Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là quy hoạch điện VIII và bối cảnh xây dựng quy hoạch này hiện đã rất khác so với trước đây, trong đó nhiệt điện than đang ngày càng bị nhiều nước tẩy chay trước sự phát triển mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo.
Quy hoạch điện VIII cần phải đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Trong ảnh là dự án điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh
Hãy bỏ điện than, lấy điện sạch
Trao đổi với TBKTSG liên quan đến chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), nhấn mạnh: “Quy hoạch điện là hết sức quan trọng vì khi được phê duyệt nó sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện, cho nên, cần phải nâng cao chất lượng quy hoạch, không nên làm xong rồi lại điều chỉnh hoặc có những điểm không hợp lý”.
Ông Duệ cho rằng, quy hoạch mới phải trên quan điểm phát triển bền vững toàn bộ hệ thống điện, tức phải đảm bảo ba yếu tố: thứ nhất, về vấn đề kỹ thuật phải nâng cao được độ tin cậy về cung cấp điện cho nền kinh tế và sinh hoạt; thứ hai, phải có hiệu quả về kinh tế, nghĩa là chi phí đầu tư không quá cao, nhưng nó phải đảm bảo được chất lượng, hiệu quả; thứ ba, phải đảm bảo được môi trường, tức không đánh đổi môi trường để có nguồn cung cấp điện. “Phát triển nhưng không gây ảnh hưởng vấn đề môi trường, đặc biệt là đến biến đổi khí hậu và an toàn sức khỏe người dân”, ông cho biết và nói rằng khi hài hòa được ba tiêu chí nêu trên, thì quy hoạch mới tối ưu.
Một điểm đáng lưu ý, theo ông Duệ, quy hoạch điện VII điều chỉnh đã chú trọng quá lớn vào nhiệt điện than, đây là loại hình năng lượng có vấn đề trong đảm bảo môi trường, thậm chí việc đảm bảo cung cấp than trong tương lai cho loại hình năng lượng này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. “Than ở Việt Nam và thế giới đã dần cạn kiệt, nếu mình phát triển quá nhiều nhà máy nhiệt điện than thì vấn đề cung cấp nguyên liệu trong tương lai sẽ đầy rủi ro và thách thức vì mỗi nhà máy điện than tồn tại khoảng 30 năm”, ông cho biết và gợi ý việc phát triển nhiệt điện than cần được cân nhắc kỹ trong quy hoạch điện mới.
Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, trước đây đã từng đề xuất bỏ bớt nhiệt điện than và tăng năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và gió. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả năng lượng hơn.
Theo ông Sính, trong chiến lược phát triển năng lượng sắp tới, với những nhà máy điện than đã làm dở dang, tức đã đầu tư tương đối nhiều tiền thì làm tiếp, chứ không nên làm thêm cái mới.
Cơ sở cho đề xuất đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, ông Sính dẫn số liệu tính toán của Viện Năng lượng cho thấy, ở Việt Nam, tiềm năng năng lượng mặt trời lớn gấp 14 lần tổng công suất các nhà máy điện hiện nay (54.000 MW), còn điện gió ở trong bờ có thể đạt tổng công suất khoảng 100.000 MW, trong khi ở ngoài khơi chưa đánh giá, nhưng sẽ không ít.
Ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch điện mới cũng đã nói rất rõ là “phải phù hợp với xu hướng chung”. “Khi đối chiếu với Nghị quyết 120 (về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu), thì quy hoạch điện lực mới dù là quy hoạch chung cả nước, nhưng nhìn ở góc độ của vùng, thì nó cũng phải phù hợp với những định hướng của Nghị quyết 120 là phát triển gắn với đảm bảo môi trường”, ông Hiệp nói.
Chính vì vậy, xu hướng của quy hoạch điện mới là phải tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo, trong đó, điện mặt trời và gió ở khu vực này có tiềm năng rất lớn và thực tế thời gian qua nó cũng đang được đẩy mạnh. “Nếu trước đây chưa thấy hết tiềm năng đó, thì bây giờ chúng ta đã nhận diện được”, ông Hiệp nhấn mạnh và cho rằng điều kiện hiện nay cũng có nhiều thuận lợi: thứ nhất, thế giới đang chuyển dịch theo hướng giảm loại hình năng lượng hóa thạch; thứ hai, các định chế tài chính quốc tế, những ngân hàng lớn cũng đã ra tuyên bố không ưu tiên cho vay đầu tư nhiệt điện than; thứ ba, tiềm năng Việt Nam có và cuối cùng là thành tựu công nghệ hiện nay cho phép có thể giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo, phát huy được yếu tố bảo vệ môi trường.
“Vì vậy, nhìn ở góc độ quy hoạch cả nước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong những trung tâm năng lượng cả nước, cho nên, những dự án nhiệt điện than cần xem xét, đánh giá lại”, ông Hiệp cho biết và dẫn chứng: hai nhà máy nhiệt điện than Tân Phước của Tiền Giang hay hai nhà máy nhiệt điện than của Long An có thể thay thế bằng những nguồn năng lượng khác, thậm chí, việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo cũng có thể bù đắp cho thiếu hụt khi không đầu tư nhiệt điện than ở những nơi này.
Cơ chế nào cho năng lượng sạch?
Nếu xác định năng lượng sạch sẽ là ưu tiên hàng đầu cho chiến lược phát triển điện lực giai đoạn tới, vậy cơ chế nào để hỗ trợ loại hình năng lượng này phát triển?
Ông Hiệp cho biết, thứ nhất, cần phải cập nhật và đón đầu xu hướng công nghệ từ thành tựu của ngành năng lượng tái tạo để có suất đầu tư đúng và hiệu quả.
Thứ hai, thời gian qua có nhiều dự án năng lượng mặt trời không thể phát hết công suất, dù đã được kêu gọi đầu tư. “Điều đó, cho thấy sự phát triển chưa đồng bộ vì nguồn phát có, trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng”, ông Hiệp cho biết và nói rằng bài toán mới đặt ra cho quy hoạch điện VIII là phải phát triển đồng bộ.
Kế đến nữa, theo ông Hiệp, giá điện phải duy trì như thế nào để vừa đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân, vừa kích thích đầu tư của nhà đầu tư. “Dĩ nhiên, như thế nào thì phải trả lời trong thực tiễn”, ông nói.
Một vấn đề khác là cần tính toán về cơ chế để hòa lưới điện quốc gia cho các dự án điện phân tán.
Ông Trần Đình Sính cho rằng hệ thống đường dây truyền tải điện Việt Nam từ trước đến nay được đầu tư để chuyển điện từ miền Bắc vào Trung và Nam (miền Bắc sử dụng khoảng 37% điện năng, miền Trung 13% và miền Nam là 50%), cho nên, miền Nam nguồn phát ít hơn.
Theo ông Sính, tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời, điện gió ở miền Nam và miền Trung là rất lớn. “Vậy, tại sao mình không phát triển điện mặt trời, điện gió?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng khi đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ở miền Nam và Trung, thì khu vực này hoàn toàn có thể truyền tải điện ngược lại ra miền Bắc.
Ông Sính cho biết, khi đó miền Bắc có thể tiết kiệm được nguồn than và chỉ dùng cho các nhà máy nhiệt điện khi thật sự cần thiết. “Do đó, đường dây truyền tải phải đi theo hai chiều mới có hiệu quả, chứ từ trước đến nay mình chỉ truyền tải một chiều, từ Bắc vào Trung và Nam”, ông cho biết.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online