bản kế hoạch truyền thông về mô hình Năng lượng bền vững để từ đó trực tiếp truyền thông tại cộng đồng. Điểm sáng trong đợt tập huấn này và cũng là thách thức lớn đối với nhóm đào tạo của GreenID là ở việc phối hợp đào tạo nhóm Năng lượng địa phương với nhóm Giảng viên nguồn trong cùng không gian lớp học. Sự đang dạng về tuổi tác, từ 20-65 tuổi, từ dân tộc Kinh đến đồng bào H’mông, Ê đê.., từ 14 tỉnh thành khắp 3 miền đất nước , từ việc đối lập giữa 70% thành viên có tinh thần khởi xướng tiên phong hướng ngoại với nhóm 30% thành viên hướng nội, khác biệt về tri thức, nhận thức, cách hành xử xã hội… Tạo ra một không gian đa dạng để thách thức sự phối hợp, khả năng làm việc nhóm, khai thác điểm mạnh cá nhân giữa tập thể chính là điều mà chúng tôi chọn lựa nhằm thúc đẩy sự bình đẳng, cởi mở và kết nối giữa các học viên. Ngày làm việc hiệu quả đầu tiên khép lại là khi các nhóm đều được tiến hành thực hành giảng thử và lắng nghe những ý kiến phản hồi từ các chuyên gia cộng đồng của GreenID cũng như ý kiến đóng góp từ các nhóm khác. Luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ và nghiêm túc học hỏi là những điều mà bất cứ ai đều có thể cảm nhận được khi tham gia và chứng kiến tiến trình của "lớp học" vui vẻ này.

Phân chia nhóm năng lượng địa phương hỗ trợ các nhóm giảng viên nguồn 

Trao đổi về tính năng của đèn xách tay năng lượng mặt trời để hoàn thiện thiết kế bài giảng

Ngày chúng tôi tiên phong lên đường!

Ngày thứ 2 của khóa đào tạo chính là điểm sáng của Kết nối – Lan tỏa. 37 thành viên đã tô xanh Cư Pui với 04 sự kiện truyền thông sôi nổi, thu hút gần 200 người dân thôn Điện Tân, Ea Ba, Ea Lang, Chư Rang tham dự. Chuỗi sự kiện không chỉ mang đến cho người dân xã Cư Pui những tiếp cận tri thức về các mô hình năng lượng, mà còn góp phần tạo ra sự thay đổi trong hành vi trong việc sử dụng năng lượng cho bà con buôn làng. Lần đầu tiên các giảng viên chính thức được thực hành truyền thông cộng đồng sau 07 ngày làm việc nhóm chuyên sâu, lập kế hoạch bài giảng, giảng thử và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm với các anh chị nhóm Năng lượng địa phương, đội thợ địa phương. Lần đầu tiên những nỗ lực và niềm tin vào những giá trị bền vững của các mô hình năng lượng được các anh chị gửi gắm trực tiếp đến bà con xã Cư Pui. “Tôi đăng kí xây bếp cải tiến cho gia đình tôi, cho sức khỏe vợ tôi” “Tôi sẽ thay đèn LED để tiết kiệm điện cho gia đình!… Đó là những câu nói từ bà con thôn làng sau buổi truyền thông của đoàn chúng tôi, mà GreenID tin chắc đã để lại trong mỗi giảng viên cộng đồng bao cảm xúc khó nói nên lời...

Hoạt động truyền thông cộng đồng tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui

Giao lưu với bà con trong giờ giải lao

Truyền thông cộng đồng luôn cần sự phối kết hợp với nguồn lực địa phương. Nhóm giảng viên nguồn luôn xác định tinh thần học tập và lắng nghe nhóm truyền thông xanh tại địa phương với những chia sẻ, kinh nghiệm sẵn có. Chính sự tham gia của các anh chị nhóm Năng lượng địa phương, đội thợ địa phương là nút thắt để nhóm giảng viên tiên phong thấu hiểu hơn về đặc điểm đối tượng truyền thông, xóa nhòa đi rào cản ngôn ngữ địa phương vùng miền, và gắn kết dân làng với những mô hình năng lượng mới mẻ song sẽ sớm đây thôi sẽ trở nên gần gũi trong từng mái nhà Cư Pui…

Linh hoạt trong việc lựa chọn phương pháp truyền thông cũng là điều mà các giảng viên được trải nhiệm. Những mong muốn bà con thấu hiểu lợi ích và tính ứng dụng thực tế của các mô hình năng lượng bền vững đã kích thích tính sáng tạo của các giảng viên nguồn. Tối đa hóa các mô hình trực quan, tăng việc trải nghiệm lợi ích trực tiếp của các mô hình điểm có sẵn tại cộng đồng chính là một trong những yếu tố tạo dựng niềm tin cho người dân địa phương. Những nồi khoai ngon lành được nấu từ bếp đun cải tiến mà qua đó thấy được sự khác biệt về thời gian đun nấu, lượng củi sử dụng giữa bếp truyền thống với bếp cải tiến,…Bà con được mắt thấy tai nghe, được nhâm nhi củ khoai nóng và cùng trầm trồ về lợi ích của bếp, và ở đó chúng tôi đã thấy được những đôi mắt sáng, nụ cười hiền của các anh chị giảng viên. Những điều mà anh chị đang trải qua, những cảm xúc các anh chị đang sôi sục trong lòng, thành viên nhóm đào tạo của GreenID chúng tôi cảm nhận rõ hơn ai hết. Chúng tôi nỗ lực gợi mở không gian để các giảng viên được ứng dụng thực tế và chính các anh chị cũng là người mang trải nghiệm chân thực nhất về năng lượng bền vững đến với cộng đồng. Có chăng Giá trị bền vững là khi cái đẹp được tiếp nối, lan tỏa?

