Một nhóm LET mới với 15 thành viên từ các buôn trên toàn xã, với thành phần đặc thù 60% dân tộc thiểu số Ê đê đã bắt đầu đi vào hoạt động. Phía trước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức với các anh chị lần đầu tiếp cận dự án, song sẽ luôn có sự đồng hành của GreenID cho chặng đường nối vòng tay năng lượng bền vững sâu rộng hơn giữa Dang Kang với Cư Pui, cùng các thôn xã khác ở tỉnh Đăk Lăk
Tăng cường sự tham gia và nâng cao tính trách nhiệm của cộng đồng đối với việc giải quyết nhu cầu năng lượng địa phương cho người dân, cán bộ cấp cơ sở chính là động lực để GreenID triển khai Phương pháp Lập kế hoạch Năng lượng địa phương LEP đến vùng sâu vùng xa, các khu vực miền múi khó tiếp cận điện nước. Và một trong những khu vực GreenID chọn để triển khai dự án là xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk.
Ngày 23/10/2018. GreenID phối hợp với UBND xã Dang Kang tổ chức hội thảo khởi động dự án năng lượng nhằm mục tiêu thiết lập nhóm Năng lượng địa phương (LET) trực tiếp triển khai các mô hình Năng lượng bền vững tại xã bằng phương pháp Lập kế hoạch Năng lượng địa phương. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy các giải pháp năng lượng bền vững vì lợi ích của các cộng đồng dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế tại Việt Nam”, được khởi xướng và trực tiếp thực hiện từ tháng 1/2018, nối tiếp những thành công đã đạt được khi triển khai dự án tại xã Cư Pui, Krông Bông, Đăk Lăk.
Buổi lễ khởi động có sự tham dự của 50 người dân xã Dang Kang cùng chị Nguyễn Thị Quyên, chị Nguyễn Thanh Uyển Như – Cán bộ dự án của GreenID. Trong đó, phải kể đến sự góp mặt của các đại diện phía xã như: ông Phan Thanh Cẩm – Phó chủ tịch UBND xã, ông Phạm Văn Hùng – Bí thư đảng ủy, ông Lê Xuân Phúc – Phó chủ tịch HĐND xã Dang Kang, các cán bộ ban hàng đoàn thể đạo diện hội thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, các trưởng phó thôn, buôn và già làng. Sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền địa phương ngay từ những bước đầu tiếp cận dự án khiến chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy động lực cho hành trình mới.
Chị Nguyễn Thị Quyên - Cán bộ dự án của GreenID chia sẻ những thành công triển khai mô hình năng lượng bền vững ở xã Cư Pui
Phó chủ tịch UBND xã Dang Kang tuyên bố khởi động dự án
Diễn ra dưới hình thức họp thôn, buổi lễ khởi động đã giúp các cán bộ xã Dang Kang có cái nhìn tổng quan về GreenD, hiểu về tinh thần của dự án ứng dụng các mô hình năng lượng bền vững nhằm giải quyết các nhu cầu điện nước thiết yếu cho bà con. Đồng thời, bà con được tai nghe mắt thấy những kết quả mà dự án đạt được tại xã Cư Pui lân cận và hiểu về quy trình của phương pháp lập kế hoạch năng lượng địa phương. Trao đổi, thảo luận và lắng nghe trực tiếp, các cán bộ xã cùng cán bộ dự án của chúng tôi đã cùng nhau xây dựng lộ trình cho chặng đường sắp tới với tinh thần hào hứng, say mê.
Khu vực triển lãm tài liệu
Vậy là từ tháng 11 này, Năng lượng xanh sẽ bắt đầu hành trình thắp sáng từng mái nhà Dang Kang...
Vậy là đã có thêm một cộng đồng nữa ở Đăk Lăk tham gia, một nhóm LET mới được thành lập với sự ủng hộ nhiệt tình từ phía địa phương...
Một nhóm LET mới với 15 thành viên từ các buôn trên toàn xã, với thành phần đặc thù 60% dân tộc thiểu số Ê đê đã bắt đầu đi vào hoạt động. Phía trước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức với các anh chị lần đầu tiếp cận dự án, song sẽ luôn có sự đồng hành của GreenID cho chặng đường nối vòng tay năng lượng bền vững sâu rộng hơn giữa Dang Kang với Cư Pui, cùng các thôn xã khác ở tỉnh Đăk Lăk.
Dang Kang những ngày cuối năm đang hừng hực khí thế để bước vào triển khai dự án. Hoạt động đồng tiên các anh chị nhóm Năng lượng Xanh sẽ triển khai là hoạt động khảo sát, đánh giá nhu cầu địa phương. Cùng các anh chị, GreenID chúng tôi thực sự tin tưởng và luôn giữ tâm thế sẵn sàng hỗ trợ địa phương bằng cả tấm lòng!
---
Thông tin về Phương pháp Lập kế hoạch Năng lượng địa phương: Đây là quá trình người dân và chính quyền địa phương cùng xây dựng một kế hoạch để giải quyết các vấn đề liên quan đến Năng lượng và môi trường trên địa bàn xã với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia. Qua đó, người dân được tiếp cận thông tin và ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững nhằm bảo vệ sức khỏe và quản trị tốt nguồn tài nguyên nước. Tham gia vào Nhóm Năng lượng địa phương (LET), các thành viên sẽ được trải qua chuối các hoạt động nâng cao năng lực như tập huấn, hội thảo… và đồng hành cùng cán bộ dự án khảo sát thu thập dữ liệu, truyền thông, triển lãm nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng tại khu vực mình sinh sống.