Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

Khóa đào tạo Giảng viên nguồn về Năng lượng bền vững lần thứ 3 tại Hà Nội

  |   Viết bởi : Thanh Huyen

Từ ngày 23 - 24/2/2019 tại Hà Nội Khóa tập huấn “Giảng viên cộng đồng về Năng lượng bền vững” lần thứ 3 đã diễn ra sôi nổi, tiếp nối khóa tập huấn số 2 tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk trong tháng 10/2018. Khóa tập huấn nâng cao các mô hình năng lượng bền vững bền vững và kỹ năng tổ chức đào tạo tại địa phương nhằm củng cố lại tri thức và kỹ năng, nâng cao năng lực cho các giảng viên cộng đồng nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đào tạo cộng đồng và thúc đẩy sáng kiến năng lượng bền vững từ các địa phương trong năm 2019 tới.

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường Năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, địa phương về các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng", được khởi xướng bởi Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh Châu Âu.

Khóa tập huấn được thực hiện trong hai ngày cuối tuần với sự tham gia của 9 giảng viên nguồn chọn lọc từ 2 khóa đào tạo trước đó cùng các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và truyền thông đào tạo như ông Trần Tiến Đức – Giám đốc chương trình GreenID Vietnam, chị Võ Thị Xuân Quyên – Điều phối dự án GreenID Vietnam, chị Ngụy Thị Giang – Quản lí tài chính và chị Nguyễn Thị Trang Nguyên – Quản lí truyền thông GreenID… Đây là khóa tập huấn nằm ngoài kế hoạch đào tạo, song đã được thiết kế bổ sung nhằm một lần nữa trang bị hoàn thiện các thông tin, kiến thức, kỹ năng để các anh chị giảng viên vững tay lái trên chặng đường truyền thông sắp tới.

Toàn cảnh lớp học

Về kiến thức, 100% các giảng viên cộng đồng sau buổi sáng ngày đầu tiên đã đều nắm được những thông tin cốt lõi về 5 mô hình năng lượng bền vững cấp hộ gia đình và 2 mô hình cấp cộng đồng: Bếp đun cải tiến, Đèn LED, biogas cấp hộ, năng lượng mặt trời mái nhà, đèn xách tay năng lượng mặt trời, mô hình điện nước tích hợp bằng năng lượng mặt trời độc lập cho cộng đồng chưa nối lưới và mô hình đèn đường năng lượng mặt trời. Để các học viên đặt mình trong tâm thế người dân địa phương đưa ra những câu hỏi, các chuyên gia cộng đồng của GreenID đã lần lượt giải đáp những khúc mắc về cách lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng của 7 mô hình, tháo gỡ các khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành nhằm gia tăng tính hiệu quả trong quá trình đào tạo thực tiễn. Để cung cấp tốt thông tin nhằm thúc đẩy ứng dụng các mô hình năng lượng bền vững tại cộng đồng, yếu tố tiên quyết của mỗi giảng viên nguồn là phải trở thành chuyên gia của lĩnh vực đó. Chính bởi vậy, trong khóa đào tạo này, kiến thức chuyên môn là điều đầu tiên GreenID cùng các giảng viên cùng ôn lại và gói ghém vào “ba lô hành trang” mang năng lượng xanh đến cộng đồng.

Về kỹ năng, quy trình đào tạo cộng đồng (trước, trong và sau đào tạo) cũng được nhấn mạnh trong khóa tập huấn nhằm đảm bảo chương trình đào tạo ở địa phương của các giảng viên được thực hiện đúng theo quy chuẩn. “Cần phải tìm hiểu về đối tượng truyền thông (vẽ ra được chân dung đối tượng truyền thông theo vùng – cá nhân) là bước quan trọng trong quá trình trước đào tạo”. “Xác định nhu cầu của đối tượng truyền thông và các lợi ích cụ thể về năng lượng mà giảng viên có thể mang đến cho họ sẽ quyết định việc lựa chọn nội dung và phương pháp đào tạo cho các giảng viên.” “Nắm vững 04 nguyên tắc làm việc với địa phương chính trước là chìa khóa giúp các giảng viên đảm bảo được sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương đối với công việc trong thời gian tới.”. “Các lưu ý về kỹ năng chuẩn bị trước đào tạo, 1 giờ trước khi bắt đầu đào tạo, 20 phút trước đào tạo, trong và sau đào tạo cũng lần lượt vẽ ra một bức tranh toàn cảnh cho các giảng viên”… Đây có lẽ là những điều tâm đắc nhất mà GreenID, với kinh nghiệm làm 07 năm làm việc với cộng đồng, đã nhắn nhủ và chia sẻ đến các anh chị giảng viên nguồn.