Buổi truyền thông cộng đồng tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui với mô hình Bếp đun cải tiến

Đêm hội Cao Nguyên Xanh với hơn 400 người dân xã Cư Pui tham dự chính là lúc thông điệp truyền thông về mô hình năng lượng bền vững được lan tỏa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đêm hội trong 2 tiếng ngắn ngủi song hết sức thành công dù trong tiết trời mưa gió với những thiếu thốn về ánh sáng, âm thanh, điều kiện cơ sở vật chất khác… Truyền thông đại chúng, bằng lời ca, tiếng hát và những vở hài kịch là hình thức truyền thông mà các anh chị đã chọn lựa để đưa năng lượng xanh tiếp cận gần hơn với bà con buôn làng Tây Nguyên. Những lúc tập văn nghệ tranh thủ trong giờ nghỉ giải lao, những bài thơ cấu đố, điệu hò đầy sáng tạo – các sản phẩm từ những giờ học qua trải nghiệm… Một đêm văn nghệ gần gũi, đầy yêu thương, đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền với thông điệp rõ ràng đã diễn ra như thế, tối đa hóa sự tham gia của đa dạng các đối tượng liên quan về chủ đề Năng lượng bền vững: từ cấp chính quyền, người dân địa phương, nhóm truyền thông địa phương đến nhóm giảng viên tiên phong, chuyên gia năng lượng của dự án… Giao lưu văn hóa địa phương các vùng miền chính là điểm kết nối không chỉ giữa nhóm giảng viên với bà con buôn làng, không chỉ gắn kết nhóm năng lượng địa phương với thành viên còn lại của lớp học, mà còn bắc cầu cho năng lượng bền vững thắp sáng buôn làng Cư Pui.

Vở hài kịch hấp dẫn về lợi ích của Bếp đun cải tiến trong đêm hội truyền thông 

Nụ cười của các em nhỏ xã Cư Pui trong đêm hội

Toàn cảnh đêm hội 

Ngày 3 – hành trình mới bắt đầu!

Ngày cuối cùng của khóa tập huấn là thời điểm nhìn lại hành trình các giảng viên đã cùng nhau trải qua, rút ra bài học và định hướng đi trong giai đoạn tới. 3 tiếng buổi sáng ngày 23 đã khoảng thời gian các thành viên của khóa tập huấn ngồi lại với nhau để trao đổi các nội dung, ưu nhược điểm và cách thức áp dụng của 3 phương pháp truyền thông cộng đồng: truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm, truyền thông đại chúng. 

Học viên Khóa đào tạo giảng viên nguồn diễn tả phương pháp "Truyền thông nhóm" thông qua kịch tương tác

Đôi bàn tay học viên viết những thông điệp truyền thông

Tinh thần hội nhóm

Những nụ cười của mỗi giảng viên từ 4 thôn trở về "nhà" hay khi chia sẻ với các nhóm khác về buổi truyền thông thôn mình, những ánh mắt sáng cho những mong mỏi được cùng bà con sẻ chia câu chuyện về điện, về nước; những trăn trở sâu lắng cho những buổi truyền thông hoàn thiện hơn ở khâu tổ chức, vận động người dân, kết nối và tạo dựng niềm tin ở bà con… Bao nhiêu chia sẻ là bấy nhiêu cảm xúc, bài học. Lớp học chúng tôi hình thành và duy trì từ chính những sẻ chia, lắng nghe, học hỏi một cách đầy tích cực như thế.

"Truyền thông là sự phối kết hợp của các cá nhân trong một tập thể lớn". "Truyền thông là không bỏ lại ai phía sau, trước nhất là đối với người đồng đội của mình". "Truyền thông đến cộng đồng, trước hết cần tạo được sự đồng thuận và thấu hiểu trong nhóm truyền thông". Đó là những bài học về tinh thần làm việc tập thể mà những người đào tạo GreenID chúng tôi gửi gắm thông qua trò chơi trải nghiệm trong buổi đào tạo cuối cùng. Kết thúc khóa tập huấn số 2 về đào tạo giảng viên nguồn, các hạt giống đã được nảy mầm, đã sẵn sàng để tiếp nối hành trình mang năng lượng xanh đến mọi miền từ Nam chí Bắc. Cùng các anh chị "lan tỏa và chia sẻ", chúng tôi thật sự hân hạnh khi được là người đồng hành và kết nối.