Để trở thành các giảng viên nguồn đào tạo tại địa phương, các anh chị học viên không chỉ cần nắm vững quy trình đào tạo, kiến thức chuyên môn, mà còn cần áp dụng đúng quy định tài chính, có khả năng báo cáo hoạt động, và thực hiện các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội để gia tăng tính hiệu quả cũng như lan tỏa được giá trị của việc ứng dụng các mô hình đến với nhiều người dân hơn. Khóa tập huấn lần 3 này đã cung cấp đầy đủ thông tin và trau dồi kỹ năng đó tới từng giảng viên. Mở ra không gian để các học viên thực hành viết tin bài và chụp ảnh truyền thông cho sự kiện, hỏi đáp về quy trình tài chính là nút thắt sau cùng, đưa tâm thế các giảng viên nguồn trở nên sẵn sàng hơn trong hành trình sắp tới.

30 cuộc truyền thông trên 7 tỉnh thành trải dài từ Bắc vào Nam (Lào Cai, Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Lăk, Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) với mục tiêu ít nhất nâng cao nhận thức và tiếp cận thông tin đến các mô hình năng lượng bền vững cộng đồng cho 750 người dân tại khu vực chưa có điện lưới, miền núi, hải đảo chính là hướng đi mà cả lớp đã cùng nhau làm rõ và đồng thuận. Theo đó các giảng viên nguồn được phân chia thành 4 nhóm theo vị trí địa lý để cùng nhau triển khai truyền thông trong thời gian tới. Các anh chị giảng viên từ mọi nẻo Tổ Quốc hội tụ về Hà Nội bởi cùng chung mong cầu được học hỏi về năng lượng bền vững , để rồi chính anh chị sẽ trở lại nơi mình sinh sống, cùng lan tỏa năng lượng xanh đó đến với người dân quê hương. GreenID hiểu rằng: Khi chúng ta cùng chung trăn trở, cùng toàn tâm hiệp lực đặt câu hòi và tìm hướng đi hiệu quả, chúng ta sẽ gặp nhau và cùng nhau tìm ra đáp án. Và rằng, tiếp cận năng lượng phổ cập đến mọi miền đất nước là một việc không dễ dàng, song là có thể làm được khi có sự chung tay, đồng lòng từ nhiều cá nhân tiên phong!


Chặng đường sắp tới với các giảng viên nguồn sẽ nhiều chông gai, nhiều khó nhằn khi các anh chị phải trực tiếp chủ động thiết kế kế hoạch bài giảng, lựa chọn địa điểm và đối tượng truyền thông, khảo sát khu vực tổ chức, làm việc với địa phương, triển khai truyền thông và theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động… Song với những gì các giảng viên được tập huấn trong suốt quãng thời gian vừa qua, những trải nghiệm thực tế các anh chị đã cùng nhau thực hành tại cộng đồng Đăk Lăk, và với sự đồng hành dõi theo, sẵn sàng hỗ trợ từ các chuyên gia cộng đồng GreenID, một tương lai Việt Nam với triệu ngôi nhà xanh sẽ không còn là xa xôi, không tưởng.

Những thành công trông thấy được từ khóa đào tạo giảng viên nguồn đối với GreenID chúng tôi có lẽ không chỉ dừng lại ở việc có bao nhiêu cuộc truyền thông, có bao nhiêu người dân địa phương tiếp cận, ứng dụng mô hình năng lượng bền vững. Việc mở ra không gian để hội tụ những hạt giống tiên phong về năng lượng xanh, tạo điều kiện tốt để các hạt giống từ cộng đồng nảy mầm chính là điều mà GreenID chú trọng và trân trọng hơn cả. Xây dựng và thúc đẩy nguồn lực từ cộng đồng, để tự họ quyết định về việc giải quyết nhu cầu năng lượng cho địa phương là giá trị bền vững mà chúng tôi đã, đang và sẽ theo đuổi!